Còn nhiều vướng mắc để người nhiễm HIV tiếp cận bảo hiểm y tế

Thứ Năm, 01/12/2016, 22:50
Đến đến nay, Việt Nam đã có khoảng 250.000 người nhiễm HIV/AIDS. Điều đáng nói là gần đây, tình hình lây nhiễm HIV/AIDS ở Việt Nam có nhiều thay đổi. Tỉ lệ nữ gia tăng từ 12,6% lên hơn 30%, lây nhiễm qua đường tình dục tăng từ 12,2% lên 56% và độ tuổi nhiễm HIV từ 20-40 tuổi chiếm 74%. Mỗi năm, có thêm khoảng 1 vạn người nhiễm mới. Ở nhiều tỉnh, dịch HIV/AIDS vẫn cao ở mức báo động.

Đó là thông tin được ông Hoàng Đình Cảnh, Phó cục trưởng Cục phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết tại hội thảo về công tác phòng, chống HIV/AIDS do Bộ Y tế, Ủy ban Quốc gia phòng chống HIV/AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm và Liên hiệp các Hội Khoa học- Kỹ thuật Việt Nam tổ chức tại Hà Nội ngày 1-12.

Dịch HIV/AIDS làm tăng tỉ lệ tử vong, quá tải hệ thống y tế và tăng nguy cơ lây nhiễm HIV trong các cơ sở y tế. Tác động của dịch HIV/AIDS rất lớn, khi tạo nên sự bất an trong xã hội, mất ổn định trong cuộc sống; trẻ em mồ côi, trẻ em bị ảnh hưởng vv… Trong khi đại dịch HIV/AIDS không thể tự mất đi nếu không được đầu tư thỏa đáng. 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kêu gọi các tổ chức xã hội tham gia phòng chống HIV/AIDS

Càng đầu tư sớm thì càng hiệu quả, càng đỡ tốn kém. Càng đầu tư muộn khi dịch đã lan ra cộng đồng thì càng tốn kém và hiệu quả không cao. Nếu không được cung cấp tài chính đầy đủ, đại dịch HIV/AIDS có thể quay lại bất cứ lúc nào, với tỷ lệ HIV kháng thuốc cao và với chi phí tốn kém hơn nhiều lần!

Vì thế, việc các tổ chức quốc tế kết thúc viện trợ cho Việt Nam trong phòng, chống HIV/AIDS vào 2017 đang đặt ra nhiều thách thức, nhất là khi ngân sách Nhà nước giai đoạn 2016-2020 chỉ có 100 tỷ đồng cho ARV, chỉ cấp phát miễn phí cho các đối tượng ưu tiên.

Đại diện Vụ BHYT (Bộ Y tế) cho biết, BHYT sẽ là nguồn tài chính cơ bản cho phòng chống HIV/AIDS, là giải pháp khả thi nhất để thay thế nguồn tài trợ cắt giảm cho ARV, nhằm duy trì và mở rộng điều trị HIV/AIDS. 

Hội nghị thu hút nhiều đại biểu trong nước và quốc tế

Bởi hầu hết người bệnh HIV/AIDS có mức thu nhập thấp, việc tự chi trả từ tiền túi cho điều trị là rất khó khăn, khi chi phí cho điều trị ARV khá cao và phải sử dụng liên tục, kéo dài. Mà, việc bệnh nhân bỏ điều trị, hay điều trị gián đoạn chính là nguy cơ bùng phát dịch bệnh HIV. Vì thế, một trong những nhiệm vụ cấp bách hiện nay là phải đạt tỉ lệ bao phủ BHYT trong bệnh nhân điều trị HIV/AIDS không dưới 80% trước tháng 6-2017.

Tuy nhiên, theo Bộ Y tế, còn nhiều khó khăn trong việc triển khai BHYT cho người nhiễm HIV. Nhiều người lao động tự do không đủ giấy tờ pháp lý như hộ khẩu, chứng minh thư để tham gia BHYT. Người trong hộ gia đình không đủ kinh phí mua thẻ BHYT cho tất cả cả các thành viên. Nhiều người nhiễm HIV cũng chưa sẵn sàng mua thẻ BHYT do còn trong chờ vào sự hỗ trợ của dự án, nhà nước.

