Những “chiến sĩ áo trắng” nơi tuyến đầu chống dịch

Thứ Tư, 29/04/2020, 10:44
Thành quả lớn nhất và cũng là niềm tự hào của y tế Việt Nam khi Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã điều trị cho hơn 70 người khỏi bệnh, trong đó có 3 ca bệnh nguy kịch.

“Mẹ ơi bao giờ mẹ về, con nhớ mẹ lắm…” – không biết bao đứa trẻ đã thổn thức như vậy mỗi lần nói chuyện với mẹ qua điện thoại. Nhiều bé đã 2-3 tháng nay chưa được gặp bố, mẹ. Các cháu là con của đội ngũ y, bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương – những người đang ở tuyến đầu chống dịch.

Điều trị cho hơn 135 bệnh nhân COVID-19, nhiều ca bệnh nguy kịch, song, các bác sĩ, nhân viên y tế của Bệnh viện đã vượt qua khó khăn, nguy cơ lây nhiễm để từng giây, từng phút giành giật sự sống cho bệnh nhân. Thành quả lớn nhất và cũng là niềm tự hào của y tế Việt Nam khi Bệnh viện đã điều trị cho hơn 70 người khỏi bệnh, trong đó có 3 ca bệnh nguy kịch.

“Vợ chồng chỉ nhìn thấy nhau qua khung cửa sổ”

Mở đầu câu chuyện với tôi, điều dưỡng Nguyễn Thị Thủy chia sẻ: “Em và chồng cùng làm ở Bệnh viện, nhưng gần 2 tháng qua chưa một lần được gặp nhau. Mỗi lần chồng em bảo, vợ ơi ra cửa sổ cho chồng nhìn một lát là lại thấy nhớ lắm”. Thủy là điều dưỡng của Khoa Viêm gan, còn chồng là điều dưỡng của Khoa Hồi sức tích cực, làm việc ở hai tòa nhà đối diện nhau.

Kể từ khi dịch bệnh sang giai đoạn 2, tất cả bác sĩ, nhân viên y tế tiếp tục cách ly ngay tại khoa để điều trị, chăm sóc cho bệnh nhân. Vì vậy, vợ chồng điều dưỡng Thủy chỉ nhìn thấy nhau qua khung cửa sổ vào thời điểm hết ca trực. 

Có những ngày lịch trực chéo nhau, sau 12 tiếng làm việc căng thẳng, mệt nhọc, giây phút được “gặp nhau” qua khung cửa sổ càng trở nên hiếm hoi. Nhưng niềm nhớ thương da diết lớn nhất của hai vợ chồng họ chính là cô con gái bé bỏng mới 24 tháng tuổi. Vì nhiệm vụ, họ đã gửi con về quê cho bà nội trông hơn 2 tháng qua.

Bà Shan.

Khoa Viêm gan là nơi sàng lọc ban đầu bệnh nhân COVID-19, mỗi người vào viện sau khi được bác sĩ khám, đều được xét nghiệm, nếu người bệnh âm tính thì ở lại Khoa, còn dương tính chuyển đến Khoa Virus và Khoa Nhiễm khuẩn để điều trị. Thủy chia sẻ, người vào viện không biết ai mắc bệnh nên yếu tố nguy cơ lây nhiễm là rất lớn.

Thủy cùng các điều dưỡng khác trong Khoa là người trực tiếp lấy mẫu dịch họng của người bệnh để đưa đi xét nghiệm. Đây là công việc rất nguy hiểm bởi trong quá trình lấy mẫu, người bệnh có thể nôn, ho, nếu không làm tốt biện pháp phòng hộ, rất có thể bị lây nhiễm. 

Thủy cho biết mình không nhớ hết đã lấy bao nhiêu mẫu dịch họng, bởi hầu như ngày nào cũng có bệnh nhân, ngày cao điểm hơn 10 người nhập viện lấy mẫu thì có 3 người dương tính.

Chồng Thủy – điều dưỡng Đặng Văn Toàn được phân công trực tiếp chăm sóc bệnh nhân, mỗi ca trực kéo dài 12 tiếng. Khoa Hồi sức tích cực là nơi điều trị chăm sóc cho 5 bệnh nhân nguy kịch phải thở máy, trong đó có 1 bệnh nhân chạy ECMO- tim phổi nhân tạo. Công việc hàng ngày của Toàn cũng như các điều dưỡng khác là chăm lo cho bệnh nhân từ thuốc men, máy thở, cho ăn, hút đờm, thậm chí tắm rửa, thay bỉm…

Do phải tiếp xúc trực tiếp với người bệnh dương tính nên nguy cơ lây nhiễm rất lớn, vì vậy yếu tố đầu tiên của mỗi ca trực là phải an toàn. Sau mỗi ca trực mệt mỏi, nhưng mỗi khi bệnh nhân tiến triển tốt lên, các bác sĩ, nhân viên y tế đều rất vui. “Mình chăm sóc người bệnh từ khi họ nặng không biết gì, cho tới khi họ tỉnh lại, các thông số ổn định, nhận biết được mình, điều này vui lắm chứ”- Toàn nói. 

