Đau lòng những vụ án người tâm thần sát hại người thân

Thứ Bảy, 30/05/2015, 08:19
Trong hồ sơ của cơ quan điều tra, thời gian gần đây xảy ra không ít vụ án giết người mà hung thủ mắc chứng bệnh tâm thần. Đặc biệt, có vụ trở thành thảm án, đau thương tột cùng khi có gia đình gần như bị “xóa sổ”. Theo quy định của pháp luật, người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần (nghĩa là họ không có năng lực trách nhiệm hình sự) bắt buộc phải chữa bệnh. Trong khi đó, có những bệnh tâm thần chỉ chữa được ổn định, không khỏi hẳn được, nên khi họ ở bệnh viện trở về là nỗi lo lắng, hoảng sợ của rất nhiều người. Liệu họ có gây án tiếp và làm thế nào để ngăn chặn được nỗi đau?

Bài 1: Nuôi con bị tâm thần - nỗi niềm ai tỏ!

Rất nhiều vụ án giết người do người tâm thần gây ra, hung thủ và nạn nhân đều cùng chung huyết thống. Việc phòng ngừa nỗi đau này dường như chưa được quan tâm đúng mức. Trong quá trình viết bài, chúng tôi đã gặp những người trong cuộc, nghe chính họ nói lên những nỗi niềm day dứt khi không phòng tránh, ngăn chặn được nỗi đau của chính mình.

Những cái chết được báo trước

Vụ con trai bị bệnh tâm thần dùng xà beng sát hại mẹ ruột xảy ra gần đây nhất vào ngày 8/5, tại xã Tân Tiến, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk. Theo người nhà nạn nhân, Nguyễn Văn Thương (33 tuổi), là người có tiền sử bệnh tâm thần, đã có vợ và 2 con nhỏ. Trong thời gian chung sống với nhau, Thương hay đánh đập vợ con không vì lí do gì. Không chịu nổi tính khí thất thường của chồng, người vợ này đã đưa 2 con về nhà bố mẹ đẻ. Thương sống cùng với mẹ là bà Đặng Thị Cúc (78 tuổi) cho đến khi hắn gây ra án mạng vào tối 8/5.

Nhiều lần thấy con uống rượu và có biểu hiện bất thường về bệnh tâm thần hoang tưởng, nhưng ông bà Đào Văn Dư và Vũ Thị Chăn (cùng 73 tuổi), ở tổ 14, phường Tân Thành, TP Thái Nguyên, không thể ngờ có ngày con trai Đào Văn Dương (38 tuổi) lấy dao cứa cổ con gái 4 tuổi của mình. Lúc đó, khoảng 18h ngày 7/5/2015, ông Dư và bà Chăn đang cho hai cháu nội là Đ.A.T và Đ.N.A ăn cơm trước thềm nhà, bỗng Đào Văn Dương cầm dao phay tiến lại gần và nói: “Con xin phép bố mẹ cho con giết con T.”. Tưởng con nói đùa, không ngờ Dương dùng dao phay cứa vào cổ con gái 4 tuổi. Chỉ khi ông Dư cùng những người dân chạy đến khống chế thì Dương mới dừng lại…

Ngày 24/4/2015, tại Khu đô thị Đặng Xá, Gia Lâm, Hà Nội, dư luận xôn xao, bàng hoàng khi Nguyễn Thị Giang Nam (27 tuổi), quê ở Bắc Giang, lấy dao chém tử vong đứa con mới hơn 4 tháng tuổi. Trước khi xây dựng gia đình, Nam ít nói, có dấu hiệu trầm cảm. Đặc biệt, sau khi sinh cháu Ninh Trường Đ. (SN 2014), bệnh trầm cảm của Nam nặng thêm. Khi chồng và gia đình đưa Nam xuống Hà Nội chữa bệnh, lưu trú tại Khu đô thị Đặng Xá thì Nam đã gây án với chính con đẻ của mình.

Chúng tôi liên tưởng đến vụ Nguyễn Thị Hiên (38 tuổi), trú tại xã Tiên Lãng, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã ném con 4 tháng tuổi xuống giếng vào tháng 4/2014. Trước đấy, gia đình nhà chồng của Hiên cũng thấy con dâu sau khi sinh có biểu hiện sợ ánh sáng, nhìn thấy ai cũng bảo là ma, có những hành động không bình thường nhưng lại chủ quan, không giám sát.

Cổng ra vào nơi ông Hợp, bà Phần bị con trai dùng búa sát hại.

Nửa đêm 29/4/2015, Đặng Ngọc Điền (28 tuổi), mắc bệnh tâm thần trú tại thôn Bì La, xã Đồng Ích (Lập Thạch, Vĩnh Phúc) đã dùng búa sát hại bố là Đặng Văn Hợp, anh trai Đặng Văn Lý (31 tuổi) và làm mẹ là bà Phạm Thị Phần bị thương tích nặng.

Vụ thảm án xảy ra ngày 2/8/2014, tại xóm 9, thôn Ngọa Đàm, xã Phượng Hoàng (Thanh Hà, Hải Dương), khi Phạm Duy Quý (21 tuổi), người bị bệnh tâm thần phân liệt ra tay sát hại bố mẹ, bà nội và chị họ. Theo bác sĩ Lưu Thị Chín, Trưởng trạm Y tế xã Phượng Hoàng - bạn thân của mẹ Phạm Duy Quý đã từng khuyên gia đình đưa Quý đi đến Bệnh viện Tâm thần Gia Lộc (Hải Dương) để chữa trị nhưng chưa kịp thì xảy ra chuyện đau lòng.