Vì thế, ngành y tế đang tìm các giải pháp để tăng tỉ lệ người nhiễm HIV có BHYT, như tăng cường công tác truyền thông, vận động để người nhiễm HIV tự nguyện đóng BHYT đối với những hộ có điều kiện kinh tế, đồng thời, tạo thuận lợi cho người nhiễm chưa đủ cơ sở pháp lý đang điều trị ARV được cấp thẻ BHYT. Tạo điều kiện để người nhiễm HIV được cấp thẻ BHYT mà không phải mua theo hộ gia đình.

Để tạo điều kiện cho người nhiễm HIV/AIDS được tiếp cận BHYT, Bộ Y tế đề nghị phải giảm thiểu rào cản về tâm lý, kỳ thị trong khám, chữa bệnh (KCB) BHYT. Theo đó, người bệnh phải được tiếp cận dịch vụ kỹ thuật thuận lợi nhất. Cán bộ y tế phải hiểu, thông cảm và đồng cảm với người bệnh. Quy định về giấy tờ, hồ sơ phải được mã hóa, đảm bảo bảo mật bệnh tật của người bệnh; đảm bảo thông tin về HIV không tiết lộ ra ngoài, chỉ hạn chế trong các cơ sở điều trị và cơ quan BHYT v.v…

Tuy nhiên, nhiều ý kiến của người trong cuộc thông qua Mạng lưới người sống với HIV Việt Nam đã cho thấy, vẫn còn nhiều rào cản khi người nhiễm HIV/AIDS tiếp cận và sử dụng thẻ BHYT ở cơ sở. Hiện nhiều người có HIV còn thiếu thông tin về BHYT như sự cần thiết của BHYT, cách mua, quyền lợi…

 Nhiều người vẫn nghĩ phải mua BHYT theo hộ gia đình mà không biết có những qui định mới như nếu họ đã có BHYT rồi thì năm sau được mua đáo hạn, vì người bán BHYT cố tình lờ đi không tư vấn để buộc người dân mua theo hộ gia đình. Hoặc hiện đã có bán BHYT thời gian 6 tháng, 3 tháng để tạo điều kiện cho người nghèo mua BHYT, nhưng ít người biết do không được tư vấn.

Bên cạnh đó, trình độ chuyên môn về HIV/AIDS ở phòng khám tuyến huỵên còn hạn chế, nhiều nơi các bác sĩ chưa điều trị HIV/AIDS bao giờ. Điều mà những người có HIV sợ nhất khi tiếp cận BHYT là bị tiết lộ thông tin do sợ bị kỳ thị. Thực tế trong năm 2015 đã có trường hợp bệnh nhân biết kết quả và chuẩn bị vào điều trị thì chính bác sỹ điều trị lại tiết lộ thông tin bệnh nhân đó với các cộng tác viên ở nơi bệnh nhân đang sinh sống. Vì thế, bệnh nhân đã kiện bác sĩ và chuyển đi nơi khác điều trị.

Điều trị hiệu quả cho người nhiễm HIV/AIDS  là biện pháp phòng chống lây nhiễm

Trong bối cảnh nguồn tài chính cho công tác phòng, chống HIV/AIDS sẽ ngày càng khó khăn, việc tuyên truyền vận động từ các nguồn tài chính hợp pháp để hỗ trợ người nhiễm HIV trong việc mua thẻ BHYT, cùng chi trả KCB BHYT rất quan trọng.

Tại hội thảo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng khẳng định việc phòng chống HIV/AIDS liên quan đến các tệ nạn xã hội, nên không chỉ Chính phủ và cộng đồng lây nhiễm HIV/AIDS đơn phương làm là được, mà cần các tổ chức xã hội đồng hành trong những hoạt động nỗ lực phòng chống HIV mới có hiệu quả. Thực tế, nhiều dự án đã mang lại ánh sáng cho những người không may mắn, giúp nhiều người hòa nhập với xã hội, nhiều em bé sinh ra khỏe mạnh, không bị mắc HIV.


Thanh Hằng
.
.
.