Báo động tình trạng ngộ độc thuốc diệt cỏ Paraquat

Thứ Ba, 14/02/2017, 18:41
Chiều 14-2, khi chúng tôi có mặt tại Trung tâm chống độc –Bệnh viện Bạch Mai, 2 người con của bà Hà Thị B. (71 tuổi, Đông Anh, Hà Nội) đang làm thủ tục đưa bà về nhà vì không còn cơ hội cứu được nữa, khi bác sĩ không còn có thể lấy ven và bắt mạch được cho bà. Nhìn cảnh bà lão đau đớn nhưng hoàn toàn tỉnh táo trên giường bệnh, trong khi biết mình sẽ không còn sống được nữa, khó ai cầm lòng được.

Bà Hà Thị B. đã phải nhập viện cách đây vài ngày do bị ngộ độc thuốc diệt cỏ Paraquat. Ngay giường bên cạnh, là 2 nam bệnh nhân khác cũng là nạn nhân của loại thuốc độc này. Đáng sợ khi họ đều phải chịu những cơn đau đớn vật vã trong sự tỉnh táo.  Có người tỉnh táo đến lúc tử vong, nếu không cho họ uống thuốc an thần.

Không ai biết điều gì sẽ đến với những người đã uống thuốc diệt cỏ Paraquat. Bởi theo Ths. Nguyễn Trung Nguyên -Phụ trách Trung tâm Chống độc thì 70% số người đã uống Paraquat là không thể qua khỏi. Sau khi uống, phổi hút rất nhanh và mạnh chất độc này, khiến bệnh nhân khó thở, phải thở oxy. Nhưng oxy kết hợp với Paraquat lại tạo thành chất rất độc, làm phổi tổn thương nặng hơn, xơ cứng lại, khiến cho việc cấp cứu vô cùng khó khăn.

 Những người may mắn sống sót thường cũng để lại di chứng nặng nề về phổi và nhiều cơ quan nội tạng khác. Rất hiếm người đã bị ngộ độc Paraquat mà sức khỏe còn biến chuyển tốt, chưa kể chi phí điều trị rất cao, khi phải dùng nhiều loại thuốc thải độc và lọc máu, trong đó, riêng chi phí lọc máu tới cả trăm triệu đồng.

Thế nhưng, mỗi năm cả nước vẫn có trên 1.000 bệnh nhân tử vong do thuốc diệt cỏ Paraquat và đáng lo ngại khi số người bị ngộ độc do Paraquat năm sau cao hơn năm trước. Tại Trung tâm chống độc của Bệnh viện Bạch Mai, năm 2014 có 300 người nhập viện, thì năm 2015 đã là 350 người và đến năm 2016, nơi đây đã tiếp nhận gần 500 bệnh nhân ngộ độc Paraquat. Gần 400 người trong số đó không qua khỏi. 

Đây là con số bệnh nhân của riêng Trung tâm chống độc ở Bệnh viện Bạch Mai, chưa kể các Trung tâm chống độc và các bệnh viện khác trên cả nước. Trong khi ở Việt Nam lẫn trên thế giới đã thử nghiệm nhiều phác đồ điều trị, nhiều biện pháp khác nhau, nhưng vẫn không cải thiện được tình hình tử vong của những người ngộ độc Paraquat.

Ths. Nguyễn Trung Nguyên cho biết, thời gian gần đây, ngày nào cũng có vài bệnh nhân ngộ độc Paraquat nhập viện, kể cả ngày Tết. Đa phần là người trẻ, cả nam và nữ giới. Trong 3 bệnh nhân đang điều trị tại Trung tâm chống độc, một bệnh nhân nam mới có 24 tuổi và một bệnh nhân 35 tuổi. 

Nhiều người uống Paraquat do mâu thuẫn gia đình, thậm chí vì  những lý do lặt vặt, không đáng có như đòi mua một thứ gì đó không được đáp ứng, hay giận dỗi cha mẹ, hoặc như bệnh nhân Nguyễn Văn V. (25 tuổi, ở Bắc Giang) vào viện tối 13-2 sau khi uống một ngụm Paraquat chỉ vì cãi nhau với vợ và giờ thì đang nằm trong cơn khó thở, rát họng và nỗi hối hận không nguôi vì dại dột.

Gia đình bà Hà Thị B. chuẩn bị đưa bà về nhà vì không còn khả năng cứu chữa

Trong quá trình điều trị, có người tử vong sau vài ngày nhưng cũng có người phải chịu đựng đau đớn vật vã cả tháng trời, các bệnh nhân đều bày tỏ sự hối tiếc vì đã nông nổi khi lựa chọn việc giải quyết mâu thuẫn bằng Paraquat. Chỉ tiếc là họ đều hối tiếc vào thời điểm đã không còn đường để làm lại được nữa. Vì chỉ cần uống khoảng 5ml trở lên là đã có thể tử vong. Sau khi uống 2 tiếng là nồng độ Paraquat trong máu đã cao và ngấm rất nhanh vào phổi, khiến bệnh nhân đau đớn, khó thở, hôn mê và suy hô hấp.  

Trước tình trạng số người ngộ độc Paraquat ngày càng tăng, các bác sĩ của Trung tâm chống độc –Bệnh viện Bạch Mai đã nhiều lần đề nghị phải cấm sử dụng thuốc diệt cỏ Paraquat, bởi sự độc hại của nó đến chính Trung Quốc là nơi sản xuất ra Paraquat cũng cấm sử dụng trong nông nghiệp. Paraquat cũng đã bị cấm sử dụng tại 32 nước trên thế giới.

 Vì thế, Ths. Nguyễn Trung Nguyên bày tỏ sự vui mừng khi mới đây, ngày 8-2-2017, Bộ NN&PTNN đã có quyết định loại bỏ thuốc bảo vệ thực vật chứa hoạt chất 2.4D và Paraquat ra khỏi Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam, dựa trên các bằng chứng khoa học khẳng định các hoạt chất này gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, vật nuôi, hệ sinh thái, môi trường.

Ths. Nguyễn Trung Nguyên nêu ý kiến: Vì đây là hoá chất rất độc, uống vào gây tỉ lệ tử vong cao, nên mong Nhà nước cấm sử dụng càng sớm càng tốt. Cấm sớm ngày nào là cứu sống được vài mạng người ngày hôm ấy. Trước đây, các bệnh viện trên cả nước cũng như Trung tâm chống độc thường xuyên phải tiếp nhận bệnh nhân ngộ độc thuốc chuột hay thuốc ngủ, nhưng khi nhà nước cấm sử dụng thuốc chuột và quản lý tốt các loại thuốc ngủ thì gần như không còn có người bị ngộ độc các loại thuốc trên phải vào viện. Điều đó cho thấy vai trò của Nhà nước trong việc ngăn chặn các vụ ngộ độc và tử vong do ngộ độc là rất lớn.

Xin được nhắc lại rằng, hầu hết những người uống thuốc diệt cỏ Paraquat đều tử vong, nhưng phải trải qua những ngày đớn đau, vật vã trước khi chết. Nếu may mắn được cứu sống, thì số tiền điều trị là rất lớn chưa kể với di chứng về các bệnh nội tạng sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe cuộc đời còn lại. Vì thế, dù bất cứ lý do gì cũng xin đừng dại dột tìm đến với Paraquat, để làm khổ cả bản thân và gia đình.

Thanh Hằng
.
.
.