Giám đốc BV Phạm Ngọc Thạch nhận trách nhiệm vì "để rác thải y tế lọt ra ngoài"

Thứ Tư, 07/08/2019, 21:28
Liên quan đến việc chất thải rắn y tế của Bệnh viện (BV) Phạm Ngọc Thạch TP Hồ Chí Minh được cho là “đánh cắp”, lọt vào tay tiểu thương kinh doanh buôn bán ve chai, phế liệu; theo như lời lãnh đạo BV này cho biết, đã khiến dư luận hoang mang, lo ngại ảnh hưởng đến sức khoẻ.

Ngày 7-8, ông Nguyễn Hữu Lân, Giám đốc BV Phạm Ngọc Thạch TP Hồ Chí Minh cho biết, với cương vị người đứng đầu BV, ông xin nhận trách nhiệm khi để xảy ra việc rác thải y tế lọt ra ngoài. Đồng thời, khẳng định rằng người “đánh cắp” rác thải y tế trong BV là nhân viên của một công ty mà BV đã ký hợp đồng để làm vệ sinh môi trường, chăm sóc cây cảnh trong khuôn viên của BV, chứ không phải nhân viên của BV.

Còn người được phân công giám sát việc thu gom chất thải ở các khoa, phòng của BV để xảy ra việc rác thải y tế bị “đánh cắp”, BV sẽ xử lý nghiêm. “Bệnh viện sẽ cắt thi đua và xử lý nghiêm người được phân công mà không làm tròn trách nhiệm, theo quy định và tuỳ vào mức độ vi phạm”, ông Nguyễn Hữu Lân nói.

Về quy trình xử lý rác thải y tế, ông Nguyễn Hữu Lân cho biết quy trình hug om rác thải y tế của BV Phạm Ngọc Thạch thực hiện đúng quy định của Bộ Y tế. BV hợp đồng với các công ty khác nhau, một công ty chuyên làm vệ sinh trong khu vực khám chữa bệnh và công ty chuyên làm vệ sinh môi trường bên ngoài.

BV cũng thường xuyên tập huấn cho tất cả nhân viên, từ bác sĩ đến bảo vệ, nhân viên vệ sinh của BV về quy trình xử lý rác thải y tế. Đồng thời, tuyên truyền để bệnh nhân và người nhà bệnh nhân biết giữ vệ sinh môi trường. Ngay những hộp đựng đồ ăn, thức uống của bệnh nhân cũng được cho là rác thải y tế nguy hại để phòng ngừa việc lây nhiễm bệnh.

Khu vực thu gom, chứa chất thải rắn y tế của Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch TPHCM

Hiện BV có 932 bệnh nhân điều trị nội trú, 1.200 bệnh nhân ngoại trú. Mỗi ngày bình quân BV có 1 tấn rác thải y tế. Những rác thải này từ các khoa, phòng của BV sẽ được nhân viên làm vệ sinh trong các khoa, phòng gom lại rồi chuyển đến khu vực rác thải. 

Tại đây, khi nhân viên Công ty TNHH Môi trường đô thị TP Hồ Chí Minh đến, bộ phận quản lý rác thải y tế của BV sẽ thu gom vào bao rác riêng, cân cẩn thận và giao đưa đi xử lý theo quy định. “Tại khu vực tập kết rác thải y tế đều có nhân viên bảo vệ, nhân viên quản lý loại rác này và có hai lớp cửa nên không thể vào lấy rác được”. Ông Lân nói.

Theo suy đoán của BV, có thể khi nhân viên thu gom rác thải y tế tại các khoa, phòng đi gom tập trung rác lại một chỗ để ở khu vực dưới đất rồi mới đưa đến khu chứa rác nên rác mới bị “đánh cắp”. Mặc dù BV đã chỉ đạo nhân viên khi gom rác thải y tế là phải đem xuống ngay khu chứa rác theo quy định.

Ông Lân cũng cho biết, giữa BV và Công ty TNHH Môi trường đô thị đã ký hợp đồng và có nội dung cam kết theo quy định xử lý chất thải của Bộ Y tế, nếu bên nào vi phạm sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm. Năm 2018-2019, kinh phí BV ký hợp với Công ty TNHH Môi trường đô thị để xử lý rác thải y tế là trên 1 tỷ, hợp đồng năm 2019-2020 là trên 2 tỷ đồng.

Sau vụ việc để xảy ra việc rác thải y tế bị đưa ra ngoài bán cho người mua bán ve chai, phế liệu, BV Phạm Ngọc Thạch cho biết sẽ có biện pháp quản lý và xử lý rác thải y tế tốt hơn.

Lãnh đạo BV cho biết, hiện BV đã lắp camera một số điểm trong bệnh viện, tại khu vực chứa rác chưa được lắp camera. BV cũng đã làm đề nghị camera toàn bộ BV gửi lên cấp trên nhưng chưa được duyệt.

Cũng trong chiều cùng ngày, trao đổi với PV báo CAND, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai - Chánh Văn phòng Sở Y tế TP Hồ Chí Minh thừa nhận, việc để xảy ra tình trạng chất thải rắn y tế “lộn xộn”, bị tuồn đưa ra bên ngoài, lọt vào tay tiểu thương buôn bán ve chai, nguy cơ gây ô nhiễm, ảnh hưởng tới sức khoẻ cộng đồng. 

Ngoài ra, qua kết quả kiểm tra của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh mấy ngày vừa qua tại cơ sở y tế cho thấy một số cơ sở y tế chưa thực hiện tốt, đặc biệt là trong công tác giám sát, thực hiện qui trình phân loại, thu gom, chuyển giao chất thải rắn y tế.

Theo chỉ đạo mới nhất của sở Y tế TP Hồ Chí Minh, các cơ sở y tế có nhiệm vụ xây dựng và triển khai ngay qui trình phân loại, thu gom, xử lý chất thải rắn y tế tại mỗi khoa, đơn vị, phòng của mình; Thường xuyên phổ biến, tập huấn nhắc nhở các cán bộ trực tiếp tham gia vào công tác thu gom, phân loại, kể cả những nhân viên hợp đồng, cả thân nhân, bệnh nhân là người trực tiếp xả thải rác hàng ngày trong  thời gian chữa trị bệnh, thực hiện đúng qui trình quản lý chất thải rắn y tế và các qui định trong công tác quản lý chất thải rắn y tế.

Đặc biệt, lãnh đạo của Bệnh viện chịu trách nhiệm chính trong việc giám sát chặt chẽ công tác phân công, phân nhiệm những bộ phận trong BV thu gom phân loại, chuyển giao chất thải rắn y tế trong tất cả thời gian, kể cả ngày nghỉ và ngày lễ; cần thiết lắp đặt Camerra đảm bảo không để lọt chất thải rắn y tế nhất là chất nguy hại ra ngoài thị trường bên ngoài, sai qui định.

Bà Huỳnh Mai cũng khẳng định: “Trong bất cứ trường hợp nào nếu phát hiện vi phạm, sở Y tế sẽ phối hợp cùng cơ quan chức năng xử lý, xử phạt theo qui định pháp luật. Kể cả các Trung tâm Y tế cũng phải có trách nhiệm hướng dẫn, giám sát Trạm Y tế tại địa phương, các cơ sở y tế tư nhân thực hiện xử lý chất thải rắn y tế đúng qui định. Không chủ quan cho rằng, những nơi này có số lượng thải ra quá ít mà lơ là, chủ quan”.


Huyền Nga-Nhân Sơn
.
.
.