Tăng viện phí - người có thẻ bảo hiểm y tế được lợi nhất

Thứ Tư, 08/04/2015, 08:21
Để đảm bảo quyền lợi cho người bệnh, cần phải khắc phục những bất cập trong chính sách, đồng thời, điều chỉnh giá viện phí theo hướng có lợi cho người bệnh là cần thiết. Đó cũng là nội dung được trao đổi kỹ càng tại hội nghị về điều chỉnh giá viện phí do Bộ Y tế tổ chức tại Ninh Bình ngày 7/4.

Giá dịch vụ khám, chữa bệnh (KCB) trên cả nước hiện đang mỗi nơi một giá, khi các đơn vị trực thuộc bộ, ngành, địa phương lại có mức giá khác nhau. Vì thế, người dân rất thiệt thòi khi giá thanh toán bảo hiểm y tế (BHYT) ở các bệnh viện (BV) cùng hạng (cùng trình độ, cơ sở vật chất, kỹ thuật) lại khác nhau, như giữa Hà Nội, TP Hồ Chí Minh với Hải Phòng, Đà Nẵng, hay giữa BV tuyến tỉnh ở đồng bằng với tỉnh ở miền núi, gây mất bình đẳng giữa người bệnh ở các vùng.

Bệnh viện 19-8 - Bộ Công an ngày càng nâng cao chất lượng khám chữa bệnh để thu hút người bệnh.

Để đảm bảo quyền lợi cho người bệnh, cần phải khắc phục những bất cập trong chính sách, đồng thời, điều chỉnh giá viện phí theo hướng có lợi cho người bệnh là cần thiết. Đó cũng là nội dung được trao đổi kỹ càng tại hội nghị về điều chỉnh giá viện phí do Bộ Y tế tổ chức tại Ninh Bình ngày 7/4.

Theo ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, việc điều chỉnh giá viện phí lần này nhằm áp dụng một giá chung với mỗi loại dịch vụ y tế và trong năm 2015 sẽ tính đủ các chi phí. Tăng viện phí không phải là tăng chi phí, mà chỉ là dịch vụ y tế sẽ được Nhà nước tính đủ và không bao cấp như trước (dịch vụ y tế gồm 7 yếu tố (thuốc-vật tư; điện, nước; duy tu, bảo dưỡng thiết bị; lương-phụ cấp; sửa chữa, khấu hao trang thiết bị; đào tạo…), nhưng hiện mới chỉ tính 3/7 yếu tố.

Tăng viện phí, lợi ích nhìn thấy là BV sẽ phải tuyển đủ nhân lực để việc chăm sóc người bệnh tốt hơn và có điều kiện triển khai các dịch vụ đúng chất lượng. Đặc biệt, sẽ không còn tình trạng 2 mức giá như hiện nay mà phụ thuộc vào chất lượng dịch vụ, buộc các BV, cả công lẫn tư, phải nâng cao chất lượng mới thu hút người bệnh.

Điều mà nhiều người lo ngại là tăng viện phí sẽ ảnh hưởng đến 23,7 triệu người thuộc đối tượng nghèo và cận nghèo. Tuy nhiên, đại diện Bộ Y tế khẳng định: Việc tăng viện phí không ảnh hưởng đến người nghèo, đối tượng chính sách, vì từ 1/1/2015 được thanh toán 100%, không phải đồng chi trả 5% như trước. Người cận nghèo cũng đã được Nhà nước hỗ trợ 70% để tham gia BHYT và hiện 40% đã có thẻ BHYT nên mức tác động không nhiều do họ chỉ phải thanh toán 5%, thay vì 20% như trước đây.

Ví như một bệnh nhân điều trị nội trú hết 10 triệu đồng, trước đây phải đồng chi trả ở mức 20%, là 2 triệu đồng, nhưng từ sau 1/1/2015, sẽ chỉ đồng chi trả mức 5%, tức là chỉ có 500.000 đồng. Với các đối tượng có thẻ BHYT phải đồng chi trả 20% thì việc điều chỉnh viện phí có ảnh hưởng, nhưng không nhiều, do không phải trả thêm một số khoản chi phí như trước. Mặt khác, từ năm 2015, người tham gia BHYT từ 5 năm liên tục trở lên đi KCB đúng tuyến, khi số tiền phải cùng chi trả trong năm lớn hơn 6 tháng lương thì cũng chỉ phải thanh toán tối đa 6 tháng lương cơ bản.

