Nhiều dịch bệnh có nguy cơ bùng phát trở lại
- Dịch bệnh truyền nhiễm năm 2017 sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp
- Phòng chống dịch bệnh virus Zika và sốt xuất huyết trên địa bàn biên giới
- Tăng cường đối phó với dịch bệnh do virus Zika
- Khởi động Văn phòng Đáp ứng khẩn cấp phòng chống dịch bệnh
Đến ngày 2-2 (mồng 6 Tết), cả nước đã có 55 tỉnh, thành phố xuất hiện bệnh tay –chân – miệng với con số ghi nhận được là hơn 1.600 ca mắc. Riêng trong những ngày Tết vừa qua, TP Hồ Chí Minh đã phát hiện hơn 30 ca mắc bệnh này, trong đó có một trường hợp tử vong. Trước đó, cuối 2016 cũng đã có một bệnh nhi tử vong do tay -chân - miệng.
Theo các chuyên gia y tế, tay-chân-miệng là bệnh nhiễm virus cấp tính, thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 3 tuổi. Bệnh xảy ra chủ yếu ở các tháng cuối năm, do vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường yếu kém, không rửa tay với xà phòng thường xuyên. Hầu hết các trường hợp tử vong do tay-chân-miệng đều ở phía Nam. 80% số biến chứng nặng ở trẻ bị bệnh tay - chân - miệng là do chủng EV71.
Cùng với tay - chân - miệng có nguy cơ bùng phát trong cả nước, dịch cúm trên gia cầm và cúm ở người cũng đang diễn biến phức tạp ở nhiều nước. Vì thế, ngay những ngày giáp Tết, Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ NN&PTNT và các tổ chức quốc tế (WHO, FAO, USCDC, USAID) họp để rà soát tình hình dịch cúm gia cầm ở người và đánh giá nguy cơ dịch tại nước ta trong thời gian tới.
Cần theo dõi sát để phát hiện kịp thời bệnh dịch ở trẻ. |
Theo WHO, dịch cúm A(H7N9) đang gia tăng tại Trung Quốc từ tháng 10-2016, tạo thành đợt dịch thứ 5 kể từ năm 2013 với hơn 100 người mắc. Tại Việt Nam, Bộ NN&PTNT cho biết, trong năm 2016 đã ghi nhận một số ổ dịch cúm gia cầm A(H5N1) và A(H5N6) tại một số gia đình và đã được xử lý triệt để, kịp thời, nên không bị lây lan trong cộng đồng.
Tuy nhiên, kết quả giám sát cho thấy mầm bệnh cúm gia cầm cũng đã ghi nhận tại một số mẫu môi trường và gia cầm tại các chợ bán gia cầm sống nên có nguy cơ tiếp tục xảy ra ổ dịch mới trên gia cầm và có thể lây sang người nếu không áp dụng các biện pháp dự phòng quyết liệt và triệt để. Trong 2 năm 2015-2016, nước ta không ghi nhận trường hợp mắc cúm gia cầm ở người.
Tuy nhiên, các chuyên gia đều nhận định, dịch cúm gia cầm có xu hướng gia tăng vào những tháng đầu năm, đặc biệt trong dịp Tết và lễ hội là lúc nhu cầu sử dụng gia cầm và các sản phẩm của gia cầm gia tăng cao, cộng với sự giao lưu, thương mại cũng tăng giữa các vùng, miền, quốc gia, trong bối cảnh mầm bệnh cúm gia cầm đang tồn tại trong môi trường.
Để chủ động áp dụng các biện pháp phòng chống dịch cúm trên gia cầm và ở người, trong thời gian tới, Bộ Y tế và Bộ NN&PTNT tiếp tục cảnh báo không được chủ quan, lơ là trước nguy cơ xảy ra dịch cúm gia cầm trong dịp đầu năm 2017.
Để tránh mắc và lây lan cúm gia cầm sang người trong mùa lễ hội đầu năm 2017, PGS.TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế khuyến cáo người dân tuyệt đối không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; đảm bảo ăn chín, uống chín; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn; không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc. Khi phát hiện gia cầm ốm, chết, không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn. Khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.