Đánh nhau, tai nạn giao thông do rượu bia tăng cao: Khoảng trống pháp lý
- Rượu bia quá đà, ý thức kém khiến tai nạn giao thông dịp Tết tăng cao
- Gần 26.000 tỷ đồng chi cho việc chữa trị 6 loại bệnh liên quan đến rượu bia
- Vấn nạn rượu bia
- Gần 50% nam giới uống rượu bia ở mức nguy hại
- Dân nhậu vẫn phớt lờ quy định cấm uống rượu bia
Chỉ trong 7 ngày Tết, đã có tới gần 6.000 người phải vào viện do đánh nhau cùng gần 40 ngàn người bị tai nạn giao thông (TNGT) phải nhập viện, trong đó, chiếm chiếm tỉ lệ không nhỏ có liên quan đến rượu bia. Trong hàng ngàn ca bị ngộ độc thực phẩm, cũng khoảng 30% có nguyên nhân từ rượu bia. Đáng lưu ý là, những năm qua, các con số này luôn “leo thang” cao hơn năm trước.
Mặc dù tình trạng sử dụng rượu bia ở nước ta gây nên sự kinh hãi của bao người, nhưng việc lạm dụng rượu bia vẫn không ngừng gia tăng. Việt Nam hiện giữ “kỷ lục” về sử dụng rượu bia ở ASEAN và xếp thứ 3 châu Á. Ở nước ta, bất cứ ai cũng có thể mua rượu và mua ở mọi nơi với số lượng không hạn chế.
Lạm dụng rượu bia đang ngày càng gia tăng |
Có tình trạng này là bởi các chính sách, pháp luật về phòng, chống tác hại của lạm dụng rượu, bia còn nhiều lỗ hổng. Trong khi nhiều nước đã xây dựng luật nhằm kiểm soát toàn diện đối với đồ uống có cồn như Thái Lan, Srilanka, Lithuania, Mông Cổ … thì ở Việt Nam, còn nhiều khoảng trống trong lĩnh vực này.
Theo Ths. Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế -Bộ Y tế, hiện còn rất thiếu các quy định về kiểm soát với bia. Việc sản xuất, kinh doanh bia vẫn quản lý như thực phẩm thông thường. Quy định về kiểm soát quảng cáo, khuyến mại, tài trợ rượu, bia là biện pháp quan trọng để hạn chế nhu cầu và tính sẵn có của rượu, bia. Song Luật Thương mại cấm quảng cáo rượu có độ cồn từ 30 độ trở lên, Luật Quảng cáo cấm quảng cáo rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên, còn quảng cáo bia vẫn thả nổi khi chưa có bất kỳ chính sách nào để hạn chế.
Quảng cáo rượu bị luật pháp cấm nhưng còn nhiều vi phạm. Cấm quảng cáo rượu từ 30 độ trở lên, còn rượu dưới 15 độ và bia cùng đồ uống có cồn vẫn được quảng cáo như hàng hóa bình thường. Bên cạnh đó, việc cấm khuyến mại hoặc sử dụng rượu, bia từ 30 độ trở lên lại “vênh” với Luật Quảng cáo chỉ cấm quảng cáo rượu từ 15 độ trở lên. Cấm tài trợ gắn với việc quảng cáo các sản phẩm rượu, trong khi việc tài trợ của các thương nhân sản xuất, kinh doanh bia vẫn không bị điều chỉnh.
Điều tra của Đại học Y tế công cộng trên gần 700 điểm bán rượu bia tại Hà nội, TP HCM và Đà Nẵng cho thấy có tới 95% điểm bán có treo quảng cáo trong cửa hàng và 93% điểm bán treo quảng cáo bên ngoài cửa hàng, 77% điểm bán treo quảng cáo cả trong lẫn ngoài. Quảng cáo rượu trên 15 độ mặc dù bị cấm, nhưng có tới 76% điểm bán có vi phạm.
