“Dự án Quỹ toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS”: Triển khai phòng, chống HIV/AIDS ở 18 trại giam

Thứ Sáu, 25/07/2014, 16:45
Ngày 25/7, Dự án thành phần Bộ Công an “Dự án Quỹ toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS” đã tổ chức hội nghị đánh giá lại hoạt động thời gian qua, nhằm rút kinh nghiệm cho thời gian tới.

Thiếu tướng, GS.TS. Phạm Quang Cử, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hậu cần- Kỹ thuật (Bộ Công an) nhấn mạnh những nguy cơ của đại dịch HIV/AIDS, nếu không được ngăn chặn. Hiện Việt Nam đã có 219.163  trường hợp, 67.557 người bị AIDS. Đại dịch này đang lây lan nhanh, tác động đến mọi mặt đời sống xã hội, trong đó, có lực lượng Công an nói chung và đặc biệt là lực lượng Cảnh sát trại giam nói riêng, do đặc thù công việc thường xuyên phòng, chống tội phạm và quản lý, giáo dục các đối tượng vi phạm pháp luật, trong đó nhiều người đã bị nhiễm HIV/AIDS.

Khó khăn lớn là thường xuyên đấu tranh với tội phạm có nguy cơ cao, nhiễm hoặc phơi nhiễm HIV/AIDS; các trại giam quản lý lực lượng can, phạm nhân khá lớn, trong khi trang thiết bị, dụng cụ bảo vệ thiếu, hoặc chưa an toàn. Vì thế, triển khai “Dự án Quỹ toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS” đã giúp tăng cường năng lực của lực lượng Công an trong việc hỗ trợ các hoạt động can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV tại cộng đồng và thực hiện chăm sóc, điều trị người nhiễm HIV/AIDS tại các trại giam, góp phần đạt được mục tiêu chung của “Dự án Quỹ toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS” tại Việt Nam.

Hình ảnh Hội nghị “Dự án Quỹ toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS”.

Dự án có tổng vốn hơn 8 triệu USD, thực hiện trong 5 năm, với các hoạt động chăm sóc, điều trị HIV/AIDS, triển khai tại 18 trại giam: Phú Sơn (Thái Nguyên), Tân Lập (Phú Thọ), Xuyên Mộc (Bà Rịa –Vũng Tàu), Thanh Phong (Thanh Hóa), Bình Điền (Huế). Ngoài ra, còn tổ chức tập huấn về chương trình can thiệp, giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV cho CBCS Công an trên 39 tỉnh, thành: Hà Nội, Lào Cai, Điện Biên, Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh vv…

Theo Thiếu tướng Nguyễn Tiến Dẫn, Cục trưởng Cục Y tế (Bộ Công an), Dự án đã tổ chức tập huấn 25 lớp, cho 1.205 CBCS thuộc lực lượng cảnh sát hình sự, ma túy, quản lý hành chính, cơ động, bảo vệ, trại giam, trại tạm giam, các đơn vị liên quan.

Từ kết quả này, dự kiến, năm 2014, dự án sẽ tiếp tục thiết lập dịch vụ chăm sóc, điều trị và hỗ trợ HIV/AIDS toàn diện trong 18 trại giam với số ca được tư vấn và xét nghiệm HIV đầy đủ là 9.000 ca cùng 2.025 bệnh nhân AIDS được điều trị ARV. Các hoạt động được tiến hành tại các trại giam là duy trì dịch vụ chăm sóc, điều trị và hỗ trợ HIV/AIDS tại bệnh xá; cung cấp thuốc điều trị nhiễm trùng cơ hội, hỗ trợ chi phí xét nghiệm theo dõi cơ bản về chăm sóc, điều trị ARV; cung cấp thuốc ARV, xét nghiệm sàng lọc vv… Riêng trong thời gian còn lại của năm 2014, sẽ tổ chức các lớp tập huấn về can thiệp, giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV cho Công an tuyến tỉnh, huyện và các đơn vị liên quan; tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế 18 trại giam về điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng chất thay thế (Methadone).

Các đại biểu của các trại giam đã phản ánh nhiều vấn đề cần quan tâm: Nhiều trung tâm AIDS chưa có phòng xét nghiệm HIV, nên việc xét nghiệm của các trại giam còn bị động; nhiều đơn vị mới tiếp cận ARV nên gặp khó khăn trong xử lý điều trị vv… Tuy nhiên, với các hoạt động triển khai, nhận thức và hiệu quả về phòng, chống HIV/AIDS ở các đơn vị trong lực lượng Công an, nhất là trong các trại giam, đã được nâng lên, với cả CBCS Công an lẫn can, phạm nhân

Thanh Hằng
.
.