Nhức nhối nạn bạo hành thầy thuốc
- Nhức nhối nạn bạo hành thầy thuốc1
- Khởi tố đối tượng hành hung bác sĩ Bệnh viện Xanh Pôn
- BV Xanh Pôn: Bác sĩ bị đánh trong lúc đang giải thích bệnh
- Côn đồ trong bệnh viện: Bảo vệ bác sĩ bằng cách nào?2
- Nhiều y bác sĩ ở Lâm Đồng bị hành hung
Chỉ trong vòng 10 ngày đầu tháng 4-2018 đã xảy ra 3 vụ hành hung bác sĩ, khiến dư luận vô cùng bức xúc. Việc cán bộ y tế bị đánh trong khi đang cứu chữa cho người bệnh xảy ra liên tiếp đã trở thành vấn đề xã hội lớn, thách thức pháp luật, thách thức dư luận.
Thực trạng này tiếp tục gióng lên hồi chuông về việc danh dự và tính mạng của thầy thuốc bị đe dọa, đòi hỏi cộng đồng phải chung tay ngăn chặn, giữ môi trường an bình cho việc khám chữa bệnh.
Khi bắt tay vào viết loạt bài này, chúng tôi đã hỏi thăm về bác sĩ Lê Quang Dương, Phó khoa Hồi sức Cấp cứu của Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Thạch Thất (Hà Nội) – người đã bị bố của bệnh nhi dùng chiếc cốc đập thẳng vào đầu trong lúc đang chăm sóc bệnh nhân, khiến anh bất tỉnh giữa vũng máu, cũng vào những ngày này năm ngoái.
Tôi thật “sốc” khi bác sĩ Vương Trung Kiên, Giám đốc BVĐK Thạch Thất cho biết, bác sĩ Dương vừa gửi đơn xin nghỉ không lương “để suy nghĩ về nghề” sau những vụ hành hung bác sĩ lại vừa liên tiếp xảy ra.
Bác sĩ Kiên còn kể, sau vụ bị hành hung, bác sĩ Lê Quang Dương gần như trở thành người khác. Diễn biến tâm lý cũng phức tạp. Có lần, bác sĩ Dương tâm sự với Giám đốc BV rằng: “Em không biết có nên theo nghề nữa không”. Vốn là người gương mẫu, nhưng giờ, bác sĩ Dương kém nhiệt tình, thậm chí còn né tránh thay vì xông xáo như trước. Bác sĩ Dương thi đỗ thạc sỹ, nhưng đi học được 6 tháng thì xin bảo lưu và giờ thì xin nghỉ việc không lương.
Nhiều người trong BV cũng có tâm lý hoang mang, buồn chán. Bởi BV ở vùng nông thôn, dường như tuần nào cũng có một vài người say xỉn gây sự với các thầy thuốc. Mới đây, cũng xảy ra một vụ gây rối. Nhưng khi bị khống chế thì thủ phạm giả vờ ngất. Bác sĩ đo nồng độ cồn thì phát hiện tới 35/13 nhưng gia đình không thừa nhận, mà nói “không biết cháu nó có uống rượu không”.
Vụ đối tượng tấn công bác sĩ ở Bệnh viện 115 Hà Tĩnh. |
“Có một thực tế là ở hầu hết các vụ đánh nhân viên y tế, đối tượng hành hung đều trong tình trạng uống rượu: Vụ ở BV Xanh Pôn, BV 115 Hà Tĩnh, BVĐK Quảng Bình, Đắk Lắk v.v… Với những người đã say thì họ rất dễ gây gổ, thiếu kiểm soát và rất manh động, đặc biệt, khi đó, việc thầy thuốc giải thích và làm công tác tâm lý gần như không thể hiệu quả” - bác sĩ Vương Trung Kiên nhấn mạnh.
Thực tế đúng như bác sĩ Kiên nói. Vụ việc gây bức xúc nhất trong những ngày gần đây là Trương Văn Thanh đánh bác sĩ Vũ Hồng Chiến (BV Xanh Pôn) khi bác sĩ đang giải thích về cách xử lý cho bệnh nhân là con của Thanh. Thanh đến BV sau khi uống rượu ở quán.
