Khối u bị “từ chối” 10 năm và ca phẫu thuật ngoạn mục của thầy thuốc

Thứ Ba, 01/12/2015, 18:17
Hơn 10 năm nay, bà Tô Thuỳ Trang (48 tuổi, ngụ tại phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh) phải sống trong khổ sở vì mang trên ngực một khối u xương ức khổng lồ, choán toàn bộ vùng ngực, lan từ cằm xuống tới bụng.

Suốt thời gian dài, bà Trang đã đi tới nhiều BV, nhưng đều bị từ chối vì bác sĩ chưa có cách xử trí. Vì nếu bóc tách khối u, phải mổ hở, buộc phải tác động, xử lý vùng xương ức, nguy cơ rất lớn là hai động mạch nuôi bên trong xương ức vốn được ví như một “hồ máu” của cơ thể, vỡ ra thì bệnh nhân cũng sẽ đối diện cái chết.
Bệnh nhân Thuỳ Trang trước khi được phẫu thuật .

Giữa tháng 11-2015, khối u trên ngực bà Trang bỗng nhiên bục vỡ, chảy máu. Bà được đưa vào Chợ Rẫy cấp cứu trong tình trạng hoảng loạn của cả nhà vì tin rằng bà sẽ tử vong vì mất tới 3 lít máu. Ngày 22-11, các bác sĩ khoa Ngoại-lồng ngực mạch máu BV Chợ Rẫy quyết định phẫu thuật cho bệnh nhân, dù rằng ca mổ rất khó khăn, kinh nghiệm xử lý trường hợp như vậy là chưa từng có tại BV.

Bệnh nhân Trang sau khi được phẫu thuật, tạo hình xương ức bằng vật liệu thay thế titan.

Chia sẻ về ca mổ trên, ngày 1-12, TS-BS Vũ Hữu Vĩnh-Trưởng khoa Ngoại phẫu thuật lồng ngực - mạch máu B) Chợ Rẫy cho biết, khi tiếp nhận bệnh nhân (BN) Tô Thuỳ Trang, mang khối u xương ức khổng lồ mà chiều ngang nhô lên khỏi bề mặt ngực cao tới 30 cm, chiều ăn sâu vào bên trong vùng ức cũng cỡ như vậy, thì hầu hết các BS đều nghĩ rằng, mổ cho BN nhưng đảm bảo sống hay không thì không ai dám chắc. Vì xử lý một khối u xương ức nhỏ bằng quả chanh thôi đã là một thách thức.

Bệnh nhân Trang đã được đưa vào phẫu thuật ngày 22-11. Sau 5h căng thẳng, ê kíp mổ do TS-BS Vũ Hữu Vĩnh đứng chính, đã thành công trọn vẹn. Đặc biệt, chỉ sau 1 tuần, BN đã hồi phục nhanh chóng, ngoài sức mong đợi của các BS.

Bệnh nhân đã hồi phục sức khoẻ nhanh chóng sau 1 tuần phẫu thuật.

Nhờ có “chiến lược” nghiên cứu kỹ và chuẩn bị chu đáo nên khi mổ, BN chỉ mất một lượng máu bằng 1/10 so với lượng máu đã chuẩn bị trước đó là 30 đơn vị máu. Đồng thời chiến lược tác động từ bên trong trước bằng cách làm bít các mạch máu nuôi, tạo khung xương ức bằng titan, khối u đã được bóc tách trọn và triệt để.

Cũng theo TS-BS Vĩnh, vật liệu titan là vật liệu thay thế, tương thích với cơ thể, không gây tích điện, và chống ăn mòn rất tốt nên có thể “sống” suốt đời trong cơ thể BN.Với trường hợp BN Trang, các BS đã sử dụng 2 miếng titan có diện tích 20X15cm/miếng để tạo hình xương ức cho BN, rồi dùng vạt da 2 bên ngực che vùng xương ức sau mổ nên vẫn đảm bảo yêu cầu thẩm mỹ. Sau mổ được 3 ngày, BN đã ăn uống được và hồi phục sức khoẻ rất nhanh chóng.

Có mặt tại BV Chợ Rẫy vào ngày 1-12, em Nguyễn Ngọc Quỳnh

TS-BS Vũ Hữu Vĩnh phân tích về ca mổ cho bệnh nhân.
Như, con gái chị Trang nói trong xúc động: Mẹ em có khối u lúc đầu nằm phía ngực trái, chỉ nhỏ như quả chanh, đi khám được chẩn đoán là u mỡ, lành tính. Sau đó 3 năm trở lại đây, khối u phát triển rất nhanh. Tới tháng 11 vừa rồi thì tự nhiên vỡ, máu chảy ra ồ ạt, gia đình em đều nghĩ mẹ không qua được, nhờ có các bác sĩ Chợ Rẫy tận tình mà mẹ em đã được cứu sống, gia đình em vẫn còn mẹ”.

TS-BS Vĩnh cũng nhận định, cứu sống được trường hợp BN Tô Thuỳ Trang được coi là trường hợp đầu tiên không chỉ của Việt Nam mà thậm chí của cả khu vực Đông Nam Á trong việc xử lý, bóc tách khối u xương ức khổng lồ như vậy...

Theo phân tích của TS-BS Vĩnh: Xương ức con người là một khối xương duy nhất của cơ thể cũng như các cơ quan nội tạng, khi đã mất đi thì không dễ thay thế được. Nhiều BV trước ngần ngại chưa mổ cho BN cũng vì lo ngại khó cứu trong cuộc mổ. BN Trang bị khối u chèn ép toàn bộ vùng tim, phổi nếu phẫu thuật bằng cách thông thường (mổ hở từ ngoài vào), buộc phải bóc tách khối u, đưa cả khối tim ra …thì vô cùng nguy hiểm.

Tuy nhiên đối diện một ca khó như vậy, các BS trong khoa  đã lên kế hoạch phẫu thuật có thể nói là “đột phá” từ trước tới nay. Trong đó, nếu cắt toàn bộ vùng xương ức cho BN để lấy khối u ra, sẽ phải đối diện 2 tình huống rất nguy hiểm: 2 mạch máu nuôi bên trong lớn bị tác động có nguy cơ gây tình trạng máu chảy ào ạt, BN sẽ tử vong ngay trên bàn mổ . Do đó ê kíp đã thực hiện “bít” dòng chảy của các mạch máu nuôi xương ức này lại. Bằng cách nội soi, bơm chất gây tắc vào động mạch vú trong. Tình huống nữa, khi mổ, cắt xương ức đi, mất lồng ngực sẽ không còn tạo được áp lực âm, BN không thể hô hấp. Do đó, phải dùng vật liệu thay thế là dung lưới titan tạo hình, thay thế cho xương ức, giữ thành ngực lại, có được độ kín để BN tự thở sau mổ bình thường. 

Huyền Nga
.
.
.