Nhiều trẻ bị đái tháo đường type 2 do béo phì thừa cân

Thứ Năm, 07/04/2016, 19:04
Ngày 7/4, Bộ Y tế và Tổ chức  Y tế thế giới đã tổ chức Ngày Sức khỏe Thế giới với chủ đề "Phòng chống bệnh đái tháo đường" nhằm nâng cao nhận thức của xã hội về gánh nặng bệnh tật và biện pháp phòng chống bệnh này hiệu quả.

Theo TS. Phan Hướng Dương, Phó Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương (Hà Nội), Việt Nam là một trong 10 nước có tỉ lệ đái tháo đường gia tăng nhanh nhất thế giới.

Hiện Việt Nam có khoảng 3,5 triệu người bị bệnh đái tháo đường và gần 64% người mắc đái tháo đường nhưng không hề biết mình bị bệnh, tỷ lệ này ở các nước phát triển là 20-30%.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long xét nghiệm đái tháo đường.

Ngoài ra, độ tuổi mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2 ngày càng trẻ hóa. Trước người 40-45 tuổi mới mắc bệnh tuy nhiên hiện nay lứa tuổi mắc bệnh đang trẻ hóa, thậm chí có trẻ 8 tuổi đã bị đái tháo đường tuýp 2; số người mắc có từ thành phố đến nông thôn, miền núi đến đồng bằng, không chỉ người giàu mà ở nhiều tầng lớp.

Trong khi đó, biến chứng của bệnh này rất nguy hiểm, là bệnh đứng thứ 4 trong số các nguyên nhân gây tử vong và tàn phế rất cao, điều trị tốn kém: Đột quỵ, mù lòa, nhồi máu cơ tim, suy thận, tổn thương bàn chân, loét chân có thể dẫn đến cắt cụt chi.

Theo đại diện WHO, nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng nhanh chóng của bệnh đái tháo đường là do chế độ dinh dưỡng.

TS. Phan Hướng Dương cho biết, bệnh nguy hiểm nhưng theo có thể phòng được bằng việc khi xác định có nguy cơ cao thì phải đi làm xét nghiệm phát sớm để quản lý điều trị kịp thời; thực hiện lối sống lành mạnh: bỏ hút thuốc, ăn uống hợp lý, duy trì cân nặng hợp lý, giảm đường, giảm muối, không uống rượu bia ở mức gây hại, hoạt động thể lực.

Thường xuyên đi kiểm tra sức khỏe và xét nghiệm đường máu tại các cơ sở y tế, đặc biệt người trên 40 tuổi, là biện pháp hiệu quả nhất để phát hiện bệnh sớm.

Thanh Hằng
.
.
.