Cứu sống bệnh nhân nguy kịch ở Điện Biên nhờ chỉ đạo mổ trực tuyến

Thứ Bảy, 28/07/2018, 17:49

Thông qua hệ thống y tế từ xa Telemedicine, các chuyên gia của Bệnh viện Việt Đức vừa phối hợp với các bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên cứu sống một bệnh nhân hết sức nguy kịch. Thông tin này được GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức xác nhận vào ngày 28-7.



Anh GSV, 31 tuổi, dân tộc Mông, ở bản Tà Lèng, xã Tà Lèng, TP. Điện Biên Phủ được đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên cấp cứu trong tình trạng chấn thương sọ não kín, tụ máu ngoài màng cứng thái dương bên phải, hôn mê rất sâu, nguy cơ tử vong cao. 

Xác định bệnh nhân cần phẫu thuật càng sớm càng tốt, nhưng do tính chất phức tạp của một ca bệnh khó, cũng không thể chuyển bệnh nhân về Bệnh viện Việt Đức để phẫu thuật, lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên đã đề nghị lãnh đạo Bệnh viện Việt Đức cử một ê kíp phẫu thuật hỗ trợ.

 Nhưng do thời tiết xấu và giao thông bất lợi, các chuyên gia của Bệnh viện Việt Đức không thể lên Điện Biên hỗ trợ kịp thời được, vì thế, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức đã quyết định hỗ trợ, hướng dẫn trực tiếp qua hệ thống Telemedicine để các bác sỹ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân ngay tại Điện Biên.

GS.TS Trần Bình Giang cùng TS. Lê Hồng Nhân, Phó Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật Thần kinh và Ths. Đỗ Danh Quỳnh, Giám đốc Trung tâm Gây mê và hồi sức ngoại khoa, đã trực tiếp chỉ đạo và tư vấn ca phẫu thuật đặc biệt này.

Các chuyên gia của Bệnh viện Việt Đức chỉ đạo ca phẫu thuật trực tuyến tai Hà Nội

Với sự hướng dẫn tận tình của các chuyên gia tại Hà Nội, các bác sĩ ở Điện Biên đã tiến hành ca mổ kịp thời và thành công. Sau gần 2 giờ phẫu thuật, nhờ sự phối hợp nhịp nhàng và chặt chẽ của bác sĩ 2 Bệnh viện, bệnh nhân đã thoát khỏi cơn nguy kịch và đang dần hồi phục.

Nói về thành công này, GS.TS Trần Bình Giang cho biết: Ca mổ đã cho thấy tay nghề và trình độ phẫu thuật của các bác sỹ Bệnh viện Điện Biên đã được khẳng định. Đây là một trong những kết quả của dự án Bệnh viện vệ tinh mà Bộ Y tế đã triển khai. Trong đó, với vai trò là bệnh viện hạt nhân về ngoại khoa, Bệnh viện Việt Đức đã tổ chức nhiều khóa đào tạo chuyên sâu cho các bác sỹ ở các bệnh viện vệ tinh, đồng thời tư vấn, hội chẩn từ xa cho nhiều bệnh viện vệ tinh qua hệ thống truyền hình trực tuyến Telemedicine được kết nối tại phòng mổ và phòng hội chẩn. Nhờ đó, nhiều ca phẫu thuật khó đã được xử lý, cứu sống được bệnh nhân.

Kết quả việc đào tạo và chuyển giao kỹ thuật của Bệnh viện Việt Đức giúp nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh ở địa phương, góp phần giảm tải cho các bệnh viện tuyến trung ương, giúp người bệnh không phải đi lại xa xôi, được hưởng các dịch vụ y tế kỹ thuật cao ngay tại địa phương và giảm chi phí khi điều trị.

Trước đó, tháng 3-2017, các bác sĩ Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên đã lập một kỳ tích khi phối hợp cứu sống một bệnh nhân bị đa chấn thương rất nặng ở Điện Biên qua hệ thống y tế từ xa Telemedicine.

Bệnh nhân là chị Nguyễn Thị L. bị bánh xe tải đè lên người, khiến chị L. bị dập thành bụng, thành ngực, vỡ cơ hoành ngăn cách giữa bụng và lồng ngực, làm cho toàn bộ nội tạng dồn hết lên lồng ngực, khiến chị bị sốc nặng, suy hô hấp, khó thở, cực kỳ nguy kịch nên không thể đưa về Hà Nội để mổ.  

Các bác sỹ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên mổ cho bệnh nhân với sự hỗ trợ
của Bệnh viện Việt Đức

Được Bệnh viện Điện Biên báo về, TS. Lê Việt Khánh - Trưởng phòng Chỉ đạo tuyến của Bệnh viện Việt Đức lập tức tổ chức hội chẩn trực tuyến với các bác sĩ ở Điện Biên qua đường truyền Telemidicine, rồi tư vấn cho các bác sĩ tại địa phương về tình trạng bệnh, khả năng thương tổn cũng như cách xử trí.

Vì tình trạng bệnh nhân rất nặng mà điều kiện ở địa phương không cho phép thực hiện ca phẫu thuật, lãnh đạo Bệnh viện tỉnh Điện Biên đề nghị các chuyên gia của Bệnh viện Việt Đức lên hỗ trợ. Trong khi chờ đoàn phẫu thuật từ Hà Nội lên tới Điện Biên, tại Bệnh viện Việt Đức, các chuyên gia tiếp tục tư vấn cho các bác sĩ ở Điện Biên những biện pháp xử trí cho bệnh nhân, đợi khi ekip của Bệnh viện Việt Đức tới nơi là bắt tay ngay vào mổ để kịp thời.

Nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa các bác sĩ của 2 Bệnh viện mà mặc dù bệnh nhân bị đa chấn thương rất nặng, tưởng không thể qua khỏi, nhưng cuối cùng đã được cứu sống.

Theo GS.TS. Trần Bình Giang hiện nay hệ thống Telemedicine của Bệnh viện Việt Đức đã kết nối với 18 bệnh viện vệ tinh ở các tỉnh, thành và 8 nước ở châu Á, giúp cho các bác sĩ tại các tỉnh có thể hội chẩn trực tiếp với các chuyên gia đầu ngành trong khi mổ, để có điều kiện xử trí nhiều ca bệnh khó được kịp thời.


Thanh Hằng
.
.
.