Lạm dụng rượu bia, hậu quả khôn lường

Thứ Ba, 12/02/2019, 07:35
Trước và sau Tết, số ca nhập viện vì ngộ độc rượu tăng cao, đặc biệt 5 ngày Tết có 98 trường hợp đánh nhau do rượu, bia, gần 20% số ca TNGT cấp cứu tại Bệnh viện Việt Đức dương tính với nồng độ cồn. Không chỉ gây tai nạn giao thông, rượu, bia còn ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, nhân cách của mỗi người.


Ngộ độc rượu tăng mạnh

Rượu không rõ nguồn gốc, rượu chứa methanol là ám ảnh với nhiều người khi năm 2017 có nhiều ca ngộ độc methanol tử vong. Tuy nhiên, trước và trong Tết Nguyên đán 2019, số bệnh nhân phải nhập viện liên quan tới rượu lại gia tăng. Mỗi ngày Khoa cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận hơn 200 bệnh nhân ngộ độc, xuất huyết tiêu hóa, suy gan, thận cấp liên quan đến rượu.

Khoa Cấp cứu A9 Bệnh viện Bạch Mai dịp Tết số bệnh nhân cấp cứu tăng 30% so với ngày thường, trong đó 50% số ca chuyển tuyến, chủ yếu do tim mạch, huyết áp, tai biến mạch máu não, sốc nhiễm khuẩn, đột quỵ, xuất huyết tiêu hóa, suy gan, thận cấp liên quan đến rượu, bia.

Những ca cấp cứu nặng do lạm dụng rượu bia.

Trước và trong Tết Nguyên đán, số ca ngộ độc rượu cấp cứu tại Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai cũng gia tăng, trung bình mỗi ngày có từ 2-3 ca ngộ độc rượu vào cấp cứu. Nhiều ca vào nhập viện trong tình trạng lơ mơ, bất tỉnh, huyết áp giảm, trụy tim mạch.

Theo BS Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm chống độc, người uống quá nhiều rượu bia lâu ngày sẽ mắc các bệnh về gan, thần kinh, suy yếu hệ miễn dịch. Mặc dù đã được cảnh báo nhiều, song việc lạm dụng rượu, bia vẫn ở mức cao, đặc biệt là các ca nhập viện do uống phải rượu có methanol vẫn rải rác.

Đầu xuân là thời điểm diễn ra nhiều lễ hội, hàng quán mọc lên để phục vụ nhu cầu vui chơi của người dân, việc bán rượu không rõ nguồn gốc, rượu pha cồn công nghiệp cho thực khách là điều khó tránh khỏi.

Theo Cục Quản lý thị trường Hà Nội, năm 2018 đã kiểm tra 820 vụ liên quan đến rượu, xử lý 781 vụ, phạt hành chính trên 2,3 tỷ đồng, tịch thu 18.090 lít rượu và 3.257 chai rượu các loại.

Ngay đến cửa hàng kinh doanh hàng Nhật nội địa ở ngõ 76 phố Duy Tân, Cầu Giấy, qua kiểm tra, lực lượng Quản lý thị trường cũng phát hiện bán nhiều thùng rượu Choya, Kikkoman, Sake không có hóa đơn chứng từ. UBND TP Hà Nội đã ra quyết định xử phạt 80 triệu đồng đối với chủ cửa hàng về hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu.

Năm 2018 số ca ngộ độc rượu do Methanol tử vong giảm so với năm 2017 đã dẫn tới người tiêu dùng chủ quan, nhất là dịp Tết này. Công tác kiểm tra, kiểm soát rượu trên thị trường không tiến hành gắt gao khiến cho việc việc bán rượu trắng không nhãn mác, không rõ nguồn gốc vẫn “điếc không sợ súng”.

Dạo quanh một số lễ hội đầu xuân 2019, ở những hàng quán ven đường, rượu cuốc lủi vẫn bày bán vô tư, khách du xuân uống mà không quan tâm tới nguồn gốc, đây có thể coi là một trong những nguyên nhân khiến các ca ngộ độc rượu gia tăng.

Nguy hiểm tính mạng từ rượu

Thật đáng buồn khi Tết Nguyên đán năm nay qua thống kê từ 28 đến mùng 3 Tết có 3.400 ca nhập viện vì đánh nhau, trong đó có 11 ca tử vong, số ca xác định do rượu, bia là 98 trường hợp. Một trong những nguyên nhân dẫn tới ẩu đả là do va chạm giao thông khi đi chúc Tết và sau khi sử dụng rượu, bia.

Nhìn vào số lượng tiêu thụ rượu trong dịp Tết, nhiều người không khỏi lo ngại khi sử dụng rượu quá nhiều, “ma men” làm cho con người bốc đồng, ẩu đả là chuyện dễ xảy ra. Đặc biệt, rượu, bia cũng là một trong những nguyên nhân gia tăng tai nạn giao thông (TNGT) dịp Tết. Có mặt ở Bệnh viện Việt Đức vào những ngày đầu năm mới, chúng tôi mới cảm nhận hết được hậu quả và bài học từ việc lạm rượu, bia.

Trong 4 ngày Tết, có 40 ca TNGT vào cấp cứu tại Bệnh viện Việt Đức dương tính với nồng độ cồn. Người nhà nạn nhân Nguyễn Văn T (Nam Định) cho biết, trước khi xảy ra tai nạn, anh T đã uống rượu nên không làm chủ được tốc độ, đâm phải xe đi ngược chiều có nguy cơ phải mất một chân phải.

Có nạn nhân do nồng độ cồn trong máu quá cao, khi gặp tai nạn đã rơi vào hôn mê sâu, dù được phẫu thuật sọ não nhưng cơ hội tỉnh lại rất khó khăn. Đối với bệnh nhân TNGT có nồng độ cồn trong máu, công tác chẩn đoán bệnh, gây mê và hồi sức sau mổ khó khăn hơn nhiều so với bệnh nhân không uống rượu, bia.

Lạm dụng rượu bia không chỉ xảy ra ở dịp Tết mà ở bất kỳ thời điểm nào trong năm. Nhiều người có quan niệm sai lầm uống rượu, bia “xịn” thì sẽ không việc gì nên uống vô tội vạ. Theo PGS.TS Cao Thị Thu Hương (Viện Dinh dưỡng quốc gia), khoảng 5-10% rượu được bài tiết qua phổi, thận và da, phần còn lại được chuyển đến gan.

Gan chỉ có thể oxy hóa khoảng 2 đơn vị rượu mỗi ngày. Nếu uống rượu thường xuyên, uống quá nhiều sẽ dẫn tới gan nhiễm mỡ, kéo dài có thể gây xơ và ung thư gan. Do vậy, để đảm bảo sức khỏe, tốt nhất không nên uống rượu, bia, hoặc nếu uống thì nam giới chỉ uống dưới 2 đơn vị cồn và nữ uống 1 đơn vị mỗi ngày.

Ra Tết là thời điểm diễn ra nhiều lễ hội vui xuân, bạn bè gặp gỡ ăn uống, chúc tụng, lực lượng Quản lý thị trường địa bàn cần mở kế hoạch tổng kiểm tra nguồn gốc rượu bán trên thị trường, tránh rượu methanol trà trộn, gây hại đến tính mạng người sử dụng.

Trần Hằng
.
.
.