Mở rộng cơ chế để “phao cứu sinh” tới được bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS
- Cục phòng, chống HIV/AIDS yêu cầu không cấp phát thuốc Methadone cho bệnh nhân về nhà
- Cả nước có 312 cơ sở điều trị HIV/AIDS được đặt tại các tuyến
- Dịch HIV/AIDS chủ yếu lây qua đường tình dục
- 88.624 bệnh nhân đang điều trị HIV/AIDS bằng thuốc kháng virus
- “Dự án Quỹ toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS”: Triển khai phòng, chống HIV/AIDS ở 18 trại giam
Tại TP Hồ Chí Minh với con số khoảng 28.000 bệnh nhân (BN) HIV/AIDS đang được chăm sóc, điều trị, thì vấn đề đặt ra, đó là cần phải kiện toàn các cơ sở khám, chữa bệnh HIV/AIDS sẽ được quĩ BHYT chi trả theo thông tư hướng dẫn mới trong thời gian tới. Tuy nhiên, giải pháp nào để tháo gỡ vướng mắc trong cơ chế, tăng cường nguồn lực cho BN nhiễm HIV/AIDS ra sao để họ được khám bệnh BHYT, đã được đưa ra bàn thảo trong cuộc họp của ngành Y tế thành phố với các cơ quan quản lý vào sáng 15-4 tại TP Hồ Chí Minh.
Theo thống kê của Bộ Y tế, đến tháng 12-2015, cả nước có 106.423 người đang điều trị ARV. Riêng tại TP Hồ Chí Minh, tính từ trường hợp nhiễm HIV đầu tiên vào năm 1990 đến hết năm 2015, có 41.931 trường hợp nhiễm HIV được quản lý, 10.997 trường hợp tử vong do HIV/AIDS. Số người nhiễm HIV hiện còn sống tại TP là 30.934 người. Tính đến hết năm 2015, thành phố đang điều trị ARV cho 27.350 bệnh nhân, trong đó có khoảng 19.000 BN có hộ khẩu tại thành phố.
Tại TP Hồ Chí Minh cũng ghi nhận 100% quận/huyện (24/24), 100% phường xã, thị trấn (318/318) báo cáo có người nhiễm HIV.
Tính đến hết năm 2015, còn 16/24 quận/huyện có người nhiễm HIV hiện còn sống trên 1.000 người, trong đó, quận 8 có số người nhiễm HIV còn sống cao nhất, với 2.732 người, quận Bình Thạnh có 2.496 người, quận 4 có 2.114 người; riêng huyện Cần giờ là đơn vị có số người nhiễm HIV còn sống thấp nhất : 252 người. Đa phần các bệnh nhân AIDS đều nằm trong đối tượng nghèo và cận nghèo, không có tiền mua thuốc hoặc thanh toán các chi phí liên quan đến điều trị, trong khi các bệnh nhân HIV khi đã chuyển sang giai đoạn AIDS thường xuyên mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội cần phải điều trị nên chi phí dành cho điều trị tăng.
Do đó, để người nhiễm HIV có thể tiếp cận được với thuốc điều trị, BHYT được coi là "phao cứu sinh" của họ. Thông tư 15/2015/TT-BYT ngày 26-6-2015 của Bộ Y tế ( Hướng dẫn thực hiện khám bệnh, chữa bệnh, BHYT với người nhiễm HIV và sử dụng các dịch vụ y tế liên quan tới HIV/AIDS) đã mở ra hướng mới trong điều trị HIV/AIDS.
Thống kê của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, đến năm 2015, TP Hồ Chí Minh triển khai được 33 phòng khám ngoại trú điều trị cho BN HIV/AIDS. Chương trình thí điểm triển khai BHYT cho BN HIV/AIDS cũng đã được thực hiện tại quận 8 và Thủ Đức. Tuy nhiên, số bệnh nhân khám chưa nhiều, mới có khoảng 100 lượt khám/tháng tại 2 quận trên.
Cần kiện toàn nhanh chóng các cơ sở khám chữa bệnh và tháo gỡ khó khăn để bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS có điều kiện khám chữa bệnh BHYT. |
Người nhiễm HIV ở TP Hồ Chí Minh cũng như trên cả nước sẽ được mua BHYT, giảm gánh nặng chi phí điều trị từ tiền túi. Đây cũng có thể được coi là giải pháp tài chính bền vững để điều trị lâu dài cho những người nhiễm HIV/AIDS. Tuy nhiên, ghi nhận nhiều ý kiến tại cuộc họp cho rằng, việc triển khai BHYT cho người HIV/AIDS sẽ gặp không ít khó khăn. Ví dụ, khi đã có thẻ BHYT, nhiều người không sẵn sàng dùng thẻ vì sợ lộ danh tính, sợ bị kỳ thị.
Mặt khác, một số vướng mắc trong chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan đơn vị trong hệ thống y tế khiến nhiều cơ sở khám chữa bệnh cho người nhiễm HIV không kí hợp đồng được với phía BHYT. Cụ thể : các Trung tâm Y tế dự phòng (TTYTDP) của quận/huyện không kí HĐ khám chữa bệnh cho BN HIV/AIDS với cơ quan BHYT được vì TTYTDP không có chức năng khám chữa bệnh, chỉ có chức năng tiếp nhận, quản lý, giám sát BN HIV.
Ngược lại, các Trạm y tế phường/xã có chức năng khám chữa bệnh nhưng cũng không kí HĐ được với BHYT được mà phải thông qua bệnh viện vì cơ quan chủ quản của nó là TTYTDP. Các thông tư hướng dẫn cho tới hiện nay mới qui định, quỹ BHYT chỉ có thể chi trả cho các dịch vụ y tế thuộc phạm vi thanh toán của BHYT và cho các cơ sở y tế có chức năng khám chữa bệnh, cho cơ sở có bác sĩ có chứng chỉ hànhnghe62 khám chữa bệnh…Bác sĩ tại TTYTDP được đào tạo nhưng từ xưa tới nay không được cấp chứng chỉ hành nghề; và phần lớn các cơ sở đang điều trị HIV/AIDS hiện nay không có chức năng khám chữa bệnh nên không được BHYT thanh toán.
Theo ông Đồng Văn Ngọc, Phòng nghiệp vụ y Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, trong thời gian tới, thành phố sẽ triển khai lồng ghép cơ sở điều trị HIV/AIDS vào hệ thống khám bệnh, chữa bệnh chung của bệnh viện theo qui chế điều trị ngoại trú; đồng thời xây dựng qui trình khám chữa bệnh BHYT cho bệnh nhân HIV/AIDS phù hợp với qui định.
Tại cuộc họp, ông Bùi Đức Dương, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS- Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các tỉnh phía Nam và TP Hồ Chí Minh khẩn trương kiện toàn các cơ sở điều trị HIV/AIDS để thực hiện được khám chữa bệnh HIV/AIDS do BHYT chi trả. Tuy nhiên cần phối hợp, đảm bảo được việc giám sát, quản lý được lượng thuốc ARV cũng như các loại thuốc phòng chống nhiễm trùng cơ hội cho BN; bên cạnh đó cần xem xét vai trò Trạm y tế xã phường khi cùng các đơn vị TTYTDP, bệnh viện…quản lý, giám sát BN. Và công tác kiện toàn cần được hoàn thành trước 30-6-2016.