Tăng mức xử phạt vi phạm nồng độ cồn là cần thiết

Thứ Ba, 28/05/2019, 08:34
Một trong những nội dung được dư luận đặc biệt quan tâm nằm trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường sắt, đường bộ chính là đề xuất tăng mức xử phạt vi phạm nồng độ cồn. Hầu hết ý kiến của dư luận đều cho rằng, việc tăng mức xử phạt đối với hành vi này là việc làm cần thiết.


Theo dự thảo nghị định, phạt tiền từ 26.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với người điều khiển xe ôtô và các loại xe tương tự xe ôtô thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây: a) Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở (Tước GPLX từ 10 - 12 tháng); b) Không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn, chất ma túy của người thi hành công vụ  (Tước GPLX từ 10 - 12 tháng)…

Trong khi đó, theo quy định hiện hành của Nghị định 46/2016/NĐ-CP, lỗi vi phạm nồng độ cồn đối với người điều khiển ôtô chỉ bị phạt tiền từ 16-18 triệu đồng, tước GPLX từ 4 - 6 tháng. Với người điều khiển xe môtô, gắn máy, dự thảo Nghị định nâng mức phạt từ 3 - 4 triệu đồng lên 5 - 7 triệu đồng nếu lái xe khi có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100ml máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở, tước GPLX từ 10-12 tháng (thay vì chỉ 3 - 5 tháng hiện nay).

Tăng cường kiểm tra lái xe vi phạm nồng độ cồn. Ảnh minh họa

Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, TS Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản GTVT, chuyên gia giao thông đô thị cho rằng, lái xe sử dụng rượu bia là một trong những yếu tố gây ra nhiều vụ tai nạn thương tâm thời gian qua.

Chính phủ, Quốc hội, Bộ GTVT rất bức xúc về vấn nạn này. Ngoài việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức lái xe thì chế tài xử phạt tăng lên để đủ sức răn đe là một điều cần thiết. Vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện cần phải được ngăn chặn ngay từ đầu.

Tuy nhiên, TS Nguyễn Xuân Thủy cũng lưu ý, việc tăng mức xử phạt lên 30 triệu đồng cũng cần phải xem xét đối với những trường hợp không đủ khả năng để nộp phạt. “Hiện nay, không phải người dân nào điều kiện kinh tế cũng có thể đáp ứng việc nộp mức phạt này. Chính vì vậy cũng nên có chế tài hướng dẫn xử lý đối với những trường hợp không đủ điều kiện nộp phạt thì các quy định của luật mới đi vào cuộc sống”, TS Nguyễn Xuân Thủy cho biết.

Theo ông, chế tài xử phạt bổ sung là tước GPLX từ 10 tháng đến 12 tháng là cần thiết. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng cần có biện pháp quản lý chặt chẽ cấp mới, đổi GPLX để tránh tình trạng các lái xe bị tước GPLX báo mất để làm lại.

Còn TS Doãn Minh Tâm, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ, Bộ GTVT cũng cho rằng việc tăng chế tài xử phạt là một điều cần thiết đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện. Tuy nhiên, việc tăng mức xử phạt cũng cần xem xét ở tính hiệu quả và hậu quả. Hiệu quả là tăng tính răn đe khiến người điều khiển phương tiện không còn uống rượu, bia một cách tùy tiện.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là ý thức của người tham gia giao thông sẽ được nâng cao như thế nào. “Người có điều kiện kinh tế xác định nộp phạt là xong còn người không có điều kiện thì không nộp phạt được. Đó là còn chưa kể đến những vấn đề tiêu cực phát sinh từ các cơ quan thực thi pháp luật khi mức xử phạt tăng như vậy”, ông Doãn Minh Tâm chia sẻ. Theo ông Tâm, một trong những biện pháp mà các cơ quan chức năng nên quan tâm trong việc xử phạt hành vi vi phạm nồng độ cồn là biện pháp giáo dục trực tiếp.

Tức là, người vi phạm sau khi bị phát hiện phải dừng xe trong mấy tiếng đồng hồ cho hả rượu. Sau đó, phải tham gia lao động công ích trước sự chứng kiến của chính quyền địa phương như tổ dân phố, các tổ chức phường, xã…

Thời gian gần đây, sử dụng rượu bia khi lái xe là nguyên nhân gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông. Dư luận đang đồng tình, ủng hộ trong việc điều chỉnh, nâng chế tài xử phạt hành vi này cùng các biện pháp khác nhằm nâng cao ý thức lái xe, bảo vệ tính mạng cho chính mình và cộng đồng.

Nguyễn Hương
.
.
.