Nghị định mới về xử phạt vi phạm giao thông đường bộ, đường sắt:

Năm 2017, bắt đầu phạt "xe máy không chính chủ"

Thứ Tư, 20/11/2013, 09:46
Thay đổi lớn nhất trong Nghị định 171/2013/NĐ-CP liên quan đến quy định xử phạt xe không chính chủ, cụ thể Nghị định đã lùi thời hạn xử phạt với nội dung này và áp dụng với ôtô từ 1/1/2015 và môtô, xe máy từ 1/1/2017. Mức phạt với hành vi này cũng được thay đổi, thấp hơn Nghị định 71.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 171/2013/NĐ-CP mới thay thế cho các Nghị định 34, Nghị định 71 về xử phạt vi phạm giao thông đường bộ, đường sắt. Theo Nghị định này, nhiều quy định mới đã được bổ sung, đồng thời nhiều mức phạt cũng đã được giảm xuống. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, việc tăng mức phạt hành chính mà vi phạm vẫn nhiều, liệu việc giảm mức phạt có làm cho người dân “nhờn luật” hơn?!

Giảm 50% mức phạt lái xe để “lỗi” hộp đen

Theo đó, từ 1/1/2014, mức phạt cho hành vi điều khiển ôtô chạy quá tốc độ trên 35km/h; đi ngược chiều trên đường cao tốc sẽ giảm còn từ 7-8 triệu đồng (hiện tại 8-10 triệu). Cùng nhóm với mức phạt này là hành vi điều khiển ôtô mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn quá 50 đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc quá 0,25 đến 0,4 miligam/1 lít khí thở. Đặc biệt, nhiều kiến nghị của chủ xe, lái xe vận tải cũng đã được đáp ứng khi mức phạt người điều khiển ô tô chở khách không gắn hộp đen hoặc có gắn nhưng thiết bị không hoạt động đã giảm từ 2-3 triệu xuống còn 1-2 triệu đồng...

Với người đi xe đạp, nếu đi không đúng phần đường quy định… mức phạt giảm còn 50.000 - 60.000 đồng. Lý giải về việc giảm một số mức phạt so với trước, ông Nguyễn Văn Thuấn, Vụ trưởng Vụ ATGT (Bộ GTVT) cho biết, khi trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, Bộ GTVT nhất quán quan điểm mức xử phạt phải phù hợp, khả thi. Giảm mức phạt với một số hành vi nhưng tập trung tăng cường việc nâng cao trách nhiệm của tổ chức và cá nhân, siết chặt quản lý vận tải sẽ đem lại hiệu quả cao hơn. Các chế tài đối với chủ doanh nghiệp và lái xe được quy định rõ. Mức phạt của tổ chức cao gấp đôi cá nhân để nâng cao trách nhiệm của chủ doanh nghiệp.

Từ 1/1/2014, nhiều quy định mới trong xử phạt vi phạm giao thông sẽ được thực hiện.

Cũng theo Nghị định, người điều khiển xe ôtô trong cơ thể có chất ma túy sẽ bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe (GPLX) 24 tháng (trong trường hợp có GPLX) hoặc phạt tiền từ 8-10 triệu đồng (trong trường hợp không có GPLX hoặc có nhưng đang bị tước quyền sử dụng). Mức phạt này với người lái xe máy, xe máy điện là 2-3 triệu đồng.

Từ 1/1/2015, xử phạt xe không chính chủ

Nghị định 171/2013/NĐ-CP thay thế cho Nghị định 71 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, quy định mức phạt mới áp dụng từ đầu năm 2014. Thay đổi lớn nhất trong Nghị định mới liên quan đến quy định xử phạt xe không chính chủ, cụ thể Nghị định đã lùi thời hạn xử phạt với nội dung này và áp dụng với ôtô từ 1/1/2015 và môtô, xe máy từ 1/1/2017. Mức phạt với hành vi này cũng được thay đổi, thấp hơn Nghị định 71.

Theo đó, chủ ôtô khi mua, được tặng cho, được thừa kế… (không chính chủ) sẽ bị phạt từ 1-2 triệu đồng với cá nhân, 2-4 triệu đồng với tổ chức, tương tự, mức phạt cho việc không sang tên, đổi chủ xe máy là 100.000 - 200.000 đồng và 200.000 - 400.000 đồng. Trước đó, vào cuối năm 2012, Nghị định 71 áp dụng mức phạt 6-10 triệu đồng với ôtô và 1 triệu đồng với xe máy không sang tên đổi chủ. Quy định này đã gây nhiều tranh cãi và khiến hàng trăm nghìn người lo lắng vì đang sử dụng xe không chính chủ, trong đó nhiều trường hợp không thể tìm được chủ cũ.

Trước những phản ứng của dư luận, cuối tháng 8 vừa qua, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo Bộ trưởng Giao thông Đinh La Thăng cùng Bộ Công an và Bộ Tư pháp tổ chức cuộc họp để thống nhất quan điểm về việc xử phạt hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định. Đại diện các Bộ đã đồng thuận đề nghị bổ sung vào dự thảo quy định xử phạt hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện để bảo đảm hiệu quả quản lý Nhà nước, quyền và nghĩa vụ hợp pháp của chủ phương tiện. 

Trước những quy định mới, trao đổi với phóng viên, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Hà Nội cho hay, chuyện nâng hay giảm mức phạt sẽ không lo người dân nhờn luật. Bởi cái gốc của vấn đề là làm sao để dân hiểu và chấp hành một cách nghiêm túc chứ không phải cứ phạt thẳng vào tài chính.

Trước nay, ở Nghị định 71, nhiều mức phạt được nâng quá cao, điều đó chứng tỏ người làm luật chưa thật hiểu bản chất vấn đề khiến người dân bức xúc. Ở một khía cạnh khác, người vi phạm không có đủ tiền nộp dễ dẫn đến việc “thỏa hiệp” với người làm luật, tiêu cực sinh ra từ đây. Nay, nghị định mới đã giảm mức phạt về đúng với mức của nó, người dân cũng thấy hợp lý. Chỉ cần lực lượng chức năng xử phạt nghiêm và minh thì ắt sẽ mang lại hiệu quả thiết thực

Đặng Nhật
.
.
.