Sau vụ việc, Thanh còn lên Facebook đăng ảnh với một thái độ thách thức dư luận, coi thường pháp luật. Hành vi côn đồ của Thanh làm chấn động dư luận đến mức ngay sau đó, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo xử lý nghiêm vụ việc. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đều bày tỏ quan tâm sâu sắc tới vụ việc, cho thấy nỗi nhức nhối của nạn bạo hành thầy thuốc.
Một trong các vụ việc hành hung nhân viên y tế gây chấn động dư luận trong năm 2017 là ở BVĐK 115 Nghệ An. Người hành hung nhân viên y tế cũng trong tình trạng có hơi men, đáng tiếc, lại là những người có chức vị nhất định trong xã hội: Nguyễn Đình Hoàng Thắng, Giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng Tân Thắng và ông Nguyễn Xuân Huân, Chủ tịch phường Trung Đô, TP Vinh – mà cơ quan Công an kết luận là một đồng phạm giúp sức cho hành vi vi phạm của Thắng đánh nhân viên y tế.
Cách đây chỉ vài tuần, tại BV Đa khoa (ĐK) Hà Tĩnh, cũng đã xảy ra vụ việc tấn công thầy thuốc vào đêm 8-4. Bác sĩ Nguyễn Đình Phi và sinh viên Trần Nhật Giáp đã bị Nguyễn Hùng Kỳ, là bố bệnh nhi xông vào đánh tới tấp, khiến cả 2 người bị thương nặng. Cũng chỉ vài ngày trước đó là vụ hành hung nhân viên y tế ở Bắc Kạn khi bác sĩ Hoàng Thị Huế cùng điều dưỡng viên Hà Thị Hảo đang chăm sóc bệnh nhân.
Ngày 20-1, Lê Hồng Nam (phường Cốc Lếu, TP Lào Cai, tỉnh Lào Cai) đưa vợ vào BV Sản nhi Yên Bái sinh con. Khi sản phụ được đưa vào phòng phẫu thuật để mổ đẻ thì Nam trèo lên lan can quay phim, chụp ảnh bác sĩ làm việc. Bị nữ hộ sinh nhắc nhở, Nam chửi bới, đe dọa rồi đánh trọng thương 2 bác sĩ Phạm Hải Ninh và Hoàng Đức Trung.
Sau mỗi vụ hành hung, dư luận rộ lên các ý kiến yêu cầu bảo vệ thầy thuốc, yêu cầu xử lý những đối tượng côn đồ. Ngành y tế cũng yêu cầu các cơ sở y tế thắt chặt an ninh, nhưng các vụ việc chẳng những không giảm mà có xu hướng gia tăng.
Tôi hỏi bác sĩ Vương Trung Kiên nghĩ gì sau các vụ bác sĩ bị đánh vừa qua. Rất đắn đo, người bác sĩ đầy tâm huyết này mới trả lời: Thật ra, khi mọi việc xảy ra khiến người bác sĩ phải phòng thủ bằng chuyên môn, thì chỉ thiệt cho bệnh nhân mà thôi.
Tháng 2-2018, trước những vụ tấn công thầy thuốc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo: "Các địa phương và các ngành có chức năng phải có biện pháp xử lý nghiêm các trường hợp xâm phạm đến nhân phẩm, tính mạng nhân viên ngành Y tế. Có hai việc đặt ra. Một là phát động quần chúng lên án những hành vi làm ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của bác sĩ và nhân viên y tế trong phạm vi quốc gia. Thứ hai yêu cầu các cơ quan chức năng, nhất là lực lượng Công an, điều tra xử lý nghiêm những hành động gây thương tích cho cán bộ ngành Y tế…. Phải xử lý ở mức cao để răn đe, giáo dục những trường hợp gây tổn hại đến sức khỏe, tính mạng nhân viên y tế". Mới đây, sau khi vụ tấn công bác sĩ ở BV Xanh Pôn, Thủ tướng tiếp tục yêu cầu: "Phải khởi tố đúng pháp luật hành vi đánh bác sĩ trong bệnh viện gần đây. Nếu vụ việc này được xét xử nhanh, lưu động thì có tính giáo dục rất tốt”. |