Hai ca bệnh thoát chết thần kì tại Bệnh viện Trưng Vương

Thứ Ba, 05/06/2018, 16:47

Hai trường hợp bệnh nhân được coi là thoát chết trong gang tấc  đã được cứu sống tại Bệnh viện (BV) Trưng Vương TP Hồ Chí Minh. Thông tin được BV cung cấp vào ngày 5-6.


Thuyên tắc phổi suýt chết sau tai nạn chấn thương phải nằm lâu

Ca bệnh đầu tiên được coi là điển hình, cần cảnh báo tới cộng đồng về nguy cơ nguy hiểm của bệnh thuyên tắc phổi mà nguyên nhân từ việc chấn thương cơ thể phải nằm lâu. Đó là trường hợp nam bệnh nhân (30 tuổi, ngụ Q. Tân Bình, TP.HCM). 

Trước đó, suốt 3 tháng bệnh nhân này đi nhiều BV mà không tìm được nguyên nhân của hàng loạt các triệu chứng như: suy hô hấp, bứt rứt, tím môi và tím các đầu chi, dù trước đó sau khi bị TNGT, bệnh nhân đã được xử trí vết thương, điều trị nội khoa.

Bệnh nhân nam quận Tân Bình bị thuyên tắc phổi đã được can thiệp, trị đúng bệnh sau 3 tháng trời ròng rã đi nhiều nơi.

Bệnh nhân trên khi nhập Khoa cấp cứu BV Trưng Vương đã trong tình trạng tím môi, suy hô hấp nguy kịch. Kiểm tra phát hiện nồng độ oxy trong máu của bệnh nhân giảm dữ dội, gây thiếu oxy cấp. Các bác sĩ lập tức cho thở oxy tối đa và hồi sức cấp cứu.

Bệnh nhân - Dược sĩ đã thoát chết một cách thần kì sau nỗ lực của các bác sĩ với 7 lần sốc điện.

BS Nguyễn Thị Phương Lan, Trưởng khoa Cấp cứu BV Trưng Vương cho biết: "Lúc đầu chúng tôi nghi bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp, nhưng kết quả điện tâm đồ hoàn toàn loại bỏ việc này. Được biết, trước đó 2 tuần bệnh nhân bị TNGT, khi té xe máy bị đập đùi chân trái xuống đường và bị gãy mâm chày, được điều trị nội khoa sau đó được xuất viện về nhà. Nhưng, 4 ngày sau bắp chân bệnh nhân có dấu hiệu sưng, căng, bệnh nhân bị khó thở, đau ngực và đã đi khám ròng rã tại một số BV nhưng đều chỉ được tập trung điều trị chấn thương".

Theo bác sĩ Phương Lan, các BS Trưng Vương tiến hành hội chẩn ngay trong đêm cho bệnh nhân khi nhập viện và nghĩ tới hướng có thể bệnh nhân bị "thuyên tắc phổi" sau tai nạn. Trong đó căn cứ vào yếu tố: bệnh nhân có thời gian phải bất động trên 3 ngày. Khi cho bệnh nhân chụp CT, các bác sĩ đã tìm ra manh mối, đó là xuất hiện tình trạng máu đông đầy ứ cả hai bên động mạch phổi của bệnh nhân, gây tắc toàn bộ động mạch, tĩnh mạch, mạch kheo, kể cả mạch máu dẫn đến các chi.

Bệnh nhân được chỉ định tiêu sợi huyết bằng đường tĩnh mạch và đã đáp ứng phác đồ điều trị, sau 4 tiếng thì giảm tức ngực và sau 48 tiếng thì huyết khối đã tan hoàn toàn. Bệnh nhân tiếp tục được trị liệu thuốc kháng đông và ngừa thuyên tắc mới. Ngày 5-6, bệnh nhân đã hoàn toàn bình phục và chuẩn bị xuất viện.

Theo các BS, thuyên tắc phổi là một tổ hợp các nguy cơ, nếu bệnh nhân chủ quan và các bác sĩ không chú ý kỹ bệnh nhân thì nguy cơ tử vong là rất cao. Nhiều người bị chấn thương thường bỏ qua những dấu hiệu nhỏ vì cho rằng, hiện tượng chỉ là nhất thời. Tuy nhiên có tới 70% những người bị chấn thương nằm bất động có nguy cơ bị thuyên tắc phổi.

Đột ngột nhồi máu cơ tim sau cơn tức ngực, khó thở

Cùng ngày, BV Trưng Vương cũng thông tin, một bệnh nhân bị ngưng tim ngưng thở hơn 1 tiếng do nhồi máu cơ tim đã được "hồi sinh" cứu sống một cách thần kì tại đây.

Bệnh nhân là một Dược sĩ (45 tuổi, ngụ tại quận 10, TP.HCM) cho biết, trước khi nhập viện, ông cảm thấy khó thở, tức ngực nên đi BV khám. Tuy nhiên, khi gần đến BV thì các triệu chứng trên không còn nữa nên đã đi về nhà, nhưng khi vừa về đến nhà thì các triệu chứng trên lại xảy ra và ông quyết định quay lại BV thăm khám. Tuy nhiên, khi được đưa trở lại BV thì người đàn ông đã ngất xỉu, ngưng tim, ngưng thở khoảng 1 tiếng. 

BS Nguyễn Thiên Bình, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực BV Trưng Vương cho biết, khi ấy tình trạng bệnh nhân rất nguy kịch: Suy đa cơ quan, tổn thương nặng gan, thận, não và hệ thống tuần hoàn. Các bác sĩ đã thực hiện hồi sức cho bệnh nhân, ấn tim, sốc điện và dùng mọi biện pháp cấp cứu tim, theo hướng "còn nước còn tát". Đặc biệt họ đã dùng rất nhiều “thuốc hồi sinh" (thuốc trợ tim) cho bệnh nhân. Các bác sĩ cũng đã mất hơn 1 h đồng hồ hồi sức tích cực cho bệnh nhân, áp dụng 7 lần sốc điện, quả tim của người bệnh mới có nhịp đập trở lại.

Ngay sau đó, bác sĩ Khoa Tim mạch đã lập tức phẫu thuật tái thông động mạch. Ca mổ thành công. Nhưng, bệnh nhân vẫn lâm vào tình trạng suy gan, thận, não, tuần hoàn do ngưng tim, ngưng thở quá lâu nên phải dùng mọi biện pháp tiên tiến nhất để cứu chữa. Hiện, bệnh nhân đã được cứu sống, sinh hiệu tạm ổn định.

Huyền Nga
.
.
.