(Sốc) Tỷ lệ uống rượu bia ở nam giới Việt là 44,2%

Thứ Năm, 08/11/2018, 16:41
Hiện nay mức độ tiêu thụ rượu, bia tại Việt Nam đang ở mức báo động khi bình quân đầu người (trên 15 tuổi ở cả hai giới) quy đổi theo cồn nguyên chất là 8,3 lít năm 2016, cao hơn mức bình quân của thế giới rất nhiều. Đặc biệt, tỷ lệ uống rượu, bia ở mức nguy hại hiện rất cao ở cả nam và nữ:  44,2% nam giới và 1,2% nữ giới. 


Những thông tin mới nhất này được ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết tại Hội thảo về cam kết quốc tế của Việt Nam liên quan đến phòng, chống tác hại của rượu bia, do Bộ Y tế tổ chức ngày 8-11.

Theo một nghiên cứu của Học viện Cảnh sát thì rượu bia là một trong 3 nguyên nhân hàng đầu làm tăng tỷ lệ tai nạn giao thông, cùng khoảng 800 ca tử vong do bạo lực; 30% số vụ gây rối trật tự xã hội mỗi năm; 70% số vụ phạm pháp hình sự ở thanh niên dưới 30 tuổi.

Rượu, bia cũng là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh tật, đồng thời, gây thiệt hại lớn về kinh tế với khoảng 65 nghìn tỷ đồng (1,3% GDP). Chỉ riêng chi phí cho giải quyết hậu quả tai nạn giao thông đã chiếm 1% GDP (50.000 tỷ đồng); gánh nặng trực tiếp của 6 bệnh ung thư mà rượu, bia là nguyên nhân cấu thành chính đã là 25.789; chi phí tiêu thụ bia của người dân gần 4 tỷ USD năm 2017. 

Một điển hình về hậu quả của rượu bia là vụ xe Innova lùi trên đường cao tốc khiến 4 người tử vong cùng nhiều người bị thương, có nguyên nhân là lái xe đã sử dụng rượu bia.

Hội thảo về cam kết quốc tế  của Việt Nam về phòng, chống tác hại của rượu bia

Trước những hệ lụy trên, Việt Nam đã thể hiện cam kết quốc tế của mình thông qua mục tiêu giảm 10% tỷ lệ sử dụng rượu, bia ở mức nguy hại vào năm 2030. Nhưng việc sử dụng rượu bia quá nhiều như hiện nay đang là rào cản để Việt Nam đạt được các mục tiêu về phát triển bền vững.

Vì thế, Luật Phòng chống tác hại của rượu bia được coi như một biện pháp quan trọng để ngăn ngừa hệ lụy về sức khỏe cho người dân và kinh tế cho xã hội. Nhiều tổ chức quốc tế và trong nước đã lên tiếng ủng hộ dự Luật này.

Theo ông Nguyễn Huy Quang, 3 tháng qua, kể từ khi Dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu bia được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi, đã có 10 thư kiến nghị/góp ý của 6 tổ chức trong nước và quốc tế, như Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Quỹ nhi đồng Liên hợp Quốc, Liên minh chính sách đồ uống có cồn toàn cầu vv… gửi tới lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ kiến nghị thực thi các chính sách phòng, chống tác hại rượu bia hiệu quả/tốt nhất mà WHO đã khuyến cáo.

Các tổ chức quốc tế cũng bày tỏ lo ngại về sự can thiệp của ngành công nghiệp làm giảm hiệu quả của những quy định pháp luật, tạo ra những kẽ hở làm suy yếu hiệu quả của pháp luật, đồng thời mong muốn trong xây dựng Luật, tính khoa học, khách quan và luôn đặt lợi ích bảo vệ sức khỏe nhân dân và phát triển bền vững đất nước được ưu tiên đặt lên hàng đầu; mong muốn các thông tin liên quan tới phát triển chính sách phòng chống tác hại của rượu bia từ hội nghị cấp cao của Đại hội đồng Liên hiệp quốc ngày 27-9-2018 được phổ biến rộng rãi tới các đại biểu Quốc hội. 

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng góp ý cụ thể về tên Luật, với đề nghị giữ nguyên như đề xuất của Chính phủ là “Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia”.

Các nạn nhân 1 vụ ngộ độc rượu

“Mục tiêu của Luật là điều chỉnh, phòng ngừa mặt tác hại do sử dụng rượu bia, vì vậy cần quy định các biện pháp phòng, chống tác hại liên quan đến giảm cung, giảm cầu và giảm tác hại. Việc thay đổi sang tên khác như “Luật phòng, chống tác hại của lạm dụng rượu, bia” sẽ làm chệch mục tiêu và đối tượng tiếp cận, phá vỡ kết cấu khoa học của các chiến lược cần có trong nội dung dự thảo luật” -ông Quang nhấn mạnh.


Thanh Hằng
.
.
.