Đã có 168 nước đã quy định kiểm soát tính sẵn có của rượu bia, trong đó 123 nước quy định cấp phép bán rượu bia. Trong khi đó, Việt Nam còn rất thiếu các quy định về hạn chế tính sẵn có của rượu, bia: Thiếu quy định về trưng bày và in cảnh báo sức khỏe trên nhãn sản phẩm rượu, bia; thiếu quy định hạn chế tình trạng uống nhiều và say rượu bia; thiếu quy định liên quan đến địa điểm, phương thức, thời gian không được bán rượu, bia.
Theo số liệu của Tổng Cục thống kê, giá mua 1 lít rượu, bia liên tục giảm tính theo tỷ lệ phần trăm GDP/người. Chính giá rẻ và mức độ sẵn có cao của rượu bia đã góp phần gây ra tình trạng lạm dụng rượu bia.
Trách nhiệm của Bộ Y tế và Bộ Công thương trong vấn đề này là không thể chối bỏ, khi 2 bộ đều được phân công quản lý nhà nước về rượu, bia. Theo công bố tại một hội nghị về việc lạm dụng rượu bia mới đây thì việc thực hiện vai trò của 2 bộ này chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật để quản lý chất lượng VSATTP (trong đó có rượu, bia) còn thiếu và đa phần lạc hậu.
Đến nay, Bộ Y tế vẫn chưa ban hành được quy trình cai nghiện rượu theo quy định của Luật phòng, chống bạo lực gia đình. Tình hình rượu giả, rượu nhập lậu vẫn diễn ra rất phức tạp. Theo Vụ Pháp chế -Bộ Y tế, có khoảng 70% lượng rượu ngoại nhập lậu trên thị trường được nhập qua tuyến biên giới Tây Nam, miền Trung và gian lận thương mại khi làm thủ tục thông quan và tạm nhập tái xuất.
Dịp Tết Đinh Dậu, BV Việt Đức phải cấp cứu nhiều nạn nhân bị thương nặng do tai nạn giao thông và đánh nhau |
Công tác thanh tra, kiểm tra của cả ngành y tế lẫn công thương còn hạn chế. Việc phát hiện và xử lý các vi phạm cũng không lớn so với thực tế các vụ việc xảy ra. Công tác phối hợp liên ngành trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với rượu, bia chưa đồng bộ và chặt chẽ.
Chính sự lỏng lẻo trong quản lý đã dẫn đến việc mua bán rượu bia quá dễ dãi và lạm dụng rượu, bia đang ở mức báo động. Điều này đòi hỏi phải nhanh chóng khắc phục những hạn chế của hệ thống pháp luật.
Trước hậu quả của việc lạm dụng rượu bia ngày càng gia tăng, Bộ Y tế cho biết đã xây dựng dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia với nhiều qui định: In cảnh báo sức khỏe trên bao bì rượu, bia có thể truyền tải thông điệp về tác hại của rượu, bia một cách liên tục đến với từng người sử dụng.
Không được thực hiện các hoạt động tài trợ cho các sự kiện, hoạt động văn hóa, nghệ thuật, y tế, giáo dục, thể dục, thể thao, vui chơi giải trí; không được tài trợ bằng sản phẩm rượu, bia, không được thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng về việc tài trợ đó và không được có tên sản phẩm rượu, bia trên vật phẩm tài trợ. Cơ sở sản xuất, nhập khẩu rượu, bia phải nộp một khoản đóng góp bắt buộc để chi cho các hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia và nâng cao sức khỏe cộng đồng.
BS. Phạm Thị Hoàng Anh, Ths. Phạm Thị Hoàng Anh, Giám đốc tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam
cho rằng, cần kiểm soát mức độ tiêu dùng và lạm dụng rượu bia, ngăn chặn sự gia tăng sử dụng rượu bia trong giới trẻ thông qua các giải pháp hiệu quả đã được WHO khuyến cáo; kiểm soát điểm bán, mật độ điểm bán, giảm ngày giờ bán, nơi cấm bán v.v…
Các chuyên gia đều nhất trí rằng, quy định về thuế và giá đối với rượu, bia là một trong những công cụ tốt để kiểm soát nhu cầu sử dụng rượu, bia.