Xử lý đảm bảo ANTT khu vực nhà máy cồn Đại Tân

Thứ Bảy, 14/12/2019, 08:27
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu chủ đầu tư Nhà máy cồn Đại Tân khẩn trương làm việc với UBND huyện Đại Lộc, Sở TN&MT để lập đầy đủ các hồ sơ, thủ tục xin cấp giấy phép xả nước thải của nhà máy theo quy định...


Như Báo CAND Online đã thông tin, rạng sáng 19-9, do lỗi của công nhân vận hành quá trình chiết xuất dầu fusel làm cho một lượng dầu tràn ra khu vực kho chứa có tường đê chống tràn bao quanh khu vực Nhà máy cồn Đại Tân (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam).

Khi dầu tràn ra gặp trời mưa nên dầu rò rỉ theo vết nứt của tường bao ra khu vực hồ sinh thái phía trong khu vực nhà máy. Sự cố tràn dầu fusel này đã gây ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân xung quanh do dầu fusel có mùi hôi đặc trưng nồng nặc.

Ngay khi phát hiện sự cố, nhà máy đã cho cô lập, đóng các cống xả, chặn các vị trí không cho dầu tràn ra môi trường bên ngoài, đồng thời huy động công nhân thực hiện biện pháp thu hồi dầu bị rò rỉ, chứa vào các can nhựa kín để đưa về khu vực sản xuất và chiết tách lại.

Bức xúc sau sự cố rò rỉ dầu fusel, từ ngày 19-9, người dân bắt đầu ngăn cản, buộc Nhà máy cồn Đại Tân phải dừng hoạt động. Sau đó, các ban, ngành của địa phương đã đến kiểm tra hiện trường, lấy mẫu nước thải, khí thải và cùng với lãnh đạo nhà máy tổ chức họp dân để lắng nghe ý kiến của người dân, giải thích những vấn đề liên quan đến sự cố nhằm ổn định tình hình.

Nhà máy cồn Đại Tân vẫn chưa thể hoạt động trở lại sau sự cố rò rỉ dầu fusel.

Theo Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam, nhận được tin báo về sự cố tràn dầu fusel tại Nhà máy cồn Đại Tân, Sở đã cử cán bộ đến hiện trường, thu thập thông tin về sự cố, đồng thời đề nghị Trung tâm quan trắc và phân tích môi trường Quảng Nam lấy 2 mẫu nước tại hồ sinh thái và vị trí xả thải ra môi trường, 2 mẫu không khí tại khu vực cuối hướng gió của nhà máy và khu vực rò rỉ dầu fusel để phân tích, đánh giá.

Kết quả đo đạc, phân tích mẫu nước lấy tại hồ sinh thái cho thấy 5/8 thông số nằm trong giới hạn của quy chuẩn cho phép, 3/8 thông số vượt so với quy chuẩn.

Cụ thể: thông số BOD5 (lượng oxy cần thiết của 5 ngày đầu ở nhiệt độ 20 độ C trong buồng tối để tránh ảnh hưởng các quá trình quang hợp) vượt 4,2 lần; COD (lượng oxy cần thiết để oxy hóa các hợp chất hóa học trong nước) vượt 19,3 lần; dầu mỡ khoáng vượt 1,6 lần.

Kết quả đo đạc, phân tích mẫu nước thải lấy tại cống xả nước thải ra môi trường của nhà máy và 2 mẫu không khí đều đạt quy chuẩn.

Đến nay, Nhà máy cồn Đại Tân vẫn chưa thể hoạt động trở lại. Để giải quyết các tồn tại của Nhà máy cồn Đại Tân, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh vừa chủ trì cuộc họp với các bên liên quan.

Kết luận tại cuộc họp, ông Lê Trí Thanh yêu cầu Công ty CP Nhiên liệu sinh học Tùng Lâm, đơn vị chủ đầu tư Nhà máy cồn Đại Tân, khẩn trương làm việc với UBND huyện Đại Lộc, Sở TN&MT để lập đầy đủ các hồ sơ, thủ tục xin cấp giấy phép xả nước thải của nhà máy theo quy định. Việc nhà máy hoạt động trở lại chỉ thực hiện sau khi được cấp giấy phép xả nước thải.

Ông Lê Trí Thanh giao UBND huyện Đại Lộc chủ động khảo sát vị trí di dời dân khu vực Nhà máy cồn Đại Tân kết hợp với thực hiện quy hoạch xây dựng khu tái định cư nông thôn mới, bảo đảm các điều kiện thiết yếu phục vụ sinh hoạt và đời sống nhân dân.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam giao Công an tỉnh chỉ đạo Cảnh sát môi trường, Công an huyện Đại Lộc phối hợp, hỗ trợ nhà máy trong việc ổn định tình hình, đồng thời tiếp tục tăng cường biện pháp nghiệp vụ, phát hiện các hành vi cố ý vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường để xử lý; có giải pháp ngăn chặn kịp thời các phản ứng tiêu cực của người dân gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương.
Ngọc Thi
.
.
.