Điều dưỡng Đặng Văn Toàn chia sẻ rằng, sau mỗi ca trực, điều đau đáu nhất là gia đình, nếu hai vợ chồng có làm sao thì ai chăm sóc con. Còn Thủy lại kể: “Mỗi lần em gọi điện về, con đều véo von đọc thơ bà nội dạy: “Bố mẹ đi chống dịch/ Con ở nhà với bà/ Nhìn mẹ con lệ rơi…”. Con cũng biết bao giờ hết dịch bố mẹ sẽ về. Những lúc đó nhớ lắm chị ạ. Nhưng có lẽ lâu quá rồi con không gặp chúng em nên quên luôn bố mẹ, nhìn thấy bố mẹ, con chào xong là quay đi chơi luôn”.

Nơi các thầy thuốc hy sinh hạnh phúc riêng tư

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương là bệnh viện tuyến cuối điều trị bệnh nhân COVID-19, cũng là nơi điều trị nhiều bệnh nhân dương tính nhất cho tới nay, trong đó có 5 bệnh nhân nguy kịch. Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng Khoa Cấp cứu chia sẻ, từ mùng 2 Tết anh đã cách ly ở Bệnh viện khi có ca khẳng định dương tính. Sang giai đoạn 2 của dịch, cả Khoa cách ly hoàn toàn ở Bệnh viện hơn 1 tháng rưỡi nay.

Còn bác sỹ Đồng Phú Khiêm, Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực, người cùng gần 20 đồng nghiệp đã rất vất vả điều trị cho 5 bệnh nhân nặng nhất, trong đó có bệnh nhân 3 lần ngừng tuần hoàn, cho biết, họ chưa bao giờ được ngủ một giấc quá 3, 4 tiếng, có người còn bị ám ảnh bởi tiếng máy thở, tiếng báo động... 

Thế nhưng có chút thời gian nghỉ ngơi thì lại lên mạng tìm tài liệu, hoặc quanh quẩn ở khu bệnh nhân. Mỗi ca trực, họ theo dõi sát diễn biến của từng người bệnh. Mỗi bệnh nhân nguy kịch tỉnh lại, dần hồi phục và khỏi bệnh, với các bác sĩ là niềm hạnh phúc lớn lao nhất.

Niềm hạnh phúc của các bác sĩ khi chứng kiến bệnh nhân nặng, nguy kịch khỏi bệnh.

Điều dưỡng phục vụ hậu cần Phạm Thị Bích Thuận trải lòng: “Bệnh viện chúng tôi phân ra vòng trong và vòng ngoài. Các nhân viên y tế trực tiếp điều trị cho bệnh nhân ở vòng trong. Họ chia kíp trực và phải ở lại trên Khoa, không được ra khỏi khu vực điều trị. 

Còn chúng tôi là những người vòng ngoài, làm công tác hậu cần phục vụ thuốc men, cơm nước. Có y, bác sĩ đã gần 3 tháng nay không rời khỏi bệnh viện, khối hành chính cũng gần 3 tuần qua không được về nhà, có người cả hai vợ chồng làm ở viện.

Khi có thông báo của lãnh đạo Bệnh viện phải ở lại làm nhiệm vụ, tôi đã phải gửi 3 con về quê nhờ ông bà chăm sóc. Mặc dù các cháu được ông bà chăm sóc nhưng vẫn cần hơi ấm của mẹ... Vì thế, hàng ngày tôi vẫn phải gọi điện về hỏi han, dặn dò các con. Con nhớ mẹ khóc trong điện thoại, lúc nào cũng hỏi bao giờ mẹ về, tôi chỉ biết động viên các con ngoan, nghe lời ông bà thì mẹ sẽ về” .

Nữ điều dưỡng cho biết, chị công tác tại Bệnh viện được 15 năm, đã từng tham gia chống nhiều dịch bệnh khác như: Sởi, cúm, sốt xuất huyết, cúm H1N1... Vì thế, khi dịch COVID-19 xảy ra, các bác sĩ, nhân viên y tế của Bệnh viện đều không nao núng. 

Chị tâm sự: “Chúng tôi luôn xác định làm ở bệnh viện truyền nhiễm thì đó là một công việc của mình. Chúng tôi mong mỏi đến ngày bệnh nhân cuối cùng rời khỏi bệnh viện. Đó cũng là ngày chúng tôi được trở về nhà, về với chồng, với con và cả người thân họ hàng...”.

Các bác sĩ Việt Nam thật tuyệt vời, họ đã cứu sống vợ chồng tôi!

Bà Shan, bệnh nhân số 24, có chồng là bệnh nhân 28 đã được các bác sĩ của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương điều trị khỏi bệnh, xúc động bày tỏ: “Hai vợ chồng tôi sang Việt Nam du lịch và đều cùng bị dương tính với SARS-CoV-2. 

Chồng tôi bị ung thư máu 10 năm, bệnh của ông ấy chuyển biến xấu, nguy kịch phải thở máy. Các bác sĩ Việt Nam thật tuyệt vời, họ đã cứu sống vợ chồng tôi. Nếu ở Anh, tôi nghĩ chưa chắc chúng tôi đã sống được. Tôi rất biết ơn và ngưỡng mộ những nỗ lực của các y, bác sĩ ở đây. Các bác sĩ thật phi thường, cận kề sinh tử mà chúng tôi vẫn còn sống. Tôi chỉ biết nói cảm ơn các bác sĩ rất nhiều".

Trần Hằng
.
.
.