Sốt xuất huyết tăng đột biến ở Tây Nguyên

Thứ Sáu, 12/07/2019, 07:56
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng các tỉnh Tây Nguyên, số ca mắc bệnh sốt xuất huyết đã tăng đột biến. Điển hình như tại địa bàn tỉnh Đắk Lắk, đến nay toàn tỉnh đã có 152 ổ dịch trên cả 15 huyện, thị xã, thành phố với hơn 3.500 ca (trong đó riêng tháng 6 là 3.200 ca), tăng hơn 7 lần so với cùng kỳ năm 2018. Số ca bệnh tập trung nhiều tại địa bàn TP Buôn Ma Thuột (trên 1.300 ca) và các huyện Buôn Đôn (trên 450 ca), Krông Năng (430 ca), Krông Búk (290 ca), Cư Mgar (gần 260 ca), Krông Ana (trên 240 ca)…


Tại địa bàn tỉnh Đắk Nông, tính đến đầu tháng 7-2019, đã ghi nhận hơn 1.300 ca mắc sốt xuất huyết tại tất cả 8 huyện, thị xã. Tuy không có trường hợp tử vong, song so với cùng kỳ năm 2018, số ca mắc tăng 11,3 lần.

Theo bác sĩ Phạm Văn Lào, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đắk Lắk cho biết, năm 2019 là đúng vào thời điểm chu kỳ 4 năm một lần dịch sốt xuất huyết sẽ bùng phát lại, cộ#ng với thời tiết mưa nhiều đến sớm nên phát sinh dịch bệnh nhanh. Một điều nguy hiểm là dù chưa ghi nhận ca tử vong do sốt xuất huyết nhưng các ca mắc bệnh nặng ở tuýp Dengue 3,4 là rất nhiều.

Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh.

Theo ghi nhận của phóng viên tại các bệnh viện trên địa bàn TP Buôn Ma Thuột và các huyện, số bệnh nhân vào điều trị tăng đột biến. Tại Khoa Nội Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh, TP Buôn Ma Thuột, hiện bệnh viện này mỗi ngày tiếp nhận khoảng 80 bệ#nh nhân mắc sốt xuất huyết (tăng gấp 7 lần so với năm 2018). Tính từ đầu tháng 6-2019 đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận, điều trị, khám cho gần 500 ca.

Bác sĩ Nguyễn Danh Toàn, Trưởng khoa Nội, Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh cho biết, bệnh sốt xuất huyết cũng phát sinh do muỗi nên cách phòng ngừa tốt nhất là ngăn chặn bằng cách “không có loăng quăng, bọ gậy thì không có sốt xuất xuất huyết”.

Trước tình hình bệnh sốt xuất huyết gia tăng, diễn biến phức tạp, UBND tỉnh Đắk Nông chỉ đạo khẩn đến chính quyền các cấp phối hợp với ngành Y tế, thành lập, kiện toàn đội xung kích, diệt lăng quăng, bọ gậy tại các thôn, bản, buôn… Tăng cường các biện pháp vệ sinh môi trường cũng như đẩy mạnh các giải pháp phòng chống dịch.

Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), tính đến ngày 30-6, cả nước ghi nhận 87.806 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 6 trường hợp tử vong tại Bình Phước, Bình Thuận, Khánh Hòa, Quảng Bình, Tiền Giang, TP Hồ Chí Minh. So với cùng kỳ năm 2018, số ca mắc sốt xuất huyết tăng 3,1 lần.

Trước báo động dịch sốt xuất huyết gia tăng, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh Bộ Y tế ký công văn khẩn yêu cầu Giám đốc các Bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế; Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Thủ trưởng y tế các bộ, ngành tư vấn, giải thích cho người bệnh hiểu để an tâm điều trị đúng tuyến, hạn chế quá tải các tuyến, cố gắng sắp xếp không để người bệnh nằm ghép. Tăng cường việc theo dõi người bệnh sốt xuất huyết Dengue (SXHD) tại cơ sở khám, chữa bệnh trong các ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ cuối tuần để phát hiện, điều trị kịp thời các ca bệnh SXHD có diễn biến nặng lên.

Tăng cường củng cố và duy trì hoạt động của “Nhóm điều trị SXHD” và “Đường dây điện thoại nóng phòng, chống dịch SXHD” tại các đơn vị khám, chữa bệnh. Bảo đảm đáp ứng đầy đủ các phương tiện, trang thiết bị, thuốc, dịch truyền, máu và các chế phẩm của máu, các lưu đồ xử trí để cấp cứu người bệnh, đặc biệt là dung dịch cao phân tử để chống sốc phải là HES 200 6% (trọng lượng phân tử 200.000 dalton).

 Thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, phun, diệt muỗi, phòng muỗi đốt cho người bệnh, người nhà người bệnh và nghiêm túc thực hiện việc báo cáo dịch.

V.Thành - Tr.Hằng
.
.
.