Ý tưởng hòa bình với CHDCND Triều Tiên của Tổng thống Hàn Quốc

Thứ Tư, 19/07/2017, 08:12
Hãng tin Chosun cho biết, đề xuất đối thoại nói trên đã được Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Suh Choo-suk đưa ra hôm 17-7.


Theo đó, ông Suh Choo-suk cho rằng, hai nước có thể gặp nhau ở làng đình chiến Panmunjom để thảo luận các vấn đề quân sự và nhân đạo nhằm chấm dứt mọi hành động thù địch gần giới tuyến quân sự hai nước. Nếu CHDCND Triều Tiên đồng ý thì đây sẽ là cuộc hội đàm đầu tiên giữa hai chính phủ kể từ năm 2015 đến nay.

Hãng KBS thì cho hay, đề xuất đối thoại nằm trong "Sáng kiến hòa bình bán đảo Triều Tiên", hay còn gọi là "Sáng kiến Berlin", được Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in công bố hôm 6-7 tại Thủ đô Berlin của Đức.

Cùng với đó, Hàn Quốc cũng đang kêu gọi CHDCND Triều Tiên cùng phối hợp để tổ chức một cuộc họp của Hội Chữ thập đỏ liên Triều vào ngày 1-8 hoặc chậm nhất là ngày 4-10 tại "Ngôi làng hòa bình" để chuẩn bị cho chương trình đoàn tụ các gia đình bị ly tán trong chiến tranh Triều Tiên (1950-1953).

Tuy nhiên, cho đến chiều 18-7, Bình Nhưỡng vẫn chưa có phản hồi gì về đề nghị này của Seoul. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Moon Sang-kyun cho biết, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cũng đã chuẩn bị kế hoạch về các hành động bổ sung phù hợp với phản ứng của CHDCND Triều Tiên. Và chính vì sự chần chừ trong phản ứng của Bình Nhưỡng nên tại Hàn Quốc, các chính đảng cũng có những phản ứng khác nhau về đề nghị này.

Đảng Hàn Quốc tự do đối lập chính thì gọi đây là "hành động đơn phương" nhưng bày tỏ "sự nhất trí về nguyên tắc" đối với một giải pháp hòa bình cho vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên. Riêng đảng Dân chủ cầm quyền thì coi đây là "bước đi kịp thời" và nhấn mạnh thêm việc ủng hộ quan điểm của đảng Nhân dân rằng hai miền Triều Tiên cần xem xét vấn đề các gia đình bị ly tán từ quan điểm nhân đạo.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: AP

Trên chính trường quốc tế, Trung Quốc hoan nghênh động thái của Hàn Quốc còn Mỹ lại bày tỏ sự nghi ngờ về tính khả thi... Còn Nhật thì từ chối đưa ra lời bình luận nhưng mặt khác lại cử Ngoại trưởng Fumio Kishida tới gặp Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres để kêu gọi sớm thông qua nghị quyết mới của LHQ áp đặt các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc hơn với CHDCND Triều Tiên.

Điều đáng chú ý là dù vấp phải nhiều phản ứng khác nhau song Tổng thống của Hàn Quốc Moon Jae-in  vẫn giữ nguyên quan điểm của mình. Ông nói với phóng viên tờ Washingtonpost rằng: "Tôi sẽ gặp ông Kim Jong-un khi những điều kiện tiên quyết để giải quyết vấn đề hạt nhân được đảm bảo".

Theo nhận định của tờ Washingtonpost, có 3 lý do thúc đẩy ông Moon Jae-in đi đến quyết định này. Thứ nhất là bất kỳ cuộc xung đột quân sự nào với CHDCND Triều Tiên đều sẽ là tai họa cho Hàn Quốc.

Thời gian gần đây, người ta lại chú ý nhiều đến vũ khí hạt nhân cũng như sự tiến bộ trong công nghệ sản xuất tên lửa của Bình Nhưỡng. Trong khi đó, Thủ đô Seoul của Hàn Quốc chỉ cách khu vực phi quân sự liên Triều (DMZ) có vài chục kilomet, tức là hoàn toàn nằm trong tầm tay của pháo binh CHDCND Triều Tiên. Nếu Bình Nhưỡng quyết định sử dụng những vũ khí của mình, thiệt hại đối với Hàn Quốc là rất lớn và chỉ diễn ra trong một khoảng thời gian ngắn.

Một nghiên cứu từ năm 2012 ước tính rằng, 64.000 người có thể bị giết bởi pháo binh này trong ngày đầu tiên xảy ra chiến tranh. Ngay cả khi Hàn Quốc và đồng minh Mỹ của họ có thể hủy diệt những vũ khí này một cách nhanh chóng thì cũng không đủ nhanh để ngăn chặn việc đổ máu khổng lồ - bao gồm cả những tổn thất đáng kể của quân đội Mỹ đóng tại Hàn Quốc. Tệ hơn nữa, CHDCND Triều Tiên bây giờ lại có cả vũ khí hạt nhân.

Lý do thứ 2 nữa là các hình phạt của cộng đồng quốc tế dường như không làm thay đổi hành vi của CHDCND Triều Tiên. Một lựa chọn lớn khác để giải quyết vấn đề ở bán đảo Triều Tiên là áp dụng áp lực kinh tế, chứ không phải áp lực quân sự, với hy vọng thuyết phục Bình Nhưỡng ngưng chương trình vũ khí hạt nhân. Nhưng có vẻ như Bình Nhưỡng đã trở nên giỏi trong việc trốn tránh những hạn chế kinh tế được đặt ra.

Cuối cùng, chính kết quả các cuộc đàm phán trước đó đã phần nào củng cố niềm tin cho Tổng thống Hàn Quốc. Hai người tiền nhiệm của ông là ông Kim Dae-jung và Roh Moo-hyun đã thực hiện cái gọi là "Chính sách nắng" giữa năm 1998 và năm 2008. Chính sách này được thiết kế để làm dịu lập trường của Seoul đối với Bình Nhưỡng, khuyến khích sự tương tác về chính trị và các hiệp định kinh tế. Sau một thập kỷ nỗ lực hòa giải, nhiều người coi "Chính sách nắng" là thất bại.

Các nhà chỉ trích cho rằng CHDCND Triều Tiên đã sử dụng nó để đạt được lợi ích tài chính mà không có những nhượng bộ thực sự trong các lĩnh vực quan trọng như chương trình hạt nhân hoặc nhân quyền. Đến năm 2008, Hàn Quốc trở lại với một chính sách bảo thủ dưới sự lãnh đạo của ông Lee Myung-bak và sau đó là bà Park Geun-hye. 

Bây giờ, sau một thập niên thực hiện chính sách mới, khắc nghiệt hơn mà không ngăn được sự phản đối của Bình Nhưỡng, một số người cho rằng đã đến lúc phải xem lại các nguyên tắc của "Chính sách nắng". Một cuộc thăm dò dư luận gần đây cũng cho thấy, gần 76,9% người Hàn Quốc ủng hộ việc quay trở lại đối thoại liên Triều. 

Sông Thương
.
.
.