Xã hội hóa y tế tại TP HCM: Sớm khắc phục sai lệch lớn trong đầu tư

Thứ Hai, 28/04/2008, 17:26
Xã hội hóa y tế không phải là cứ "chúi mũi" mở rộng phát triển thêm nhiều bệnh viện trong khi không đủ người làm...

Ngành Y tế TP Hồ Chí Minh đã có những bước phát triển khá tốt trong một thời gian dài và nhờ đó TP đã trở thành một trung tâm y tế có uy tín tại khu vực phía Nam.

Nhưng bên cạnh những thành công đó vẫn còn tiềm ẩn những yếu tố ảnh hưởng tới sự phát triển trước mắt cũng như lâu dài của ngành và buổi làm việc giữa Ban VHXH - HĐND thành phố với lãnh đạo Sở Y tế mới đây đã cho thấy có những sai lệch lớn trong quan điểm đầu tư cũng như bài toán nhân lực giữa công, tư.

Đầu tư dự phòng tuyến dưới thấp, khó quản dịch bệnh

Một trong những điều mà dân ngành Y đều hiểu rất rõ, đó là hiệu quả của việc đầu tư cho y tế dự phòng. Nhiều năm nay ngân sách y tế đầu tư cho điều trị luôn "chênh" hẳn (78%) so với đầu tư cho y tế dự phòng là 2%.

Con số chênh lệch quá lớn dẫn đến những hệ lụy tất yếu, đó là bác sỹ: Bác sĩ ra trường cũng chẳng muốn về làm công tác dự phòng, chỉ muốn về làm bác sĩ điều trị. Theo phân tích của ông Cái Phúc Thắng (đại biểu HĐND thành phố) trong năm 2005 cả nước có 2.515 cán bộ dự phòng, tức có 4 cán bộ /1.000 dân. Sang năm 2008 chỉ còn 2.200 cán bộ, tức là 3 cán bộ dự phòng/1.000 dân phải căng sức ra làm trong khi dịch bệnh xảy ra liên miên.

Một câu hỏi chất vấn cũng được các đại biểu quan tâm, đó là từ nhiều năm nay các nhà quản lý y tế luôn day dứt một điều mà không thể xử lý nổi: Bệnh viện tuyến cơ sở dù có phình to ra bao nhiêu thì lượng bệnh nhân cũng vẫn teo đi như ngày nào.

Niềm tin vào các bác sĩ tại y tế cơ sở hầu như là đạt con số 0. Ông Nguyễn Văn Minh - Phó ban VHXH-HĐND đưa ra ví dụ sinh động là Bệnh viện quận 12 tiền thân là TTYT quận 12 với cơ sở rất hoành tránh, tiện nghi trang thiết bị đầy đủ. Thế nhưng cả năm số ca sinh của sản phụ chỉ lèo tèo.

Uy tín y tế tuyến cơ sở ngày càng thấp đi thấy rõ nhất qua một thống kê: Từ năm 2003 tới năm 2006: tại 317 phường, xã của TP Hồ Chí Minh đều có trạm y tế và có bác sĩ, nhưng tới năm 2007 chỉ còn có 269 trạm y tế có bác sĩ, còn lại là y tá, điều dưỡng viên và con số bác sĩ trụ lại ở tuyến dưới đang tiếp tục giảm.

"Di dân" từ bệnh viện công về tư nhân

Thời gian qua, theo báo cáo của Văn phòng Chính phủ, năm 2005 ngân sách Nhà nước cấp cho ngành Y tế là 523 tỷ đồng, năm 2008 là 558 tỷ. Y tế thu được trong năm 2005 là 1.038 tỷ, năm 2007 là 2.115 tỷ đồng.

Thành quả là thế nhưng trong vài năm trở lại đây, ngành Y tế phải chứng kiến không ít cuộc “di dân” của hàng loạt bác sĩ phẫu thuật, điều dưỡng viên giỏi sang y tế tư nhân. Với chính sách chiêu hiền đãi sỹ mềm dẻo, môi trường làm việc hoàn hảo, khả năng trả lương… theo năng lực của tư nhân  thì việc thu hút lao động tay nghề cao với khối tư nhân là không khó.

Theo ông Phan Văn Báu - Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố, ngành Y tế lâu nay chỉ được áp dụng thu viện phí theo Thông tư 14 dù nó đã quá lạc hậu. Y tế luôn phải hoạt động trong cảnh chỉ thu viện phí theo mức đúng giá và lỗ. Nhưng 35% phần thu này lại phải lo khoản bù đắp lương cho cán bộ, công nhân viên. Nên "thu dứt khoát không đủ chi".

Để tồn tại và đủ lực phục vụ bệnh nhân, buộc phải mở ra một số hình thức dịch vụ. Nói cách khác là y tế phải tự chòi đạp vẫy vùng để thoát cảnh thu không đủ bù chi.

Đây cũng chính là điều mà ông Nguyễn Văn Minh chất vấn: "Phòng khám, giường bệnh, thuốc men khu dịch vụ trong bệnh viện công suy cho cùng cũng là của Nhà nước đã có sẵn. Y tế chỉ thay nhà nước chăm lo sức khỏe cho nhân dân. Có bệnh viện còn cho bác sĩ, nhân viên đóng góp đầu tư vào mua trang thiết bị phục vụ bệnh nhân và thu tiền phí, đây có phải là yếu tố "tư nhân hóa bệnh viện công" đang diễn ra không?".

Thống kê trong năm 2002 toàn thành phố có 10.419 cơ sở hành nghề y dược tư nhân, năm 2007 đã tăng lên 12.467 cơ sở, chiếm 1/3 trong cả nước về số cơ sở hành nghề y dược tư nhân. Xã hội hóa không phải là cứ "chúi mũi" mở rộng phát triển thêm nhiều bệnh viện trong khi không đủ người làm. Đã đến lúc thành phố phải có những bước đột phá đào tạo cán bộ y tế mới mong giải quyết được vấn đề

Nga Huyền
.
.
.