Dự thảo tăng viện phí không ảnh hưởng đến người nghèo

Thứ Sáu, 09/10/2015, 18:11
Đại diện Bộ Y tế nhấn mạnh việc tăng viện phí thì gần 24 triệu người nghèo và các đối tượng chính sách có thẻ BHYT sẽ có lợi, vì đã được Nhà nước mua thẻ BHYT và lại được BHYT thanh toán 100%.


Dự thảo Thông tư liên bộ quy định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y giữa các bệnh viện (BV), do Bộ Y tế phối hợp với Bộ Tài chính, BHXH Việt Nam xây dựng, sẽ có mức giá tăng cao hơn trước. Việc tăng giá viện phí liệu đã cần thiết và nhất là, có ảnh hưởng đến người dân không, là câu hỏi được báo giới đặt ra với đại diện Bộ Y tế trong cuộc họp về giá viện phí vào chiều 9/10.

Theo ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch- Tài chính (Bộ Y tế), quy định giá viện phí mới là đòi hỏi khách quan. Không phải là tăng chi phí để thực hiện các dịch vụ y tế, mà là chuyển các khoản chi trước đây nhà nước bao cấp trực tiếp cho các BV vào giá và chuyển phần ngân sách này sang hỗ trợ người dân tham gia BHYT.

Giá viện phí mới có bổ sung chi phí chi trả phụ cấp đặc thù và tiền lương. Giá dịch vụ y tế tính đúng, tính đủ phải gồm 7 chi phí, nhưng giá viện phí hiện mới tính một phần chi phí. Vì thế, việc đưa ra giá mới có tính đủ các chi phí là thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ, nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh (KCB). Hơn nữa, viện phí không chỉ là giá để người dân trả cho BV, mà chính là cơ sở để BHXH thay mặt người dân thanh toán cho BV, là quyền lợi của người dân được hưởng khi tham gia BHYT.

Giá viện phí tăng, người dân được BHYT thanh toán nhiều hơn khi chữa bệnh.

Ông Nguyễn Nam Liên cũng cho biết dự báo tác động của việc tăng viện phí. Theo đó, với người bệnh nói chung sẽ không phải chi trả thêm một số chi phí mà trước đây chưa tính vào giá.

Giá tính đủ chi phí sẽ khuyến khích các BV triển khai các kỹ thuật y tế, nâng cao chất lượng KCB và người dân sẽ được hưởng các dịch vụ ngay tại địa bàn, minh bạch và giảm phiền hà. Người có thẻ BHYT sẽ được BHXH thanh toán, nên được tăng quyền lợi. Thông tư này trước mắt chỉ áp dụng đối với thanh toán BHYT, còn người không có thẻ BHYT vẫn sẽ áp dụng mức giá hiện nay, nên không bị ảnh hưởng.

Đại diện Bộ Y tế nhấn mạnh việc tăng viện phí thì gần 24 triệu người nghèo và các đối tượng chính sách có thẻ BHYT sẽ có lợi, vì đã được Nhà nước mua thẻ BHYT và lại được BHYT thanh toán 100%, không phải chi trả thêm các chi phí trước đây chưa kết cấu vào giá. Người cận nghèo đã được ngân sách hỗ trợ tối thiểu 70% để tham gia BHYT và được BHYT thanh toán 95% chi phí, chỉ phải đồng chi trả 5% nên mức độ tác động không nhiều.

Tuy nhiên, những người có thẻ BHYT phải đồng chi trả 20% chi phí KCB BHYT sẽ bị ảnh hưởng, song mức độ không nhiều, vì nếu chưa tính đủ giá, người bệnh phải trả thêm nhiều khoản chi phí, nay sẽ không phải trả thêm nữa. Mặt khác, từ 1-1-2015, người tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên đi KCB đúng tuyến, nếu số tiền đồng chi trả trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở, thì chỉ phải thanh toán tối đa 6 tháng lương cơ sở.

Việc tính đủ sẽ đưa giá dịch vụ y tế về đúng giá trị, sẽ khuyến khích người dân tham gia BHYT. Bởi hàng năm chỉ phải đóng một mức nhỏ để mua BHYT, nhưng lúc đau ốm sẽ được BHYT thanh toán, giảm bớt rủi ro. Nhà nước sẽ chuyển phần ngân sách đang cấp cho các BV hiện nay (khoảng trên 10.000 tỷ đồng/năm) sang hỗ trợ các đối tượng tham gia BHYT, sẽ giúp thực hiện lộ trình BHYT toàn dân nhanh hơn.

Bộ Y tế cho biết, để tránh các tác động tiêu cực đến người dân khi tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế, Bộ đã có các giải pháp cụ thể: Báo cáo Chính phủ và đề nghị các tỉnh thành lập lại Quỹ KCB cho người nghèo, để huy động nguồn lực hỗ trợ người nghèo ở địa phương; chỉ đạo các BV tăng cường công tác chỉ đạo tuyến, chuyển giao kỹ thuật cho các BV tuyến dưới, mở rộng mô hình BV vệ tinh, đổi mới phong cách, thái độ phục vụ, nhằm nâng cao chất lượng KCB. Bộ Y tế cũng chỉ đạo các BV có chênh lệch thu lớn hơn chi phải trích Quỹ hỗ trợ KCB để hỗ trợ cho người bệnh khó khăn, không đủ khả năng trả viện phí.

Thanh Hằng
.
.
.