Một số công trình giao thông trọng điểm của Thủ đô:

Nhiều tuyến đường thủ đô khó cán đích vì vướng giải phóng mặt bằng

Chủ Nhật, 29/11/2015, 08:28
Do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng nên nhiều tuyến đường của Thủ đô dự kiến hoàn thành trong năm 2016 sẽ khó thành hiện thực.
  • Giải phóng mặt bằng xây công trình phụ trợ cao tốc Hà Nội - Hải Phòng
  • Vướng mắc trong giải phóng mặt bằng nút giao thông Túy Loan do đâu?
  • Gia hạn giải phóng mặt bằng dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông
  • Giải phóng mặt bằng dứt điểm dự án đường Văn Cao - Hồ Tây


  • Đường nội đô rộng từ 8 đến 10 làn xe chạy

    Tuyến đường Nhật Tân-Bưởi-Cầu Giấy thuộc dự án đường Vành đai 2 những ngày này đã thông xe tại nhiều đoạn. Với 6 gói thầu xây lắp, hiện nay gói thầu 1A từ cầu Nhật Tân đến Xuân La đã hoàn thiện xong.

    Các gói thầu 1B từ Xuân La đến chợ Bưởi, gói thầu nút Bưởi, gói thầu số 4 từ Bưởi đến Cầu Giấy, gói thầu số 2 xây dựng nút giao thông Cầu Giấy đã hoàn thành từ khoảng 60% đến 80% khối lượng công việc. 5 cầu vượt trên toàn tuyến đường là cầu vượt Bưởi, cầu vượt T11, cầu vượt Đội Cấn, cầu vượt Đào Tấn và cầu vượt Cầu Giấy cơ bản đã hoàn thiện, chỉ còn lại những hạng mục nhỏ như trải thảm bê tông nhựa, lắp ráp lan can thép.

    Để thi công đường dẫn lên cầu vượt Cầu Giấy, Ban quản lý dự án phát triển giao thông đô thị Hà Nội đã tổ chức phân luồng giao thông đi vào đường gom trái. Thời gian tới, khoảng 20 cây xà cừ nằm trong dải phân cách đường cũ trên đường Láng sẽ bị chặt hạ để phục vụ công tác thi công. Ông Nguyễn Xuân Hưng, cán bộ Phòng dự án 1, Ban quản lý dự án phát triển giao thông đô thị Hà Nội cho biết, các nhà thầu đang đẩy nhanh tiến độ thi công với 3 ca làm việc 24/24h mỗi ngày.

    Dự kiến từ giờ đến trước Tết Nguyên đán, tuyến đường Nhật Tân-Bưởi-Cầu Giấy sẽ được đưa vào thông xe để phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân. Khi đưa vào khai thác, đoạn đường sẽ bao gồm từ 8 đến 10 làn đường xe chạy, trong đó đoạn từ Bưởi đến Cầu Giấy sẽ có 4 làn xe chạy đường trên cao, 4 làn xe chạy đường dưới. Để tiếp tục thi công các đoạn đường còn lại, hiện Ban quản lý dự án đã đề xuất với Sở Giao thông vận tải về phương án phân luồng giao thông tại đoạn Đào Tấn- Đội Cấn.

    Một trong những dự án được người dân Thủ đô đặc biệt quan tâm là tuyến đường từ Ngã Tư Sở-Ngã Tư Vọng. Bởi lẽ, việc thi công tuyến đường đã kéo dài do khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng. Thông tin từ Ban quản lý các dự án trọng điểm phát triển đô thị Hà Nội, với 1.980m chiều dài, tuyến đường được chia làm 2 đoạn để thi công: đoạn từ Tôn Thất Tùng đến Ngã Tư Vọng với chiều dài 1.346m gồm cầu sông Lừ; đoạn 2 từ Tôn Thất Tùng đến Vương Thừa Vũ dài 634m.

