Giảm các thủ tục khám, chữa bệnh để thuận lợi cho người dân

Thứ Tư, 23/12/2015, 17:44
“Một bệnh nhân ra viện chờ thanh toán phải cần tới 12 chữ ký là quá phiền hà. Hãy đặt mình vào vị trí người bệnh để thấu hiểu và để có những cải cách mạnh mẽ hơn nữa thủ tục khám, chữa bệnh (KCB). Các Sở Y tế cần xem lại cách cấp giấy phép, chứng nhận hành nghề vì người dân kêu ca nhiều, nhất là ở TP Hồ Chí Minh” - Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã phát biểu tại hội nghị tổng kết công tác cải cách hành chính (CCHC) của ngành y tế ngày 23-12. 

Nhìn thẳng vào thực trạng để thay đổi, nhất là CCHC tại hệ thống bệnh viện (BV), là một vấn đề trọng tâm để nâng cao chất lượng KCB phục vụ người bệnh tốt hơn, là quan điểm của ngành y tế. Bởi lâu nay, nhiều BV vẫn diễn ra cảnh người bệnh phải chen lấn ở khu vực khám bệnh, thời gian chờ khám bệnh kéo dài 6 - 8 tiếng, thậm chí hết cả ngày, nhưng lại không biết khi nào đến lượt; những bệnh đơn thuần không yêu cầu nhiều xét nghiệm hiện đại cũng mất cả buổi. 

Tình trạng này đã trở thành trầm trọng, dẫn đến nhiều hậu quả trong công tác an ninh BV, “cò” BV, ảnh hưởng tới sự hợp tác giữa người bệnh và thầy thuốc, đặc biệt làm ảnh hưởng tới chất lượng dịch vụ KCB.

Nhiều BV đã có bộ phận hướng dẫn người bệnh đến khám.

Theo PGS.TS.Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý KCB, nguyên nhân cơ bản của tình trạng chờ đợi kéo dài là do ở Khoa khám bệnh chưa có tính liên hoàn giữa các bộ phận tiếp đón, khám bệnh, lấy bệnh phẩm xét nghiệm, thăm dò chức năng và chẩn đoán hình ảnh, khi còn đặt xa phòng khám của bác sĩ, hoặc cách xa nhau; thiếu phòng khám dự trữ khi số người bệnh đến quá đông. Không có hoặc không đủ ghế ngồi chờ tại khu vực chờ khám và làm xét nghiệm, không có loa thông báo hoặc bảng hiện số thứ tự tại các phòng chờ; chưa có máy pho-to đặt sẵn tại BV. Bên cạnh đó, còn nhiều thủ tục hành chính rườm rà như người bệnh phải nộp tiền nhiều lần, phải đóng tiền tạm ứng lẻ tẻ trong khi khám và sau mỗi lần được chỉ định xét nghiệm. 

Khi người bệnh ra viện phải cần tới 5 chữ ký cho một phiếu thanh toán là quá nhiều. Người bệnh phải tự pho-to nhiều giấy tờ để nộp cho BV như: thẻ BHYT, chứng minh thư, giấy chuyển viện… 

Trong khi các BV còn thiếu thông tin, thiếu người hướng dẫn; không công khai giá viện phí; không có các hình thức đăng ký khám bệnh cho người dân lựa chọn như qua điện thoại, mạng internet, dịch vụ 1080…; không có bộ phận phát số chờ đăng ký khám bệnh. Người bệnh phải tự lấy kết quả xét nghiệm cận lâm sàng, thăm dò chức năng để chuyển về cho bác sĩ khám trước khi chẩn đoán bệnh. BV cũng chưa phân loại người bệnh theo mức độ ưu tiên về tuổi hay tình trạng bệnh.

