Ký cam kết phòng chống kháng thuốc
- WHO thực hiện chiến dịch chống kháng thuốc kháng sinh ở Việt Nam
- Bộ Y tế phát động “Tuần lễ chống kháng thuốc”
- Nguy cơ kháng thuốc kháng sinh trong điều trị
- Ký kết về phòng chống kháng thuốc tại Việt Nam
Theo PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, thì kháng thuốc hiện là vấn đề toàn cầu, đặc biệt nổi trội ở các nước đang phát triển. Mỗi năm, thế giới có hàng trăm ngàn người chết do kháng thuốc và phải chi hàng trăm tỷ USD cho kháng thuốc. Vì thế, kháng kháng sinh là một mối đe dọa nghiêm trọng, thách thức đối với điều trị trong tương lai. Việc sử dụng kháng sinh là hết sức cần thiết trong điều trị cho người bệnh. Tuy nhiên, nếu sử dụng kháng sinh không hợp lý, lạm dụng kháng sinh, điều trị kháng sinh khi không hợp lý, lạm dung kháng sinh vv…sẽ làm gia tăng tình trạng kháng thuốc. WHO đánh giá khu vực Tây Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam có mức độ kháng thuốc trầm trọng nhất thế giới.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến chỉ ra: Nguyên nhân của thực trạng này là do người dân chưa hiểu biết, coi việc tự chữa bệnh là bình thường, cán bộ y tế thì coi hậu quả của kháng thuốc không nghiêm trọng nên kê toa kiểu lạm dụng; nhà thuốc vì lợi nhuận nên sẵn sàng bán thuốc không cần toa, vì cũng không ai kiểm tra giám sát việc này.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, đây là 3 thành phần đối tượng quan trọng cần phải vận động để phòng chống kháng thuốc. Trong đó, thầy thuốc và cán bộ y tế dứt khoát phải chỉ định, kê đơn dùng thuốc kháng sinh khi cần thiết. Đối với bệnh nhân, cần phải tuyên truyền rộng rãi để người dân hiểu rằng phải sử dụng thuốc khi có đơn kê của bác sĩ, đặc biệt là dùng kháng sinh hợp lý, đúng chỉ định.
Với người bán thuốc, theo Luật Dược sửa đổi đang trình Quốc hội lần này, có quy định cấm mua, bán thuốc mà không có toa đơn thuốc của bác sĩ. Khi đó, các dược sĩ, nhân viên bán thuốc ở các hiệu thuốc phải bán thuốc theo đơn, nhất là các nhà thuốc đạt tiêu chuẩn GPP. Việt Nam hiện chưa hành động tích cực với hai đối tượng là người dân và người bán thuốc. Cụ thể, với người bán thuốc, cần phải có sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan kiểm tra, giám sát, thanh tra và xử phạt. Bộ trưởng đề nghị Cục Quản lý Khám, chữa bệnh và Cục Quản lý Dược phối hợp để ban hành Thông tư về kê đơn thuốc, bán thuốc theo đơn tại các quầy thuốc, đặc biệt là các nhà thuốc đạt tiêu chuẩn GPP.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chỉ ra các hệ lụy của việc kháng thuốc kháng sinh. |
PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cho biết tính nguy cấp của việc phòng chống kháng thuốc. |
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cùng ký cam kết phòng chống kháng thuốc kháng sinh. |
Lãnh đạo Bộ Y tế cùng cam kết phòng chống kháng thuốc. |
“Nếu chúng ta không đột phá làm một cuộc cách mạng, đến lúc nào đó, hơn 90 triệu người dân chúng ta không còn thuốc chữa bệnh.” – Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh.
Chính vì vậy, Bộ Y tế đã tổ chức ký cam kết sử dụng kháng sinh có trách nhiệm giữa lãnh đạo Bộ Y tế, đại diện Tổ chức WHO và các cục, vụ với nội dung: chỉ kê kháng sinh khi thực sự cần thiết; giáo dục cho người bệnh dùng thuốc đúng liều, thời gian và không chia nhỏ liều; kiểm soát nhiễm khuẩn tốt; giám sát tình hình tiêm chủng vv…
Bộ Y tế cũng đã ban hành kế hoạch hành động Quốc gia về chống kháng thuốc giai đoạn từ năm 2013-2020 gửi Chủ tịch UBND 63 tỉnh, thành và một số bộ ngành liên quan. Thông qua chương trình này, Bộ Y tế kêu gọi, mỗi người dân chỉ mua và sử dụng thuốc kháng sinh khi được bác sĩ khám bệnh, kê đơn và tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ; sử dụng kháng sinh trong trồng trọt, chăn nuôi theo đúng hướng dẫn; cán bộ y tế tuân thủ các hướng dẫn chuyên môn, sử dụng kháng sinh trong điều trị hợp lý và an toàn cho người bệnh.
Tại buổi lễ, các lãnh đạo Bộ Y tế đã cùng ký cam kết phòng chống kháng thuốc kháng sinh.
Sáng nay 20/11, Bộ Y tế sẽ tổ chức lễ mit tinh hưởng ứng Tuần lễ kháng kháng sinh tại Cung Văn hóa hữu nghị Việt – Xô, Hà Nội.