Hội thảo "Phòng và điều trị bệnh lý đái tháo đường type 2"

Thứ Năm, 07/12/2017, 18:53
Ngày 7-12, Bộ Y tế phối hợp với Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) MEDLATEC tổ chức hội thảo "Phòng và điều trị bệnh lý đái tháo đường type 2" tại Hà Nội.


Theo thống kê, năm 2015, trên thế giới có 415 triệu người mắc đái tháo đường, trong đó có 90% là ĐTĐ type 2. ĐTĐ làm tăng gấp đôi nguy cơ tử vong sớm. Từ 2012-2015, mỗi năm có 1,5-5,0 triệu ca tử vong do các biến chứng của ĐTĐ. Chi phí điều trị đái tháo đường trên thế giới năm 2014 lên đến 612 tỷ USD.

Trong báo cáo “Vai trò của các dấu ấn sinh học trong chẩn đoán sớm và tiên lượng đái tháo đường (ĐTĐ) type 2”, PGS.TS Nguyễn Nghiêm Luật - nguyên Trưởng khoa Hóa sinh - Đại học Y Hà Nội, cố vấn chuyên môn BVĐK MEDLATEC cho biết, ĐTĐ type 2 là bệnh mạn tính được cả xã hội quan tâm hiện nay, bởi có liên quan chặt chẽ tới chế độ ăn uống nhiều đạm, ít chất xơ, lười vận động,… 

Tỉ lệ gặp ở nam và nữ như nhau. Là bệnh lý mạn tính nếu không được điều trị, ĐTĐ có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như bệnh cơ tim, bệnh thận, thần kinh, mắt, loét chân… Vì vậy, tránh những biến chứng gây ra, nên đi kiểm tra định kỳ để kiểm soát đường huyết tốt nhất, cũng như được bác sĩ tư vấn thuốc điều trị và dinh dưỡng phù hợp.

Theo PGS. Luật, để chẩn đoán ĐTĐ type 2 cần dựa trên các tiêu chuẩn về dấu ấn sinh học gồm Glucose 2 giờ, Glucose lúc đói, HbA1c và các triệu chứng lâm sàng. Nếu nghi ngờ, cần tìm thêm các tự kháng thể để khẳng định ĐTĐ type 1 và mức C-peptide để khẳng định ĐTĐ type 2: mức C-peptide là bình thường hoặc cao trong ĐTĐ type 2 nhưng thấp trong ĐTĐ type 1.

Theo PGS Luật, có thể đánh giá nguy cơ tiến triển ĐTĐ type 2 bằng tình trạng tiền ĐTĐ -là trạng thái tăng glucose máu nhẹ hơn ĐTĐ, trong mức độ của “giảm dung nạp glucose khi đói” (IFG) và “giảm dung nạp glucose” (IGT). Hiện có trên 70% số người bị tiền ĐTĐ có thể tiến triển thành ĐTĐ type 2 và có thể gây các biến chứng vi mạch như các bệnh võng mạc, thận, thần kinh và bệnh cơ tim. Nguy cơ tiến triển từ tiền ĐTĐ thành ĐTĐ type 2 là 5-10%/ năm, trong khi nguy cơ này ở người bình thường chỉ là 0,7%/ năm.

Trong các biến chứng của ĐTĐ thì bệnh tim mạch, bệnh thận là một trong những biến chứng nguy hiểm và thường gặp nhất. Vì thế, hội nghị đã cập nhật các dấu ấn sinh học có giá trị phát hiện sớm bệnh mạch vành, bệnh thận.

TS. Nguyễn Văn Tiến - nguyên Giám đốc BV Nội tiết Trung ương, cố vấn chuyên môn BVĐK MEDLATEC mang đến “Nghiên cứu chức năng tế bào B(%B), độ nhạy Isulin (%s) và sự kháng Isulin (Homa2-IR) ở các đối tượng có các yếu tố nguy cơ đối với hội chứng chuyển hóa”. Theo đó, tương tự như bệnh ĐTĐ, Hội chứng chuyển hóa (HCCH) là vấn đề sức khỏe được cộng đồng quan tâm, trong đó có Việt Nam. 

HCCH là hội chứng kháng insulin, để chỉ các đối tượng nguy cơ cao bị tim mạch và ĐTĐ. Bệnh chiếm khoảng 20-30% dân số thế giới nên là mối đe dọa sức khỏe của nhiều người dân, đặc biệt người cao tuổi. Vì vậy, người dân cần được phát hiện sớm, tư vấn, ngăn ngừa các yếu tố nguy cơ (YTNC) để điều trị hiệu quả bệnh ĐTĐ và tim mạch khác.

TS. Nguyễn Văn Tiến cũng chia sẻ mô hình đánh giá tình trạng kháng insulin trong HCCH, tình trạng và hiệu quả của các phương pháp can thiệp cải thiện tình trạng các YTNC gây HCCH - mô hình HOMA (Homeostatic Model Assessment). Đây cũng là mục tiêu của đề tài đã được nghiên cứu với 384 trường hợp không mắc bệnh cấp tính và ĐTĐ  điều trị insulin đến khám tại BVĐK MEDLATEC từ năm 2015-2016.

TS. Tiến cho biết, các chỉ số HOMA ở các đối tượng có ĐTĐ và các YTNC khác gây HCCH sẽ giúp khám cho đối tượng có dấu hiệu các YTNC cần đánh giá cụ thể tình trạng của HCCH. Ngoài xét nghiệm cơ bản hóa sinh, khi có tăng đường máu cần làm insulin và Peptid-C và tính HOMA để đánh giá chức năng tế bào β, độ nhậy và kháng insulin, nhằm xác định tình trạng bệnh và phối hợp với các kết quả xét nghiệm khác để có hướng tư vấn, theo dõi và đặc biệt việc sử dụng các loại thuốc trong điều trị ĐTĐ.

Thanh Hằng
.
.
.