Từ thực tế này, Cục Quản lý KCB đã chỉ đạo các BV tiến hành hàng loạt giải pháp khắc phục, để thay đổi chất lượng dịch vụ y tế. Các BV phải bố trí nơi lấy bệnh phẩm xét nghiệm ở gần phòng khám bệnh; có phòng khám dự trữ cho số lượng người bệnh chờ quá đông; xây dựng quy  trình xét nghiệm, phát số thứ tự để người bệnh biết; không được yêu cầu người bệnh tự phô tô tài liệu, không thu tiền tạm ứng của người có thẻ BHYT và giảm tối đa số chữ ký khi người bệnh ra viện. BV phải tự phô tô giấy tờ của người bệnh, niêm yết giá viện phí công khai và người bệnh nặng được đưa thẳng vào khoa cấp cứu.

Với quy trình khám bệnh được cải tiến từ 12-14 bước còn 4 – 8 bước và giảm khoảng 48,5 phút/lượt khám bệnh, hiện tình trạng quá tải ở nhiều BV từng bước được khống chế. So với năm 2013, 58% số BV tuyến Trung ương, 47% BV tuyến tỉnh đã giảm số khoa có tình trạng nằm ghép. Đặc biệt 90% BV tuyến Trung ương cam kết không để người bệnh nằm ghép; tại TP. Hồ Chí Minh có tới 29/31 BV tuyến cuối cam kết không để người bệnh nằm ghép. Khi không còn quá tải, các thầy thuốc có thể dành nhiều thời gian thăm khám, tư vấn cho người bệnh hơn.

Ông Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cũng cho biết, nhằm cải cách thể chế, Bộ Y tế đã rà soát 388 văn bản, công bố danh mục các vản bản hết hiệu lực; tự kiểm tra 35 văn bản do Bộ Y tế ban hành được và xử lý 3 văn bản hành chính có dấu hiệu trái pháp luật; sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ 32 thể chế hành chính. Các thể chế hành chính được công bố công khai và cập nhật trên cơ sở dữ liệu quốc gia. Có 32 thủ tục hành chính công trực tuyến mức độ 4, tức là cả người dân và cơ quan Nhà nước đều không cần liên hệ trực tiếp, kể cả việc trả tiền, mà đều qua mạng.

Cho đến nay, nhiều BV và Sở Y tế đã thực hiện thí điểm Đề án đo lường sự hài lòng của người dân đối với dịch vụ công: BV Nhi Trung ương, BV Từ Dũ, BV Bạch Mai, các Sở Y tế Tây Ninh, Yên Bái, Ninh Bình và TP Hồ Chí Minh vv… 

Ông Phạm Văn Tác, Vụ trưởng Vụ TCCB (Bộ Y tế) cũng cho biết, việc tiếp nhận và xử lý ý kiến phản ánh của người dân qua đường dây nóng và fanpage của Bộ trưởng được coi là một kênh quan trọng để giám sát, cải tiến chất lượng phục vụ người dân. 9 tháng đầu năm 2015, fanpage của Bộ trưởng đã nhận được 3.200 câu hỏi và đường dây nóng của Bộ Y tế đã nhận được hơn 12.000 cuộc gọi. Những thắc mắc của người dân được giải quyết kịp thời, các BV cũng ngày càng cải tiến dịch vụ y tế nên số cuộc gọi đến đường dây nóng năm 2015 đã giảm 35% so với 2014.

Tuy vậy, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng thẳng thắn chỉ ra: một số thủ tục hành chính trong lĩnh vực y tế còn rườm rà, cần được đơn giản hóa, thái độ, phong cách phục vụ của một bộ phận cán bộ, viên chức y tế chưa tốt, cơ sở vật chất trang thiết bị trong các cơ sở y tế chưa đáp ứng nhu cầu của nhân dân; số lượng các dịch vụ công cung cấp trực tuyến cấp độ 3, độ 4 còn thấp. Bộ trưởng cũng yêu cầu đẩy mạnh việc CCHC trong lĩnh vực KCB với việc xây dựng và hoàn thiện các tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ, kiểm định chất lượng dịch vụ KCB, cải cách quy trình KCB vv…

Thanh Hằng
.
.
.