Điện thoại cho chính quyền nếu bị vòi tiền phun thuốc diệt muỗi

Chủ Nhật, 10/09/2017, 21:30
Cùng với hàng chục tỷ đồng được TP Hà Nội đầu tư, Bộ Y tế cũng hỗ trợ hàng chục máy phun cùng hóa chất diệt muỗi để ngăn chặn dịch. Tuy nhiên, có nhiều vấn đề xung quanh việc phòng chống dịch sốt xuất huyết (SXH)
ở Hà Nội cần phải nêu ra để khắc phục.


Hiện Hà Nội đã vượt qua cả TP Hồ Chí Minh để “dẫn đầu” cả nước về số người mắc SXH với khoảng 25.000 người, trở thành điểm nóng về dịch SXH. Bởi vậy, Hà Nội được Bộ Y tế và UBND TP Hà Nội đặc biệt quan tâm phòng chống dịch. Đặc biệt là khi các chuyên gia cho biết, khả năng dịch tiếp tục diễn biến vào thời gian đỉnh dịch. 

Từ đầu vụ dịch, ngành y tế Hà Nội kêu trời vì nhiều người dân không hợp tác phun hóa chất diệt muỗi, kể cả gia đình có người bị SXH phải nằm viện. Có tới 10% hộ gia đình đóng cửa không cho nhân viên y tế vào phun thuốc. Vì thế, đến nay chưa có địa bàn nào phun phủ 100%; chỉ 35% số hộ đồng ý phun ở tầng 1 chứ không cho phun ở tầng trên. Mà chỉ khi phun thuốc ở 100% địa bàn thì mới hiệu quả.

Điều này cho thấy, ngành y tế dự phòng ở Hà Nội chưa làm tốt việc truyền thông về ảnh hưởng của hóa chất diệt muỗi. Bởi việc người dân không hợp tác phòng dịch do sợ bị độc đã diễn ra từ nhiều vụ dịch trước, nên lẽ ra, phải giải thích chu đáo để người dân hiểu.

Theo ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), thuốc phun diệt muỗi được Bộ Y tế sử dụng để dập dịch SXH không gây độc đối với sức khỏe con người. Thuốc diệt muỗi hiện nay được Bộ Y tế sử dụng là nhóm Pyrethrine thuốc thuộc thế hệ mới nhất, đã qua thử nghiệm ở cả 3 miền của Việt Nam và cho kết quả an toàn. Nhiều nước cũng sử dụng loại thuốc này để phòng dịch SXH.

Phun hóa chất diệt muỗi để phòng dịch SXH

Trong khi ở một số địa bàn, ngành y tế phải “năn nỉ” người dân hợp tác phun thuốc diệt muỗi thì năm nay, do dịch SXH lan quá nhanh, nhiều nơi người dân lại phải “năn nỉ” nhân viên phun hóa chất diệt muỗi cho gia đình. 

Vì thế, đã có hiện tượng công nhân phun hóa chất đòi tiền “bồi dưỡng” của người dân nếu muốn phun thuốc ở các tầng nhà, nếu không sẽ chỉ được phun ở tầng 1. Chị Hoàng Thị Thanh phường Tân Mai (quận Hoàng Mai) cho biết, khi công nhân đến phun thuốc, gia đình đề nghị phun ở 5 tầng nhà thì họ từ chối và chỉ phun ở tầng một, mà ngay khu vực cửa.

Về việc này, ông Hoàng Đức Hạnh - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội khẳng định, ngành y tế phun hóa chất phòng, chống dịch SXH miễn phí hoàn toàn, nếu có tình trạng vòi tiền người dân cần báo ngay cho chính quyền địa phương để xử lý. 

Vì phun thuốc muỗi dập dịch đòi hỏi phải phun đồng loạt ở khu vực mới có tác dụng. Phun ở tất cả các tầng trong nhà mới diệt hết được đàn muỗi, tránh tình trạng muỗi di chuyển từ tầng dưới lên tầng trên, từ nhà này sang nhà khác. 

Sở Y tế Hà Nội đã có thông báo và đề nghị người dân khi phát hiện công nhân phun thuốc chỉ phun tầng 1 hoặc vòi tiền để phun cả nhà cần báo với chính quyền địa phương, trung tâm y tế địa phương hoặc công an xã, phường để xử lý.

Một hiện tượng nữa cũng cần nói trong việc phun thuốc diệt muỗi và cũng xảy ra ở quận Hoàng Mai. Chị Lê Bích Huệ ở Khu đô thị Gamuda cho biết, nhân viên phun thuốc đến nhà chị phun, nhưng chỉ phun từ tầng 2 xuống, trong khi nhà chị 5 tầng. Sau 30 phút chị mới vào nhà theo khuyến cáo thì thấy, gián vẫn chạy và đặc biệt là muỗi vẫn bay như cũ. 

Khi nhân viên phun thuốc trong nhà, vì tôi có bầu nên đi ra ngoài, nên không hiểu do họ phun quấy quá, hay do chất lượng thuốc không đảm bảo mà ngay sau khi phun, muỗi vẫn sống “nhăn” như thế?” –Chị Lê Bích Huệ đặt câu hỏi.

Rõ ràng là dù cấp trên đã rất rốt ráo trong việc phòng chống dịch, nhưng ở cơ sở, những người trực tiếp thực hiện đã không làm tốt nhiệm vụ của mình, chính là một nguyên nhân để dịch SXH hoành hành nhiều tháng nay. Điều đáng nói là, những người công nhân phun thuốc là thuê từ bên ngoài, nên có thể họ không ý thức hết hậu quả của việc làm qua loa sẽ tác động xấu đến kết quả phòng dịch, thì các nhân viên y tế đi kèm cũng không sát sao với công việc được giao. 

Có lẽ vì những lý do như trên mà Hoàng Mai vẫn là quận đứng đầu về số người mắc SXH?

Còn một vấn đề nữa là ở Hà Nội đã xuất hiện một số người đeo bình xịt thuốc đến từng nhà dân gạ phun thuốc muỗi, nhưng không có nhân viên y tế đi cùng. Đây là điều mà người dân cần hết sức cảnh giác, vì chắc chắn không phải của ngành y tế. Vì thế, không ai biết được chất lượng thuốc ra sao. 

Hơn nữa, ở khu vực Văn Hương (phường Hàng Bột) cũng đã xuất hiện một người đàn ông đeo bình xịt màu trắng, gõ cửa từng nhà đề nghị phun thuốc muỗi và sau khi họ đi, có gia đình đã bị mất mát một số đồ trong nhà. Vì thế, người dân cần hết sức cảnh giác với những đối tượng này.

Thanh Hằng
.
.
.