Xác định nguyên nhân ban đầu vụ ngộ độc ở Lai Châu
- Tìm ra nguyên nhân ban đầu dẫn đến vụ ngộ độc kinh hoàng ở Lai Châu
- Tác hại khủng khiếp của chất nghi dẫn đến vụ ngộ độc ở Lai Châu
- Hé lộ nguyên nhân ban đầu vụ ngộ độc ở Lai Châu1
- Báo động tình trạng ngộ độc thuốc diệt cỏ Paraquat
- Tin thêm về vụ ngộ độc tập thể làm nhiều người chết ở Lai Châu
Về vụ ngộ độc tập thể tại bản Tả Chải, xã Ma Ly Chải, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu mà Báo CAND đã đưa tin, ông Kiều Hải Nam, Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh Lai Châu cho biết, UBND tỉnh Lai Châu đánh giá đây là vụ việc rất nghiêm trọng. Đến ngày 15-2, tổng số người bị ngộ độc các mức độ đã lên tới con số 38 (31 nam, 6 nữ và 1 trẻ em).
Trong đó 7 người đã tử vong, 3 người đang được điều trị tại Trạm y tế xã, 4 người đã được khám và cho về nhà tiếp tục theo dõi, 10 ca đang được cấp cứu, điều trị tại Trung tâm y tế huyện Phong Thổ.
Ngoài ra còn có 10 ca đang cấp cứu, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu và một số người được chuyển sang Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai để hỗ trợ lọc máu, chạy thận nhân tạo và đều đã qua cơn nguy kịch. Một số gia đình có đến 2 hoặc 3 người cùng bị ngộ độc, có cả phụ nữ và trẻ em.
Bác sĩ Đỗ Văn Giang, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Lai Châu kiêm Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu cho biết, sau khi tiếp nhận các nạn nhân, Bệnh viện đã phối hợp tích cực với lực lượng hỗ trợ của Trung tâm chống độc –Bệnh viện Bạch Mai để cấp cứu các nạn nhân, kịp thời lọc máu, chạy thận và cho thở máy nên đã cứu sống được 6 nạn nhân trong tình trạng rất nguy kịch. Hiện các bệnh nhân vẫn đang được điều trị tích cực tại Bệnh viện và tạm thời qua cơn hiểm nghèo.
Theo bác sĩ Đỗ Văn Giang, các nạn nhân đã ăn cơm, uống rượu, ăn một loại kẹo do Trung Quốc sản xuất nên có thể đã bị nhiễm độc methanol trong rượu (rượu mua ở chợ xã Sì Lờ Lầu).
Vì các bệnh nhân nhập viện đều có biểu hiện bị ngạt từ từ giống như nạn nhân ngạt khí CO2 trong hầm sâu dưới lòng đất. Song đây cũng chỉ là phỏng đoán ban đầu dựa trên biểu hiện của bệnh nhân, còn kết luận cuối cùng vẫn phải đợi kết quả xét nghiệm các mẫu vật phẩm được đã chuyển xuống Trung tâm chống độc - Bệnh viện Bạch Mai và kết luận giám định pháp y của Bộ Công an.
Chăm sóc nạn nhân vụ ngộ độc |
Để giúp các gia đình nạn nhân bớt khó khăn, các ban, ngành của tỉnh Lai Châu đã tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ kịp thời: Mỗi gia đình nạn nhân tử vong được hỗ trợ gần 17 triệu đồng từ Công an tỉnh, Công an huyện, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Sở LĐ-TB&XH, Hội chữ thập đỏ; UBMTTQ tỉnh; Mỗi nạn nhân đang điều trị tại bệnh viện cũng được hỗ trợ 2 triệu đồng.
Việc hỗ trợ với các nạn nhân sẽ được các ngành, các lực lượng vẫn tiếp tục trong thời gian tới để giảm bớt khó khăn cho các gia đình bị nạn...
Ngày 15-2, PGS.TS. Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, Bệnh viện đã cử đoàn công tác gồm 16 chuyên gia trong nhiều lĩnh vực liên quan, do GS. TS. Mai Trọng Khoa - Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai làm Trưởng đoàn, trực tiếp đến Lai Châu để hỗ trợ việc chẩn đoán, điều trị các bệnh nhân ngộ độc cũng như xác định nguyên nhân gây ra ngộ độc.
Cuối chiều ngày 15-2, ông Kiều Hải Nam, Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh Lai Châu cho biết, ngoài gửi 3 mẫu rượu về Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia đã có kết quả hàm lượng methanol vượt ngưỡng, tỉnh còn gửi 10 mẫu máu và nhiều mẫu thực phẩm, dịch dạ dày của các nạn nhân về Trung tâm chống độc –Bệnh viện Bạch Mai để xét nghiệm. Kết quả bước đầu cho thấy, 8 mẫu rượu vượt ngưỡng methanol, còn các mẫu khác chưa có kết quả. Song song với ngành y tế, Công an tỉnh Lai Châu cũng gửi các mẫu máu, mẫu rượu và một số mẫu khác về Viện Kỹ thuật-Hình sự (Bộ Công an) để xét nghiệm. Hiện, Trưởng phòng Kỹ thuật-Hình sự PC54 –Công an tỉnh Lai Châu đang trực tiếp có mặt tại Viện Kỹ thuật-Hình sự để chờ kết quả mẫu máu và mẫu rượu dự kiến sẽ có trong ngày 16-2, còn các mẫu khác cần thời gian để xét nghiệm. |