Tỉ lệ phản ứng sau tiêm chủng ở Việt Nam thấp hơn các nước

Thứ Sáu, 25/05/2018, 18:15

Những tháng đầu năm 2018, cả nước có 2.420 trường hợp phản ứng thông thường và 6 trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng, trong tổng số gần 3 triệu trường hợp tiêm phòng. Đó là thông tin được Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết vào ngày 25-5.



2.420 trường hợp phản ứng thông thường sau tiêm chủng, gồm cả tiêm chủng mở rộng (TCMR) và tiêm chủng dịch vụ, là các phản ứng tại chỗ như sưng, nóng, đỏ đau tại vị trí tiêm, sốt <39oC. 6 trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng đều là các vaccine TCMR, không có trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng vaccine dịch vụ.

Theo ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, các trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng các vaccine TCMR ở 6 địa phương: Ninh Bình, Phú Thọ, Bắc Giang, Hậu Giang, Cần Thơ và Bà Rịa - Vũng Tàu. Cả 6 trường hợp đều đã hồi phục.

Tiêm chủng là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất

Trong 6 trường hợp tai biến nặng này đã được xác định nguyên nhân: Một trường hợp sau tiêm vaccine Quinvaxem-OPV-Rotarix và 4 trường hợp sau tiêm vaccine Quinvaxem và uống OPV . Các tai biến này xảy ra trong tổng số 1.211.147 liều vaccine Quinvaxem, 1.215.482 liều vaccine OPV và 3.070 liều vaccine Rotarix đã sử dụng. Tỷ lệ tai biến nặng sau tiêm vaccine Quinvaxem ở Việt Nam thấp hơn so với thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

 Một trường hợp tai biến nặng khác là sau tiêm vaccine VGB (trên tổng số 310.935 liều vaccine VGB đã sử dụng). Tỷ lệ tai biến nặng sau tiêm vaccine VGB cao hơn so với thống kê của WHO.

Cục Y tế dự phòng cho biết thêm, các trường hợp phản ứng sau tiêm chủng đều đã được Hội đồng tư vấn chuyên môn cấp tỉnh họp và kết luận. Trong đó, 3 trường hợp do trùng hợp ngẫu nhiên với bệnh lý của trẻ (50%) và 3 trường hợp sốc phản vệ/phản ứng quá mẫn sau tiêm chủng (50%). Các trường hợp tai biến nặng đều được tiêm chủng theo đúng quy trình.


Thanh Hằng
.
.
.