Cứu sống một nam thanh niên bị vỡ động mạch chủ do TNGT

Thứ Ba, 05/06/2018, 11:29
Ngày 5-6, Bệnh viện Đại học Y Dược (BV ĐHYD) TP Hồ Chí Minh cho biết vừa cứu chữa thành công ca bệnh vỡ động mạch chủ sau TNGT. Người bệnh là anh T.T.M., 31 tuổi, ngụ tại tỉnh Cà Mau. Trên đường đi làm bằng xe máy, anh bị TNGT nghiêm trọng. 


Bác sỹ Trần Thanh Vỹ đang thăm khám cho bệnh nhân

Sau khi được sơ cứu tại địa phương, anh M. được chuyển ngay đến BV ĐHYD trong tình trạng nguy kịch. Tại đây, kết quả chụp CT-Scan phát hiện eo động mạch chủ bị rách và tụ máu nhiều vùng trung thất. Các bác sĩ khoa Lồng ngực Mạch máu BV ĐHYD tiến hành mổ cấp cứu cho anh.

ThS BS. Lê Quang Đình – Khoa Lồng ngực Mạch máu BV ĐHYD, bác sĩ trong êkip mổ cho biết đây là tình huống “ngàn cân treo sợi tóc”, nếu không phẫu thuật khẩn thì có hy vọng cứu sống người bệnh. Trường hợp của anh M., cơ hội cứu được bằng phương pháp mở ngực khống chế này là cực kỳ thấp, do phẫu thuật lớn, mất máu nhiều thêm và có nhiều biến chứng sau phẫu thuật. 

Do vậy, êkip quyết định chọn phương pháp còn lại - can thiệp động mạch chủ cấp cứu. Ưu điểm của phương pháp này là phẫu thuật ít xâm lấn, tiếp cận qua động mạch đùi để đưa stent có lớp phủ ngoài che vị trí vỡ động mạch chủ. Sau phẫu thuật một ngày, người bệnh đã có thể tự đi lại, diễn tiến thuận lợi và xuất viện sau một tuần.

ThS BS.Trần Thanh Vỹ - Trưởng khoa Lồng ngực Mạch máu BV ĐHYD cho biết, theo Y văn thế giới, các trường hợp vỡ động mạch chủ do tai nạn, nếu kịp vào viện thì có đến 30% trường hợp tử vong trong 6 giờ đầu nhập viện, 50% trường hợp tiếp theo tử vong trong 24 giờ. 

Sau 4 tháng, các trường hợp chẩn đoán sót còn lại sẽ tử vong do vỡ động mạch chủ thứ phát. Sự may mắn của anh M. là nhờ tình trạng xuất huyết được giới hạn bởi khối máu đông bít chỗ rách động mạch chủ.

"Để tránh tai nạn nguy hiểm xảy ra, người dân cần lưu thông an toàn, sử dụng dây an toàn trên ô tô, đội nón bảo hiểm khi di chuyển bằng xe máy. Và khi xảy ra tai nạn, phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được sơ cứu và chuyển lên tuyến trên điều trị khi cần thiết”, bác sĩ Trần Thanh Vỹ lưu ý thêm.

Vỡ động mạch chủ có thể xảy ra do bệnh lý phình mạch máu, xơ vữa hoặc tác động chấn thương. Tỷ lệ tử vong tại hiện trường do vỡ động mạch chủ chiếm 15% trên tỷ lệ khám nghiệm pháp y. Cơ chế vỡ động mạch chủ chấn thương là do gia tốc cao tác động giằng xé tại eo động mạch chủ (có dây chằng cố định) với đoạn quai động mạch chủ (di động).

Thái Bình
.
.
.