Sự sống được hồi sinh từ “quy trình máu thịt” của người thầy thuốc
- Phẫu thuật cứu sống bé gái sơ sinh nội tạng nằm ngoài ổ bụng
- Bệnh viện E cứu sống bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp
- Ca phẫu thuật nghẹt thở cứu sống bệnh nhân nứt sọ phức tạp
- Cứu sống bé trai bị thanh sắt đâm xuyên ngực
Cuộc chiến cân não
Trao đổi với chúng tôi về qui trình báo động đỏ tại BV Nhi đồng 1, BS Hiếu bảo: "có bộ phim hành động mang tên "Nhanh và nguy hiểm!". Ở đây, nếu nói về qui trình báo động đỏ thì có thể kết bằng 4 chữ: "Nhanh và hiệu quả". Cứu mạng người thì nhanh không chưa đủ. Trong tình thế thập tử nhất sinh của bệnh nhân, mọi chỉ định đưa ra vừa phải chính xác, vừa phải chạy đua thời gian với tử thần.
BS Hiếu nhận được tín hiệu hỗ trợ cho trường hợp bé N.M khi ấy đã 21h khuya 26-10-2016. Trên đường chạy tới BV, ông nhớ duy nhất trong đầu vài chi tiết về bé là sốc, mất máu, nguy cơ tử vong. "Khi tôi vào, các BS đang hồi sức cho bé. BV Thống Nhất mà không làm tốt giai đoạn đầu này sẽ không thể có giai đoạn sau. Em bé cũng sẽ khó có cơ hội sống với những vết thương thấu tim, thấu phổi!". Khi ấy, bé được bơm máu liên tục. Vì dừng bơm máu sẽ ngưng tim ngay lập tức. Cùng lúc, phải tiến hành khâu vết thương. Trong hoàn cảnh như vậy nếu chuyển viện bệnh nhân chỉ cầm cự được không quá 2 phút trên đường đi. Việc "mở ngực" để xem rõ vết thương bên trong. Cũng giống như một chiếc bình đã bị bể, nếu không bít được chỗ hở thì dù bơm máu bao nhiêu cũng trở nên vô nghĩa".
Sau mệnh lệnh mở ngực đầy cân não nhưng bù lại đã bộc lộ rõ bên trong là một vết tổn thương thấu tim, máu tràn đầy trong tim bé, BS Hiếu nhanh chóng đưa ngón tay chặn lỗ thủng tâm nhĩ có máu đang tuôn ra xối xả, nhằm làm yếu đi dòng máu đang chảy ra ào ạt, tránh nguy cơ ngưng tim, sẽ mất bé. Vết thương đỡ chảy máu cũng tạo thuận lợi cho các bác sĩ kẹp mạch máu, khâu vết thương tim, khâu vết thủng thùy dưới phổi phải. Nhưng mạng sống bé vẫn bị đe doạ.
Hai anh em Lợi và Phụng hoàn toàn khoẻ mạnh, tâm lý phát triển bình thường sau ca mổ cấp cứu phức tạp. |
Khoảng gần 2h sáng 27-10, khi phát hiện huyết áp bé tụt nghiêm trọng, song đã đủ điều kiện nên BS Hiếu quyết định chuyển bé về BV Nhi đồng 1 tiện cho việc hồi sức nhi. Tại đây, qua siêu âm tim thấy có khối máu tụ trong trung thất chèn ép tim, ê kíp quyết định phẫu thuật lần hai cho bé để lấy khối máu tụ này và đánh giá tổn thương tim.
Như khá nhiều những ca em bé đã trở nên "nổi tiếng" như bé Dương Minh Phát (11 ngày tuổi) bị đao đâm thấu sọ, bé Nguyễn Quốc Huy bị văng khỏi bụng mẹ, đều được cứu sống ngoạn mục từ đường dây báo động đỏ, ngày 28-11 vừa qua, sau đúng 1 tháng được chăm sóc, điều trị, bé N.M đã xuất viện với khuôn mặt rạng ngời, khoẻ mạnh trong vòng tay của cả gia đình và các BS.
Quy trình cứu người trở thành máu thịt
"Báo động đỏ" cũng chính là thiết lập nên con đường ngắn nhất để cứu mạng sống cho trẻ, cho phép bỏ qua các giai đoạn trung gian mà chuyển bệnh nhi vào phòng mổ với thời gian nhanh nhất. Nhưng trường hợp đầu tiên được cứu sống nhờ quy trình báo động đỏ "nội viện" tại BV Nhi đồng 1 (triển khai từ năm 2008) là trường hợp bé L.T.P. (2 tuổi, ngụ ở quận 5). Bé nhập viện trong tình trạng rất nguy kịch, trên người có hàng chục vết dao đâm gây tràn máu màng phổi.
