Không phân biệt đối xử tạo công bằng cho Bệnh viện tư phát triển

Thứ Bảy, 20/05/2017, 16:44
Ngày 20-5, tại Bộ Y tế, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã làm việc với Bộ Y tế về đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính của đơn vị sự nghiệp y tế công lập.


Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, việc thực hiện cơ chế quản lý các đơn vị sự nghiệp y tế công lập đã tạo sự đổi mới căn bản. Thay vì thụ động chờ kế hoạch giao, chờ cấp ngân sách, các đơn vị đã chủ động các giải pháp hoạt động. 

Nhiều bệnh viện (BV) đã hiểu rõ không có người bệnh thì BV phải đóng cửa nên bác sĩ trở thành người cung cấp dịch vụ và người bệnh có quyền chọn nơi khám chữa bệnh (KCB). 

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ làm việc với lãnh đạo Bộ Y tế về đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính của đơn vị sự nghiệp y tế công lập

Bộ Y tế đang từng bước tiến tới xoá bỏ "chế độ chủ quản" đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập, tạo điều kiện để các đơn vị tự chủ tài chính, dành ngân sách hỗ trợ cho người nghèo và đối tượng chính sách; tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng chỉ ra nhiều vướng mắc tồn tại. Đó là chưa xây dựng được mô hình quản trị tương tự doanh nghiệp với việc minh bạch hoạt động, tài chính của các đơn vị đã tự chủ; nhiều đơn vị chưa muốn tự chủ, vẫn muốn ngân sách bao cấp nên chưa phát huy sự năng động, sáng tạo; các địa phương chưa phân cấp, phân quyền khi việc tuyển dụng không giao cho Sở Y tế mà do Sở Nội vụ thực hiện. 

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến báo cáo kết quả thực hiện cơ chế quản lý các đơn vị sự nghiệp y tế công lập

Tại buổi làm việc, đại diện các BV công và tư đã nêu ra nhiều vướng mắc: Nhiều BV đã tự chủ về tài chính nhưng lại không được tự chủ về tuyển người, bổ nhiệm, xây dựng kế hoạch hoạt động. Là đơn vị tự chủ 100% nhưng BV Nội Tiết Trung ương không được tự tuyển dụng, thậm chí xây khu nhà ăn, nhà lưu trú cho bệnh nhân cũng phải chờ được duyệt.

Đại diện nhiều BV công và tư đã có nhiều ý kiến đóng góp

Giám đốc BV Bạch Mai cũng đề xuất cho BV tự chủ được quyết định giá trần dịch vụ. Đại diện BV Tràng An băn khoăn tại sao BV đã tự chủ lại không được quyền tự quyết mua máy móc, trang thiết bị?

Trả lời những ý kiến này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định: Các BV đã tự chủ có quyền tuyển nhân lực để thu hút người tài, chỉ đừng ảnh hưởng đến việc làm và thu nhập của những người đang làm, nhất là đừng có sắp về hưu thì tuyển một loạt vào là được.

Một vấn đề khá nóng từng được nhiều BV tư phản ánh cũng được Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đặt ra với lãnh đạo Bộ Y tế: Có sự phân biệt giữa BV công và BV tư không? Tại sao có gói dịch vụ cho người nghèo, người bị chất độc da cam, lại chỉ do BV công làm? 

Thừa nhận vẫn có sự phân biệt giữa BV công và tư, xong Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cũng giải thích: Do BV tư thường chỉ lựa chọn những gói dễ làm và nhiều lợi nhuận, nên những gói khó khăn đều phải do BV công đảm nhiệm, như y tế dự phòng, ở vùng sâu, vùng xa...

Nhiều ý kiến đóng góp cho việc đổi mới ỏ lĩnh vực y tế công

Nhấn mạnh việc đẩy mạnh tự chủ trong các cơ sở KCB, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đặc biệt lưu ý Bộ Y tế: Tự chủ gắn với xã hội hóa phải rành mạch, không được công tư lẫn lộn. Trong một BV có cả dịch vụ công và tư, liên doanh, liên kết, thì vấn đề là cơ chế kiểm tra, kiểm toán, để tránh xảy ra việc trục lợi.

Việc tự chủ mạnh mẽ tạo điều kiện cho các cơ sở KCB phát triển, áp dụng công nghệ cao trong KCB, nhưng nếu thực hiện không tốt sẽ dẫn đến tình trạng bệnh nhân dồn về tuyến cuối, làm trầm trọng thêm tình trạng quá tải ở tuyến trên, còn tuyến dưới không hoạt động, mà người dân phải chi trả quá khả năng. Vì thế, ngành y tế cần phải đưa ra giải pháp cho vấn đề này. 

"Cũng không được phân biệt đối xử giữa BV công và BV tư, để tạo công bằng cho các BV tư phát triển."- Phó Thủ tướng đề nghị.


Thanh Hằng
.
.
.