Hà Nội rót hầu bao 20 tỷ đồng nhưng sốt xuất huyết vẫn tăng vọt

Chủ Nhật, 15/11/2015, 17:56
Tính đến nay, dịch sốt xuất huyết (SXH) đã lan tới 54/63 tỉnh, thành với hơn 53.000 người, trong đó, đã có 34 trường hợp tử vong. Như vậy, trong một tháng quam đã có thêm hơn 10.000 người bị mắc và số tử vong cũng đã tăng hơn 10 người.

Các điểm nóng về dịch SXH là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Bình Dương. Ở phía Nam, người lớn và trẻ em mắc SXH là ngang nhau, thì ở Hà Nội chiếm 80% số mắc là người lớn.

Ở Hà Nội năm nay, số ca mắc bệnh SXH có chiều hướng tăng gấp 3 đến 4 lần so với năm 2014. Theo thống kê chưa đầy đủ, số người mắc SXH khoảng hơn 4.000 người trong đó rất nhiều người đã phải vào điều trị tại BV Bạch Mai, BV Xanh Pôn, BV các bệnh nhiệt đới Trung ương.

Là khu vực đông dân cư, nên dịch bệnh SXH diễn ra cũng khó tránh. Nhưng có một vấn đề đặt ra là: Hà Nội là địa phương có công tác ứng phó với dịch SXH rất quyết liệt từ đầu, UBND TP Hà Nội cũng đầu tư nguồn kinh phí không hề nhỏ với khoảng 20 tỷ đồng, lực lượng tham gia đông đảo với nhiều hoạt động đa dạng, nhưng dịch SXH vẫn gia tăng trên địa bàn?

TS. Nguyễn Khắc Hiền trực tiếp kiểm tra việc phòng, chống dịch SXH tại nhà dân.

Ngành y tế Hà Nội đã tổ chức hàng loạt chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy và phun hóa chất diện rộng tại những vùng có dịch và các vùng có nguy cơ cao. Các đoàn kiểm tra cũng được tăng cường ở các quận, huyện, đặc biệt là các khu vực trọng điểm về dịch SXH như Hoàng Mai, Thanh Trì, Hai Bà Trưng, Hà Đông, Đống Đa. Trung tâm Y tế dự phòng TP Hà Nội bố trí 5 đội chống dịch cơ động hỗ trợ các quận, huyện điều tra, giám sát, khoanh vùng và xử lý ổ dịch.

Đã có khoảng 1.000 chiến dịch vệ sinh môi trường do cán bộ y tế TP Hà Nội triển khai để phòng, chống dịch, cùng 70 chiến dịch phun hóa chất diệt muỗi tại khu vực có dịch và vùng nguy cơ cao cho khoảng 200.000 hộ gia đình. Trước dịp lễ 2/9, Hà Nội đã có một chiến dịch phun hóa chất diệt muỗi trên diện rất rộng.  

Người dân phải điều trị do SXH.

Có một thực tế là khá nhiều người dân thủ đô còn thờ ơ với việc dập dịch, khi không cho cán bộ y tế phun hóa chất diệt muỗi, dù gia đình có người bị SXH phải cấp cứu tại bệnh viện. Tuy nhiên, có một nguyên nhân, mà theo chúng tô, là rất quan trọng khiến  dịch bệnh ở Hà Nội cứ “lai rai”, mà đáng ra, có thể “khoanh vùng” được sớm hơn.

Theo chị Lê Ngọc Yến (Khu chung cư số 1, ngách 18, ngõ 193, phố Khương Thượng, quận Đống Đa): Cách đây 2 tuần, gần nhà chúng tôi đã có người bị SXH. Nhân viên y tế đã đến phun thuốc diệt muỗi ở khu chung cư nhưng lại chỉ phun ở hành lang và các ngóc ngách chung cư, từ tầng 1 lên tầng 8, không phun trong từng nhà. Sau đợt phun, chung cư vẫn nhiều muỗi và nhiều người tiếp tục bị mắc SXH. Nghịch lý là sau đợt phun khoảng 15 ngày, chung cư lại trở thành ổ dịch.

Trong một cuộc họp về chống dịch, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long từng chỉ ra tình trạng “trên nóng dưới lạnh” và rõ ràng, cách phòng, chống dịch SXH tại một số địa bàn ở Hà Nội cũng cho thấy điều đó. Mặc dù UBND TP và Sở Y tế Hà Nội rất rốt ráo chống dịch, nhưng với cách làm của nhân viên y tế cơ sở như trên, sẽ không thể hiệu quả, thậm chí còn khiến mọi cố gắng, tiền của đổ xuống sông xuống bể. Thậm chí, phun thuốc kiểu đó chỉ làm nhờn muỗi và làm cho việc chống dịch càng khó khăn hơn!?.

Thanh Hằng
.
.
.