Phải giám sát mọi lúc, mọi nơi

Trong cái nắng nóng hầm hập, bỏng rát của những ngày cuối tháng 5, chúng tôi đến thôn Bì La, xã Đống Ích (Lập Thạch, Vĩnh Phúc) gặp 2 người chị gái của Đặng Ngọc Điền. Vụ việc xảy ra đã hơn 1 tháng, nhưng nhắc về cậu em trai bị bệnh tâm thần, chị Đặng Ngọc Xuyến lại rớt nước mắt, đau buồn tột độ khi gia đình bỗng chốc tan nát, âm dương cách biệt.

Theo chị Xuyến, do lấy chồng gần nhà, hằng ngày chị qua lại cùng bố mẹ chăm sóc Điền. “Thương Điền mắc bệnh, nhiều lần thấy em đập phá đồ đạc, đuổi đánh bố mẹ và tôi nhưng ai cũng nhẫn nhịn. Chưa bao giờ nghĩ, huống hồ là cảnh giác việc Điền có thể sát hại chính bố mẹ, anh trai”, chị Xuyến lấy tay quệt mắt.

Những vụ án liên quan đến người tâm thần, đa số xảy ra ở vùng nông thôn và nhiều gia đình rơi vào cảnh túng bấn khi phải đưa người tâm thần đi chữa bệnh. Chị Xuyến cho biết, kiếm được đồng tiền nào, bố mẹ chị Xuyến đều dành dụm để đưa Điền đi chữa bệnh. Lúc gia đình xảy ra chuyện, trong nhà bố mẹ chị chỉ còn đúng 1 triệu đồng. Hiện, hai chị em Xuyến và Thêm phải vay mượn tiền khắp nơi để chăm sóc bà Phạm Thị Phần, đang cấp cứu tại Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc sau khi bị Điền dùng búa đinh đập…

Hay như gia đình ông bà Dư, Chăn ở phường Tân Thành, TP Thái Nguyên cũng không lấy gì làm khá giả. “Nó ở bệnh viện tâm thần chữa bệnh, chúng tôi già rồi, không có phương tiện mà đi thăm, chăm nom”, bà Chăn nhìn xa xăm, khuôn mặt nhăn nheo hằn lên nỗi đau khổ của người mẹ nay đã 73 tuổi. 

Về lâu dài, việc không cách ly người tâm thần rất có thể sẽ tiếp tục gây ra những hậu quả đáng tiếc. Ông Trần Văn Thiết, Bí thư Chi bộ thôn Bì La cho biết, bản thân ông cũng là họ hàng với gia đình bị hại, sự việc xảy ra rất đau lòng. Tại thôn, ngoài gia đình ông Đặng Văn Hợp có hai người con tâm thần, hiện còn một số hộ dân cũng có những người con có biểu hiện tâm thần, không làm gì chỉ ở nhà. Tuy nhiên, vẫn có gia đình giấu, không cho người ngoài biết như gia đình ông N.V.H. có con trai ngoài 20 tuổi, bị bệnh này đã đưa đi chữa bệnh, nhưng khi người ngoài hỏi lại nói tránh...

Qua tìm hiểu của chúng tôi, trong thôn Bì La còn một số trường hợp dạng tâm thần, như T.V.H., con ông T.V.B.. Tuy H. không có biểu hiện đập phá, quấy nhiễu mọi người, nhưng cũng không ai dám chắc họ có gây án khi lên cơn? Bà P.T.N. (60 tuổi), gần nhà với ông bà Hợp Phần ở thôn Bì La cho hay: “Từ khi biết Điền gây ra tội ác, cả nhà tôi lo lắng sợ có ngày nó từ bệnh viện trở về. Tôi đang bảo con trai xây cao cổng ra vào…”.

Hiện nay, khái niệm “tâm thần” ngày càng được mở rộng, nhất là trong xã hội hiện đại, các triệu chứng tâm thần xuất hiện ngày càng nhiều do sức ép lớn từ công việc, cuộc sống. Việc không kiểm soát người mắc bệnh tâm thần, nhiều người mắc bệnh mà không hề biết nên không được cách ly, điều trị kịp thời. Chung sống với người bị tâm thần đang trở thành nỗi lo lắng của cả cộng đồng. Việc tuyên truyền để cộng đồng hiểu đúng về bệnh tâm thần, việc đào tạo đội ngũ bác sỹ chuyên khoa tâm thần và đặc biệt là đẩy mạnh công tác dự phòng bệnh tâm thần đang trở nên cấp thiết.

Thượng tá Hà Văn Chí, Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, người tâm thần thường có những suy nghĩ hoang tưởng, không thể kiểm soát được suy nghĩ nên hành vi bộc phát rất nguy hiểm. Cần phải có sự đồng lòng, quyết tâm của gia đình, chính quyền sở tại trong việc giám sát, theo dõi thường xuyên người bệnh. Ngoài ra, gia đình có người bị bệnh tâm thần không nên che giấu mọi người, khi trọng án xảy ra sẽ trở tay không kịp.
M.Hiền - P.Thủy
.
.
.