Kháng thuốc ở Việt Nam ngày càng nghiêm trọng

Thứ Ba, 01/11/2016, 20:27
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xếp Việt Nam vào danh sách các nước có tỷ lệ kháng thuốc kháng sinh cao nhất thế giới. Chính vì thế, ngành y tế hiện đang phải đối mặt với tốc độ lan truyền của các loại vi khuẩn có khả năng kháng lại nhiều loại kháng sinh ở mức độ ngày càng nặng nề.


Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống kháng thuốc, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến nhấn mạnh rằng, việc kháng thuốc ảnh hưởng rất lớn đến kết quả điều trị, nên đang trở thành thách thức rất lớn của ngành y tế. Càng để kháng thuốc kéo dài thì vấn đề càng nghiêm trọng. Đặc biệt, hậu quả của bệnh lao kháng thuốc rất nặng nề.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết việc kháng thuốc ảnh hưởng
 đến kết quả điều trị

Nguyên nhân của việc kháng thuốc hiện nay, nhất là kháng thuốc kháng sinh, là do việc sử dụng tùy tiện và lạm dụng thuốc. Nhiều người khi bị các bệnh thông thường, vẫn tự mua thuốc kháng sinh tại các hiệu thuốc gần nhà để điều trị, do ngại đến cơ sở y tế phải chờ đợi lâu. 

Không chỉ tự kê đơn và tự điều trị cho bản thân, nhiều người còn “chữa bệnh” cho cả gia đình dù không có kiến thức gì về y học. Nếu thấy bệnh thuyên giảm chậm, họ tiếp tục mua thuốc tăng liều về điều trị, không cần biết có đúng bệnh không. Chỉ khi bệnh đã nặng, mới chịu khi khám ở cơ sở y tế.  

Tại một hội nghị khoa học truyền nhiễm toàn quốc mới đây, một kết quả nghiên cứu được đưa ra đã gây sự chú ý: Hầu hết các nhà thuốc tư ở Hà Nội đều bán các kháng sinh không có đơn, cho cả những bệnh không cần điều trị bằng kháng sinh, phản ánh tình trạng sử dụng kháng sinh không hợp lý rất phổ biến trong cộng đồng.

Ths. Cao Hưng Thái, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh báo cáo thực trạng kháng thuốc 

Một khảo sát của Bộ Y tế ở gần 3.000 nhà thuốc cũng cho thấy, có tới 90% số người mua thuốc kháng sinh không theo chỉ định của bác sĩ. Ampicillin, ammoxicilin, cephalexin và azithromycin là những loại kháng sinh được bán nhiều nhất mà không kê đơn, thường được kết hợp với các loại thuốc khác như thuốc giảm đau, cảm và ho, vitamin, thuốc y học cổ truyền… 

Trong khi đó, nhiều loại thuốc kháng sinh nếu không được sử dụng đúng bệnh sẽ gây nên sốc thuốc, biến chứng và về lâu dài là kháng thuốc. Đặc biệt, tỉ lệ khách hàng ở thành thị yêu cầu mua thuốc kháng sinh không có đơn cao hơn cả ở nông thôn. 

Theo các nhà chuyên môn, các nhà thuốc tư khuyến khích việc bán kháng sinh không cần đơn là bởi lợi nhuận từ thuốc kháng sinh rất lớn. Điều này cũng cho thấy, việc tuân thủ qui chế kê đơn của các nhà thuốc không dễ kiểm soát. Thực tế này đặt ra cho các nhà chuyên môn và quản lý phải có các biện pháp can thiệp hiệu quả nhằm giảm thiểu việc lạm dụng kháng sinh và sử dụng kháng sinh không hợp lý. 

Theo Ths. Cao Hưng Thái, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế),  giờ đây, việc lạm dụng thuốc không chỉ ở người mà còn ở cả động vật. Việc kiểm tra các sản phẩm chăn nuôi khi xuất khẩu cho thấy dư lượng thuốc kháng sinh đã cho thấy rõ. Do đó, việc phòng chống kháng thuốc đòi hỏi không chỉ ngành y tế, mà phải có sự phối hợp của nhiều ngành.

Chính vì thế, Bộ Y tế vừa thành lập Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống kháng thuốc giai đoạn 2016 -2020, với sự tham gia của lãnh đạo Bộ Y tế, Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên-Môi trường và các cục, vụ liên quan. Bộ Y tế cũng đưa ra kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống kháng thuốc với việc triển khai các nội dung trong Văn bản thỏa thuận đa ngành về cam kết phòng, chống kháng thuốc.

Theo đó, Bộ Y tế sẽ điều tiết việc phân phối, đặc biệt đối với việc phân phối thuốc kháng lao, kháng sốt rét và kháng retro virus (ARVs) và kháng sinh là những thuốc được xem có nguy cơ cao gây ra kháng thuốc, bao gồm cả những thuốc mới lưu thông trên thị trường. Tuân thủ chặt chẽ các hướng dẫn điều trị và nâng cao năng lực của các cán bộ y tế; xây dựng mạng lưới giám sát quốc gia nhằm theo dõi việc kháng thuốc ở người.

Kháng thuốc kháng sinh khiến việc điều trị gặp nhiều khó khăn  

Bộ Y tế cũng đã ban hành qui định, chức năng, nhiệm vụ của mạng lưới giám sát vi khuẩn kháng thuốc trong các bệnh viện, nhằm ước tính mức độ và gánh nặng của kháng thuốc quốc gia; phát hiện và theo dõi vi khuẩn kháng thuốc mới nổi và nguy cơ lan rộng...


Thanh Hằng
.
.
.