Tỷ lệ tiêm chủng bạch hầu tại TP Hồ Chí Minh chậm so với tiến độ

Thứ Ba, 07/07/2020, 15:12
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh, tính đến hết tháng 6/2020, tỷ lệ tiêm chủng bạch hầu cho trẻ sinh năm 2019 bị chậm khoảng 15% so với tiến độ cần đạt.

Tỷ lệ tiêm chủng phòng bệnh bạch hầu được tính theo tỷ lệ  bao phủ đầy đủ các mũi vắc xin cơ bản ở trẻ dưới 1 tuổi. Tại TP Hồ Chí Minh, hằng năm tỷ lệ này đều đạt trên 95%. Tuy nhiên, trong những tháng đầu năm 2020 do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên có thời gian hoạt động tiêm chủng phải tạm ngưng. Ngoài ra, nhiều phụ huynh có tâm lý ngại đến nơi đông người trong mùa dịch nên không đưa con đi tiêm chủng theo lịch, cũng có trường hợp cha mẹ hoặc người chăm sóc bận rộn không đưa trẻ đi tiêm. Bên cạnh đó, cũng có khi cha mẹ trẻ trì hoãn tiêm chủng vì đợi tiêm vắc xin dịch vụ.

Theo ngành y tế TP Hồ Chí Minh, vắc xin của chương trình tiêm chủng mở rộng luôn được cung ứng đầy đủ. Do đó, phụ huynh có con trong độ tuổi tiêm chủng an tâm đưa con đi tiêm đầy đủ các mũi vắc xin bắt buộc theo quy định.

Cần tiêm phòng đầy đủ để phòng ngừa bệnh bạch hầu (Ảnh: HCDC)

Ngoài ra, để đạt tỷ lệ tiêm chủng theo quy định tại TP Hồ Chí Minh, thành phố đang điều tra dịch tễ những trường hợp tiêm thiếu hoặc bỏ sót mũi tiêm này. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố đã xây dựng kế hoạch về việc tổ chức tiêm bù miễn phí cho những trường hợp chưa được tiêm chủng đầy đủ vắc xin trong chương trình.

Kế hoạch tiêm bù đã được thành phố giao cho tất cả các trạm y tế phường, xã trong thành phố rà soát, thông báo và mời những người có con em chưa tiêm chủng đi tiêm chủng những mũi tiêm này, nhất là những vắc xin cơ bản như bạch hầu, ho gà, uốn ván phải tiêm chủng cho đầy đủ.

Những gia đình có trẻ em dưới 1 tuổi phải mở sổ tiêm ngừa của trẻ hoặc lấy mã số của trẻ gõ tên truy cập trong hệ thống thông tin tiêm chủng quốc gia xem trẻ đã tiêm vắc xin bạch hầu- ho gà- uốn ván bắt buộc hay chưa? Nếu chưa thì phải đưa trẻ đi tiêm phòng.

Đối với người lớn, chưa có thống kê nào về tỉ lệ tiêm chủng phòng bệnh bạch hầu cho người ngoài tiêm chủng mở rộng. Tại nước ta việc tiêm chủng bạch hầu cho người lớn chưa phổ biến nên số người lớn không được bảo vệ đầy đủ đối với bạch hầu là không nhỏ.

ThS. BS. Lê Hồng Nga, Trưởng khoa phòng chống bệnh truyền nhiễm - Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh cho biết, bệnh bạch hầu là bệnh nguy hiểm, người lớn và trẻ nhỏ đều có nguy cơ mắc bệnh. Nhiều ca bệnh là trẻ lớn ngoài độ tuổi tiêm chủng và người lớn. Như trường hợp một thanh niên 20 tuổi ở TP Hồ Chí Minh bị bạch hầu đến điều trị tại Bệnh viện Quân y 175 (Bộ Quốc phòng) vào ngày 17/6 vừa qua. “Tiêm chủng vắc xin bạch hầu không mang lại miễn dịch suốt đời, vì vậy việc tiêm nhắc cho trẻ lớn và người lớn là cần thiết”, BS Lê Hồng Nga cho biết.

Theo bác sĩ, bệnh bạch hầu lây trực tiếp từ người này sang người khác qua giọt bắn từ các dịch tiết đường hô hấp của bệnh nhân hoặc của người lành mang trùng. Bệnh cũng có thể lây gián tiếp qua đồ chơi, vật dụng có chứa dịch tiết của người bệnh. Bạch hầu họng khởi phát với triệu chứng sốt nhẹ, đau họng, ho, khàn tiếng, chán ăn tương tự một số bệnh viêm mũi họng khác. Sau 2-3 ngày giả mạc bạch hầu xuất hiện, lan nhanh gây bít đường thở. Giả mạc bạch hầu có màu trắng hay xanh đen, bám chặt, dai khó tan, lấy giả mạc dễ chảy máu, nó khác với giả mạc viêm họng, viêm amygdal. Ngoài ra, bạch hầu có thể gây nhiễm trùng da (mụn nước có mủ ở chân, bàn chân và bàn tay; vết loét lớn bao quanh khu vực da bị đỏ, đau)…

Bệnh bạch hầu nguy hiểm vì độc tố bạch hầu có thề gây liệt cơ, viêm cơ tim, dẫn đến tử vong trong vòng vài ngày. Tỷ lệ tử vong khoảng 5% – 10%, ở những người dưới 5 tuổi và trên 40 tuổi tỷ lệ tử vong cao hơn, lên đến 20%. Bệnh nhân được chẩn đoán xác định mắc bạch hầu khi phân lập vi khuẩn bạch hầu dương tính từ mẫu bệnh phẩm như chất dịch nhầy ở thành họng hoặc giả mạc tại chỗ viêm. Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh phải đến ngay bệnh viện để được điều trị kịp thời.

Tất cả những người chưa từng được tiêm chủng đầy đủ vắc xin bạch hầu đều có thể bị bệnh. Tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu là biện pháp phòng bệnh hiệu quả, vì có thể làm giảm đáng kể tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ tử vong.

Hiệu quả bảo vệ của vắc xin cao, miễn dịch bảo vệ sau tiêm vắc xin thường kéo dài khoảng 10 năm, nhưng sẽ giảm dần theo thời gian. Do vậy nếu không tiêm nhắc lại vẫn có thể mắc bệnh.

Hiện này xuất hiện ca bệnh bạch hầu ở một số tỉnh thành, nhiều nhất là khu vực Tây Nguyên đến nay có 53 ca, trong đó có 3 ca tử vong. Do đó, ngoài trẻ em trong độ tuổi trong chương trình tiêm chủng mở rộng cần đưa đi tiêm ngừa đầy đủ, trẻ lớn hơn 4 tuổi và người lớn có tiền sử tiêm chủng không đầy đủ, không rõ ràng cũng nên đến các cơ sở tiêm chủng để được tư vấn sử dụng các vắc xin phòng bệnh bạch hầu phù hợp.


Nhân Sơn
.
.
.