Nga bác phương án thắt chặt trừng phạt Triều Tiên của Mỹ

Thứ Năm, 06/07/2017, 10:33
Nga bác bỏ lời kêu gọi áp dụng các biện pháp trừng phạt mạnh hơn với CHDCND Triều Tiên của Mỹ và đề xuất một phương án “mềm mỏng” hơn do nước này và Trung Quốc soạn thảo.


RT đưa tin, ngày 5-7, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) đã tiến hành một phiên họp khẩn về vấn đề CHDCND Triều Tiên sau vụ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa của Bình Nhưỡng hôm 4-7.

Các Đại sứ Mỹ, Anh và Pháp đã kêu gọi HĐBA thông qua một nghị quyết cứng rắn hơn và có tính ràng buộc nhằm thắt chặt các lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên, buộc nước này phải từ bỏ chương trình hạt nhân.

Phó Đại sứ Nga tại LHQ Vladimir Safronkov. Ảnh: RT

Đại diện của Mỹ tại LHQ Nikki Haley cho hay “những hành động gây bất ổn của Triều Tiên đang làm tiêu tan hy vọng về một giải pháp ngoại giao” và “các biện pháp quân sự đã và đang được tính đến”.

Trong khi đó, đại diện của Nga và Trung Quốc cho rằng việc tăng cường cấm vận Bình Nhưỡng sẽ không tạo ra bất cứ kết quả khả quan nào.

Phó Đại sứ Nga tại LHQ Vladimir Safronkov nhấn mạnh bất kì biện pháp quân sự nào cũng cần phải bị loại trừ trong việc giải quyết vấn đề Triều Tiên.

Ông cho rằng tất cả các nước cần phải thừa nhận rằng trừng phạt sẽ không giải quyết vấn đề, đồng thời khẳng định những nỗ lực nhằm bao vây kinh tế Triều Tiên là "không thể chấp nhận."

Theo ông Vladimir Safronkov, Nga đang tìm cách nhanh chóng khôi phục tiến trình đối thoại để giải quyết những bất đồng trên bán đảo Triều Tiên.

CHDCND Triều Tiên ngày 4-7 đã bắn thử tên lửa đạn đạo liên lục địa. Ảnh: KCNA

Ngoài ra, Nga và Trung Quốc đã đề xuất biện pháp mang tên “tiến bộ song song” bằng cách yêu cầu Triều Tiên ngừng các hoạt động thử tên lửa và Mỹ cùng Hàn Quốc không tiến hành thêm các các cuộc tập trận tên lửa chung.

Tại HĐBA, Moscow và Bắc Kinh cũng lên tiếng cho rằng việc triển khai của THAAD ở Hàn Quốc là một trở ngại chính trong giải quyết cuộc khủng hoảng trong khu vực.

Đại diện 2 nước nói rằng việc triển khai của THAAD ở Hàn Quốc đe dọa "an ninh chiến lược" của các quốc gia trong khu vực, bao gồm Trung Quốc và Nga, đồng thời gây hại cho tiến trình "phi hạt nhân hóa" bán đảo Triều Tiên.

Thiện Nhân
.
.
.