Tăng cường xử phạt nguội: Sẽ làm nghiêm với xe “không chính chủ”

Chủ Nhật, 03/01/2016, 08:37
Thống kê từ Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội, tính từ 1-12-2015 đến 31-12-2015, thực hiện kế hoạch xử phạt vi phạm giao thông qua hệ thống camera, lực lượng Cảnh sát giao thông đã phát hiện và lập biên bản gần 400 trường hợp vi phạm. Trong đó, lỗi vi phạm được phát hiện nhiều nhất là vượt đèn đỏ…

Điều đáng chú ý, trong số vi phạm này có tới hơn 100 xe con; 68 xe taxi, 24 xe tải, 9 xe môtô, 4 xe buýt.  Cũng tính đến ngày 31-12-2015, đã có hơn 100 trường hợp nhận được thông báo vi phạm đã đến giải quyết, trong số này chủ nhân xe máy chỉ đếm trên đầu ngón tay. Một câu hỏi được nhiều người thắc mắc, vì sao xe máy vi phạm nhiều hơn, song trên thực tế, chỉ có ôtô là bị lập biên bản nhiều?

Trao đổi với phóng viên, Thiếu tá Phạm Quang Minh, Đội phó Đội Chỉ huy và điều khiển đèn tín hiệu giao thông cho biết, lực lượng CSGT vẫn xử lý các vi phạm đối với cả môtô, lẫn ôtô. Song, với môtô, sau khi có hình ảnh, Cảnh sát giao thông chủ yếu tiến hành xử phạt tại chỗ. Cùng đó, trong năm qua cũng đã gửi khá nhiều biên bản thông báo lỗi về các địa phương, song chưa có người vi phạm nào trực tiếp lên giải quyết. Còn với chủ phương tiện ôtô,  sau khi CSGT gửi thông báo vi phạm, chủ phương tiện vi phạm đến cơ quan Công an giải quyết sẽ được xem lại video quá trình diễn biến vi phạm của phương tiện do mình điều khiển.

“Hầu như 100% người vi phạm sau khi đã xem lại hình ảnh vi phạm của mình đã “tâm phục, khẩu phục” ký vào biên bản. Khi chưa xem hình ảnh vi phạm, một số chủ phương tiện tỏ ra bất ngờ không biết mình vi phạm lúc nào”, Thiếu tá Minh cho biết.

Xe máy vi phạm giao thông được phát hiện qua camera sẽ được lưc lượng chức năng xử lý tại chỗ.

Trước những ý kiến cho rằng, CSGT đang “bó tay” trong việc xử phạt các phương tiện đã sang tên đổi chủ nhiều lần, đặc biệt là xe máy, lãnh đạo Phòng CSGT Hà Nội cũng thẳng thắn chia sẻ: trước khi thực hiện kế hoạch, chúng tôi tính đến phương án xử lý trực tiếp để hạn chế việc gửi thông báo vi phạm về nhà hoặc nơi công  tác, vì hình thức này cũng mất nhiều thời gian hơn. Tuy nhiên, trong quá trình CSGT gửi thông báo vi phạm về nhà hoặc cơ quan mà chủ phương tiện không đến giải quyết hoặc đã thay đổi địa chỉ nơi ở, đi nơi khác thì toàn bộ dữ liệu vi phạm sẽ được CSGT tiến hành phân loại, chuyển tải sang kho dữ liệu các xe vi phạm chưa xử lý.

Theo đó, các phương tiện này cứ lưu thông ra đường là sẽ bị lực lượng CSGT tuần tra trên đường bắt giữ, lập biên bản. Đặc biệt, khi những trường hợp phương tiện không sang tên chuyển chủ lưu thông trên đường vi phạm giao thông, CSGT có thể không xử phạt người điều khiển mà phạt chủ phương tiện để nâng cao trách nhiệm của chủ phương tiện.

Theo Phòng CSGT Công an TP Hà Nội, hiện Hà Nội quản lý trên 5 triệu môtô và trên 500 nghìn ôtô các loại. Tính đến ngày 31-12, các chủ phương tiện đã đến làm thủ tục sang tên chuyển chủ gần 25 nghìn môtô, gần 30 nghìn ôtô. Mặc dù còn nhiều phương tiện chưa sang tên đổi chủ, song lãnh đạo Phòng CSGT khẳng định, trong năm nay, lực lượng CSGT sẽ tăng cường tuần tra kiểm soát, xử nghiêm các trường hợp vi phạm qua hệ thống camera giám sát.

Đặng Nhật
.
.
.