Quyết liệt truy quét “vàng tặc” ở vùng rừng núi Vĩnh Linh, Quảng Trị

Chủ Nhật, 14/08/2016, 06:50

Tình trạng khai thác vàng trái phép ở vùng rừng núi các xã Vĩnh Ô, Vĩnh Hà, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) đã có từ lâu, khoảng vào những năm 80 của thế kỷ 19. Đến những năm đầu thế kỷ 20, nghe tin những người làm vàng ở đây trúng đậm, ngàn vạn tha nhân từ khắp nơi, chủ yếu các tỉnh thành miền Bắc, đã trùng điệp đổ về đây, đào núi, phá rừng để tìm vàng.

 

 

 

Người được vàng cũng có, nhưng người nhà tan cửa nát vì vàng cũng nhiều. Đau đớn hơn, đa phần trong số họ đều sa vào con đường nghiện hút ma túy. Không từ bỏ được giấc mơ vàng, nhiều đối tượng bị Công an đẩy đuổi chỉ tháng trước, tháng sau đã quay trở lại, tiếp tục phó mặc mạng sống của mình cho rừng thiêng nước độc. “Cuộc chiến” chống “vàng tặc” ở đây vì thế trở nên rất cam go, khốc liệt...

Từ thị trấn Hồ Xá (Vĩnh Linh), chúng tôi theo chân các cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Vĩnh Linh, bí mật lên thị trấn Bến Quan lúc nữa đêm, từ đây theo con đường đèo dốc hiểm trở gần 30km đến xã Vĩnh Ô lúc 2h sáng hôm sau. 

Lực lượng cắt rừng, đột nhập vào “đại bản doanh” của “vàng tặc” ngay từ điểm cách khu dân cư đầu tiên chừng 1km. Sau gần 2 giờ đồng hồ lội suối băng rừng, lực lượng đến được điểm khai thác vàng của “vàng tặc” ở khe Dẻ, thuộc bản 1, Vĩnh Ô. 

Tại đây, “vàng tặc” đã đào bới, vận chuyển được chừng 3m3 đất, đá từ trong lòng núi ra bên ngoài để xay nghiền, lọc lấy vàng. Bên cạnh là lều lán, cùng một chiếc máy nghiền đá đã ngừng hoạt động. Tìm kiếm khu vực xung quanh, lực lượng đã phát hiện thêm một chiếc máy tương tự, được “vàng tặc” chôn giấu khá kỹ càng.

Tiếp tục luồn rừng về hướng Tây-Bắc, cách điểm khai thác này chừng 300 đến 500m, lực lượng phát hiện điểm khai thác vàng trái phép thứ 2, thuộc khe Mi Xi, bản 2, Vĩnh Ô. Điểm này có quy mô khai thác lớn hơn điểm trước. “Vàng tặc” đã đặt tới 3 máy nghiền đá để lọc vàng, 2 máy bơm nước từ suối lên phục vụ cho hoạt động này. 

Cùng với đó là các vật tư thiết bị như khoan hơi, dầu hỏa đựng trong các can nhựa, thỏi thuốc nổ dùng để phá núi, đào lấy đất, đá có vàng vận chuyển ra bên ngoài…

Sau khi đã kiểm tra kỹ các lán trại, đường hầm, rừng núi xung quanh, nhưng không tìm thấy “vàng tặc”, lực lượng Công an huyện Vĩnh Linh quyết định đập phá toàn bộ máy móc, đốt lều lán, phá hủy mọi vật tư thiết bị của “vàng tặc” ở đây, rồi tiếp tục luồn rừng, truy quét tất cả những điểm khai thác còn lại.

Tại khe Xà Lời, bản 4, “vàng tặc” vừa mới lắp đặt được một máy nghiền, 2 máy khác chưa kịp lắp ráp còn cất giấu trong các đường hầm. Thượng tá Trần Đức Ninh, Phó Công an huyện Vĩnh Linh nhận định: Điểm khai thác này tập trung đông lực lượng như ở khe Mi Xi. Mặc dù chúng mới hoạt động thời gian ngắn, bằng chứng là không có đường hầm mới, mà chỉ tiếp tục đào sâu vào lòng núi theo những đường hầm cũ trước đây, nhưng khối lượng đất, đá chúng đã vận chuyển ra được bên ngoài để xay nghiền, lọc lấy vàng là khá lớn, khoảng chừng 4m3…

Ngày 13-8-2016, Công an huyện Vĩnh Linh tiếp tục tổ chức lực lượng truy quét, đẩy đuổi “vàng tặc” ở các vùng rừng núi trên địa bàn xã Vĩnh Hà, huyện Vĩnh Linh. Tại khu vực khe Ba Cây, lực lượng phát hiện một lều lán của “vàng tặc” vừa mới dựng lên, dùng làm nơi nghỉ ngơi cho các đội quân “tăm” vàng, chứ các đối tượng chưa tổ chức khai thác.
Lực lượng Công an Vĩnh Linh quyết liệt truy quét đẩy đuổi "vàng tặc" ở Vĩnh Ô.

Sau hơn 10 ngày mật phục, nắm thông tin và đột nhập vào các “đại bản doanh” của “vàng tặc” trên địa bàn các xã Vĩnh Ô, Vĩnh Hà, lực lượng Công an huyện Vĩnh Linh đã đẩy đuổi hết các đối tượng “vàng tặc”, chủ yếu người ở Đồng Hỷ, Thái Nguyên đến lén lút khai thác; đập phá toàn bộ máy móc của những đội quân này, với tổng cộng hơn 10 máy, gồm máy nghiền đá, máy bơm nước; phá hủy toàn bộ vật tư thiết bị liên quan phục vụ việc khai thác vàng trái phép; đốt hết toàn bộ lều lán của “vàng tặc”…

Trở lại việc đánh án được đảm bảo rất bí mật, nhưng khi lực lượng đột nhập vào được các điểm khai thác kể trên, thì “vàng tặc” đã tẩu thoát vào rừng trước đó, kịp che giấu máy móc, vật tư thiết bị và một số cửa hầm. Ông Hồ Văn Đàn, Trưởng Công an xã Vĩnh Ô chia sẻ: Khoảng 1 năm lại đây, Vĩnh Ô đã được phủ sóng điện thoại trên diện rộng. Hơn nữa, nhà cửa của người dân đều ở trên những ngọn đồi cao, các con đường tiểu mạch dẫn vào rừng đều nằm ở phía dưới. Một số “vàng tặc” đều có quan hệ họ hàng, chồng vợ, con cái với một số hộ dân ở các bản, nên thường hoạt động truy quét, đẩy đuổi “vàng tặc” của lực lượng chức năng đều bị lộ, báo cho “vàng tặc”.

 “Cuộc chiến” chống “vàng tặc” ở vùng rừng núi này vì thế xem ra vẫn còn rất cam go, chưa có hồi kết…

Thanh Bình
.
.
.