“Tuy nhiên, những người không có thẻ BHYT sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất, vì phải chi trả 100%” - ông Nguyễn Nam Liên nhấn mạnh. Vì thế, Nhà nước khuyến khích người dân tham gia BHYT để khi ốm đau được BHYT thanh toán, giảm bớt rủi ro.

Người bệnh có được lợi gì từ việc điều chỉnh viện phí là vấn đề người dân đang đặc biệt quan tâm trước chính sách mới này. Theo Bộ Y tế, giá dịch vụ y tế là cơ sở để cơ quan BHYT thay mặt người dân thanh toán với BV nên là quyền lợi của người dân khi có BHYT. Người bệnh có thẻ BHYT có lợi nhất vì được hưởng dịch vụ tốt hơn và do BHYT thanh toán mức cao hơn nên người dân không còn phải đóng góp thêm một số dịch vụ mà trước đây BHYT không thanh toán.

Riêng người dân tộc thiểu số, người nghèo ở vùng khó khăn, người xã, huyện đảo khi KCB không đúng tuyến được chi trả tại BV tuyến huyện và điều trị nội trú với BV tuyến tỉnh, T.Ư. Điều này được ông Lê Văn Khảm, Phó Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) khẳng định. Còn những trường hợp cấp cứu có thể đến bất cứ cơ sở y tế nào vẫn được BHYT thanh toán.

Từ năm 2016, người dân đăng ký KCB ban đầu tại trạm y tế xã, phòng khám đa khoa hoặc BV tuyến huyện được KCB tại các cơ sở này trong cùng địa bàn. Ông Khảm cũng cho biết thêm: Danh mục thuốc được BHYT thanh toán rất phong phú. Hầu hết các loại thuốc, dịch vụ kỹ thuật hiện có đều thuộc phạm vi thanh toán của BHYT, trong đó có 1.143 loại thuốc/hoạt chất (hiện là hơn 20.000 loại thuốc, 57 loại thuốc phóng xạ; 229 loại thuốc đông y và thuốc từ dược liệu, 340 vị thuốc y học cổ truyền v.v…).

Người dân sẵn lòng bỏ tiền nhiều hơn để được hưởng dịch vụ chất lượng tốt hơn. Thực tế giá cả và chất lượng có mối quan hệ mật thiết. Vì thế, nâng cao viện phí là nhằm nâng cao chất lượng, tác động trở lại để nâng cao niềm tin của người dân vào hệ thống KCB.

Trao đổi với báo chí, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý KCB, cho biết: Con đường tất yếu phải nâng cao chất lượng KCB là xác định của Bộ Y tế. Vì thế, thời gian qua, các BV đã có những chuyển biến tích cực: nỗ lực tập trung giải quyết vấn đề giảm tải. Đến nay, đã có 28/38 BV tuyến T.Ư và 18 BV tuyến cuối của của TP Hồ Chí Minh ký cam kết không để nằm ghép. Các BV thống nhất chia làm 3 nhóm: Mỗi người một giường bệnh ngay khi vào điều trị nội trú; tối đa sau 24 giờ sẽ bố trí được một người/giường bệnh; tối đa sau 48 giờ nhập viện được một người một giường bệnh. Bộ Y tế cũng đã xây mới, nâng cấp và cải tạo các BV, tăng thêm gần 39.000 giường bệnh, trong đó, 15.000 giường bệnh của các BV xây mới; mở thêm 5.000 bàn khám v.v…

Riêng những tháng đầu năm 2015, đã bổ sung hơn 2.000 giường bệnh ở các BV thường xuyên quá tải như BV Việt Đức, Nhi TW, BV Thống Nhất v.v… Những nỗ lực này đã góp phần nâng cao chất lượng KCB.

Đại diện của Bộ Y tế cũng khẳng định: Việc điều chỉnh giá viện phí có ý nghĩa cấp bách và cần thiết, để cải tiến mạnh mẽ, sâu rộng và bền vững chất lượng KCB. Người dân, đặc biệt là những người có thẻ BHYT sẽ được hưởng lợi nhất khi được KCB với dịch vụ có chất lượng ngày càng tốt hơn, đồng thời, chỉ phải chi phí ít hơn.

Thanh Hằng
.
.
.