Trước đó, bé bị người hàng xóm đâm nhiều nhát vào ngực, bụng và 2 tay. 25 phút sau khi phát đi tín hiệu báo động, các BS khoa Ngoại, gây mê hồi sức… của Nhi đồng 1 đã tập trung tại phòng mổ. Ca mổ kéo dài gần 3 giờ đồng hồ. Em bé sống và 2 tuần sau được xuất viện.
Theo BS Hiếu, từ qui trình "nội viện", qui trình báo động đỏ "liên viện" sau này được hình thành tự nhiên từ trong kinh nghiệm cứu chữa cho một bé gái bị TNGT trầm trọng nhập BV quận Thủ Đức. Khi ấy, BS Hiếu nhận được tín hiệu hỗ trợ từ BV Thủ Đức vào khoảng 10h sáng ngày 20-10-2015, BS chỉ kịp chạy ra xe taxi đậu trước cổng BV, và đã có mặt sau 20 phút, đồng hành cùng các BS tại BV Quận Thủ Đức mổ cấp cứu cho bé.
Cô bé bị tổn thương mạch máu rất lớn. Vỡ cơ hoành. Tức không còn khoảng ngăn giữa tạng lồng ngực và tạng trong bụng, khiến cho tạng trong ngực bệnh nhi trôi tuột xuống bụng. Tổn thương mạch máu nguy kịch vùng mạc treo nuôi bụng và đặc biệt, tổn thương một mạch máu vùng chậu làm bé bị chảy máu cấp. Không chỉ bị đứt hoàn toàn cơ thắt lưng chậu trái, bé còn bị giập thận trái và tràn máu màng phổi. Cả phòng mổ nhiều lúc như nghẹt thở trong cuộc chiến cứu cô bé 10 tuổi ấy. 4 giờ đồng hồ trôi qua chậm chạp. Bé đã sống!
Bé N.M. tươi tắn trong ngày xuất viện dù trước đó một tháng bị hàng rào sắt đâm xuyên tim phổi. |
Cũng từ trường hợp cứu sống này mà qui trình Báo động đỏ "liên viện" đã hình thành, để rất nhiều trường hợp trẻ khác sau này được cứu sống. Như trường hợp gây "rúng động" cộng đồng xảy ra vào tháng 6-2016 với 2 bé tên Lê Trung Lợi (6 tuổi) và Lê Thành Phụng (2 tuổi), ngụ TP.HCM - nạn nhân của một vụ cuồng sát. Hai bé bỗng dưng bị một kẻ chán đời trong cùng chung cư, đã rượt đuổi và đâm nhiều nhát trên người 2 bé.
BS Hiếu kể, mạng sống 2 bé khi ấy thật ngặt nghèo. Kẻ điên khùng đã dùng dao đâm cách nào đó mà làm cho toàn bộ thành bụng của bé Lợi bị đứt, khiến nội tạng bên trong trào ra. Cả 2 bé tình trạng mạch, huyết áp đã tụt hết gần như về 0. Da niêm xanh nhợt.
Nhưng ngay khi Báo động đỏ kích hoạt dù đã 21h, 2 ê kíp phẫu thuật cùng 2 phòng mổ đã sẵn sàng chỉ sau nửa tiếng do không thể phẫu thuật từng trường hợp. Cả 2 đều phải được cứu sống! Bé Lợi bị thương nặng, bị đứt thận bên trái và đứt phần trên của quả thận bên phải. Bé Phụng nhẹ hơn chỉ bị tổn thương mạch máu và mạc treo vùng thành bụng làm thủng ruột. Những y bác sĩ vừa phải cầm máu, khâu những vết thương, vừa tìm cách khâu bảo tồn, giữ thận cho bé Lợi.
Khoảng 3h sáng, ê kíp thở phào xong việc thì cũng là lúc huyết áp các bé đã dần trở về bình thường. 1 tuần sau, thật kì diệu, các vết mổ, khâu nhanh lành, cả 2 bé lành lặn, vui chơi trở lại bình thường như chưa bao giờ là nạn nhân của một vụ "cuồng sát" kinh hoàng.
Hàng chục trường hợp bệnh nhi đã được hồi sinh sự sống từ Báo động đỏ của BV Nhi đồng 1 và tới nay mô hình đã được nhân rộng tại các BV thành phố Hồ Chí Minh. "Nhanh và hiệu quả đó là linh hồn của qui trình báo động đỏ. Tất cả BS tham gia từ chưa quen tới quen, diễn tập thuần thục tới nhuần nhuyễn trong nhiều tình huống cấp cứu khẩn, và giờ đây sau 8 năm nó đã "ngấm vào máu thịt" tự bao giờ! Để chỉ khi tín hiệu "đỏ" phát ra, từng người, ở từng vị trí khác nhau nhưng cùng một phản xạ thật nhanh mà đó cũng là thiên chức thiêng liêng của thầy thuốc: cứu người!", BS Hiếu kết luận. |