Thực, hư vụ người nhà “tố” bệnh viện tắc trách khiến cháu bé sơ sinh bị tử vong

Thứ Ba, 20/09/2016, 09:29
Cháu bé tử vong là con của anh Nguyễn Huy Toàn (33 tuổi) và chị Lê Thị Thu Ba (30 tuổi), trú thôn Tịch Tây, xã Tam Nghĩa, huyện Núi Thành, Quảng Nam.

Theo anh Toàn, sáng 1-8, vợ anh (chị Ba) có dấu hiệu chuyển dạ nên gia đình đưa vào Bệnh viện Đa khoa Trung ương (TW) Quảng Nam để sinh.

Tại đây, sau khi làm các thủ tục hành chính và xét nghiệm, chị Ba được chuyển vào phòng sinh mổ. Khoảng 8h sáng cùng ngày, chị Ba sinh được một bé trai nặng 3,2kg khỏe mạnh, chân tay cứng cáp, cử động bình thường, không có dấu hiệu bị sốt hoặc khó thở.

Lúc mới sinh, cháu bé bú sữa mẹ không được nhiều, nhưng sau khi được các y bác sĩ tại Khoa Sản của bệnh viện tập bú, cháu bé có tiến triển khá tốt, bú được nhiều hơn. Tuy nhiên, qua ngày 2-8, cháu bé bú sữa mẹ ít lại và đến khoảng 14h cùng ngày thì không bú nữa.

Đến khuya 2-8, cháu bé cứ liên tục khóc nên được chuyển vào Khoa Nhi của bệnh viện này. Khoảng 11h sáng 4-8, cháu bé bị tử vong. “Từ khi con dâu tôi nhập viện sinh đến trước khi cháu nội của tôi mất, các bác sỹ không thông báo cho gia đình tôi bất kỳ bệnh tình gì nguy hiểm đến tính mạng của cháu tôi.

Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam khẳng định đã làm hết trách nhiệm.

Đến khi cháu tôi chết thì các bác sĩ mới thông báo là cháu chết do nhiễm trùng bào thai. Nếu cháu tôi bị bệnh nặng, tại sao trước đó họ không báo trước để gia đình tôi chạy chữa sớm… Tôi mong cơ quan chức năng làm sáng tỏ vụ việc này để cháu tôi không chết oan uổng”, ông Nguyễn Huy Hoàng (bố anh Toàn) tỏ vẻ bức xúc nói.

Chiều 19-9, làm việc với chúng tôi, bác sĩ Trần Dương Quân, Trưởng khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa TW Quảng Nam cho biết, từ khi Khoa Nhi nhận cháu bé để điều trị thì bệnh nhi đã có những triệu chứng bị nhiễm trùng sơ sinh, tức là bị nhiễm trùng từ trong bào thai đối với trường hợp này.

“Lúc chúng tôi đến ghi nhận cháu bé bú ít, rốn khô, chân rốn đỏ và bị phù chân nặng, khóc rên. Đối với chuyên môn, trong trường hợp này cháu bé bị nhiễm trùng trong bào thai. Sau khi tiếp nhận bệnh nhân, chúng tôi đã chuyển cháu bé vào phòng hồi sức cấp cứu để điều trị”, bác sỹ Quân nói.

Bác sĩ Trần Minh Vương, Trưởng khoa Sản của Bệnh viện Đa khoa TW Quảng Nam, cho biết thêm, khoảng 6h sáng 1-8, Khoa Sản đã tiếp nhận thai phụ Ba đang chuyển dạ, sắp sinh.

Qua thăm khám, sản phụ trước đây đã trải qua một lần sinh nở bằng phẫu thuật, vết mổ dọc bụng. Sau khi làm các xét nghiệm cần thiết, các bác sĩ đã nhanh chóng tiến hành phẫu thuật và đưa cháu bé ra ngoài an toàn. Lúc chào đời, bé trai có biểu hiện bú kém.

Dù được các ý bác sĩ tập bú cho bé nhưng tình trạng vẫn không khả quan hơn. Khuya 2-8, cháu bé có biển hiện khóc rên, da khô cứng, nhận định đây là một triệu chứng của nhiễm trùng bào thai nên Khoa Sản đã chuyển cháu qua Khoa Nhi để tích cực điều trị kháng sinh. Nhưng, cháu bé đã không qua khỏi…

Bác sĩ Quân giải thích: “Vì phòng trẻ sơ sinh nằm tách biệt nên không cho người ngoài vào vì sợ mang vi khuẩn vào. Vì vậy họ nghĩ bác sĩ không quan tâm nhưng không phải như vậy. Khi nhận về Khoa Nhi khám bệnh thì thấy có triệu chứng nói trên, chúng tôi đã nhanh chóng tiến hành xét nghiệm và truyền dịch ngay cho cháu bé. Sự việc xảy ra chúng tôi cảm thấy rất đáng tiếc, tuy nhiên chúng tôi đã cố gắng hết sức, tận tình cứu chữa nhưng do cháu bị nhiễm trùng sơ sinh nặng nên đã không qua khỏi”.   

Hoài Thu – Trí Công
.
.
.