    Những công việc cuối cùng đang được gấp rút hoàn thiện tại tuyến đường Nhật Tân – Bưởi – Cầu Giấy.

    Hiện nay, đoạn từ Tôn Thất Tùng đến Ngã Tư Vọng đã cơ bản hoàn thành xong công tác giải phóng mặt bằng. Đoạn đường từ Tôn Thất Tùng đến sông Lừ với cầu L5 bắc qua sông đã cơ bản hoàn thành, còn đoạn từ sông Lừ đến Ngã Tư Vọng đã tổ chức thi công nền đường trên mặt bằng thu hồi. Dự kiến từ nay đến trước Tết Nguyên đán 2016, đoạn đường từ Tôn Thất Tùng đến Ngã Tư Vọng sẽ được đưa vào khai thác với chiều rộng khoảng 53m, 8 làn xe chạy.

    Dứt điểm tháo gỡ vướng mắc trong giải phóng mặt bằng

    Là dự án có khối lượng giải phóng mặt bằng tương đối lớn với 1.555 hộ dân nằm “vắt” trên địa bàn của 4 quận Tây Hồ, Cầu Giấy, Ba Đình và Đống Đa, đến nay, việc thi công đoạn đường Nhật Tân-Bưởi-Cầu Giấy vẫn còn gặp khó khăn do một số hộ dân chưa chịu chấp hành quy định về giải phóng mặt bằng. Hiện còn 3 điểm chưa thể giải phóng mặt bằng trên trục đường là nhà ông Phạm Văn Cường tại số 650 đường Bưởi, quận Ba Đình; lối đi chung của các hộ dân ở làng Trung Nha, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy và hộ ông Phương Văn Chanh, quận Tây Hồ.

    Tương tự, tại dự án giao thông Ngã Tư Sở-Ngã Tư Vọng, tuyến đường Tôn Thất Tùng-Ngã Tư Vọng, một số hộ dân tổ 40, phường Khương Thượng vẫn chưa chịu bàn giao mặt bằng để các nhà thầu thi công nốt tuyến đường. Cũng do những vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng mà một số đoạn đường thuộc tuyến Ngã Tư Sở-Ngã Tư Vọng dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2016 hiện khó thực hiện được mục tiêu đề ra.

    Theo ông Nguyễn Xuân Hưng thì trước mắt sẽ vận động các hộ dân chấp hành quy định về giải phóng mặt bằng, đồng thời đề nghị chính quyền địa phương vào cuộc. Nếu các hộ không chấp nhận thì chính quyền địa phương sẽ phải tổ chức cưỡng chế để giải phóng mặt bằng, thực hiện thi công công trình. Tại dự án Ngã Tư Vọng-Ngã Tư Sở, tổng diện tích đất thu hồi là khoảng 116.866m², trong đó bao gồm 630 hộ dân, 33 cơ quan.

    Ban quản lý các dự án trọng điểm phát triển đô thị Hà Nội cho biết, căn cứ vào các kết luận chỉ đạo của UBND TP, Ban quản lý đã tiếp tục tập trung cùng với chính quyền địa phương cũng như các sở, ban, ngành chủ động tháo gỡ vướng mắc trong công tác chuẩn bị nhà, đất tái định cư, giải phóng mặt bằng, thủ tục xây dựng cơ bản, phân luồng giao thông để thúc đẩy tiến độ dự án.

    Việc các tuyến đường mở rộng được đưa vào thông xe là tin vui cho nhân dân Thủ đô bởi lẽ sẽ góp phần quan trọng trong việc giảm thiểu ùn tắc giao thông, rút ngắn thời gian lưu thông. Tuy nhiên, để các tuyến đường nhanh chóng hoàn thiện thì cần sự đồng thuận, đồng lòng của nhân dân cũng như sự vào cuộc ráo riết của các cơ quan chức năng nhằm tháo gỡ các vướng mắc một cách đồng bộ.

    Nguyễn Hương
    .
    .
    .