Tỉ lệ mắc bệnh đái tháo đường ở Việt Nam tăng vọt

Thứ Hai, 14/11/2016, 21:06
Tỷ lệ đái tháo đường trên toàn thế giới tăng 54% trong vòng 20 năm (2010 – 2030), đặc biệt ở các nước đang phát triển. Hiện, ước tính cứ 10 người trưởng thành thì có một người mắc bệnh ĐTĐ.



Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết như vậy tại lễ mít tinh nhân Ngày thế giới phòng chống bệnh đái tháo đường (ĐTĐ), do Bộ Y tế tổ chức tại Hà Nội ngày 14-11.

Nhiều người  tham dự lễ mít tinh 

Tại Việt Nam, theo kết quả điều tra toàn quốc của Bệnh viện Nội tiết Trung ương, từ năm 2002 đến năm 2012, tỷ lệ bệnh ĐTĐ đã tăng hai lần (từ 2,7% lên 5,4%). 

Đây là điều đáng báo động khi tỷ lệ tăng bệnh ĐTĐ của nước ta tăng nhanh hơn thế giới. Tỷ lệ người bị bệnh nhưng chưa được chẩn đoán tại cộng đồng là 63,6% và tuổi mắc ĐTĐ đường đang ngày càng trẻ hóa.

Bên cạnh các yếu tố khách quan gây bệnh ĐTĐ như di truyền, lão hóa thì nguyên nhân chính làm tăng nguy cơ mắc bệnh là lối sống thiếu lành mạnh với các hành vi nguy cơ như dinh dưỡng không hợp lý, thiếu hoạt động thể lực, hút thuốc và lạm dụng rượu bia. 

Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long kêu gọi mọi người quan tâm phòng chống bệnh ĐTĐ

Kết quả Điều tra quốc gia các yếu tố nguy cơ mắc bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam 2015 cho thấy 57,2% dân số trưởng thành ở nước ta ăn thiếu rau, trái cây so với mức khuyến cáo của WHO. 

Tỷ lệ sử dụng các chất rượu, bia, thuốc lá vẫn ở mức cao, 15,6 triệu người hút thuốc lá; tỷ lệ người dân thừa cân, béo phì là 15,6%, đặc biệt là tỷ lệ thừa cân, béo phì tại khu vực thành thị là 21,3%... Điều này sẽ làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh ĐTĐ trong thời gian tới.

Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long thăm hỏi người bệnh ĐTĐ 

Các nghiên cứu cho thấy có tới 70% số ca mắc mới ĐTĐ có thể phòng tránh hoặc làm chậm xuất hiện bệnh nếu chúng ta áp dụng các lối sống lành mạnh, thực hiện dinh dưỡng và tập thể dục hợp lý….

Thanh Hằng
.
.
.