Việt Nam vẫn rất cần mối quan hệ hợp tác quốc tế trong phòng, chống HIV/AIDS

Thứ Sáu, 10/06/2016, 17:42
Tại hội nghị cấp cao của Liên hiệp quốc (LHQ) về kết thúc đại dịch AIDS kéo dài từ 8 đến 10-6, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm, Trưởng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam, đã có bài phát biểu quan trọng.

Trên diễn đàn của LHQ, Phó Thủ tướng khẳng định: Chính phủ Việt Nam luôn coi phòng, chống HIV/AIDS là một trong những nhiệm vụ ưu tiên cao nhất. Dịch HIV ở Việt Nam nhìn chung đã được kiểm soát. Nhiễm HIV không còn bị coi là một tội lỗi. Người nhiễm HIV được coi là những người bệnh cần được chăm sóc và điều trị. Việt Nam chỉ có thể đạt được những thành tựu này với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế và các nhà tài trợ.

     Mặc dù dịch HIV đã bước đầu ổn định nhưng Việt Nam vẫn đang tiếp tục đầu tư thêm nguồn lực cho công tác phòng, chống HIV/AIDS. Việt Nam cũng là quốc gia đầu tiên ở châu Á – Thái Bình Dương hưởng ứng và cam kết thực hiện mục tiêu 90-90-90. Tuy nhiên, cũng như các quốc gia đang phát triển khác, Việt Nam vẫn tiếp tục rất cần mối quan hệ hợp tác quốc tế trong phòng, chống HIV/AIDS.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và người phụ nữ nhiễm HIV/AIDS được mời tham gia đoàn Việt Nam, phát biểu tại hội nghị cấp cao của LHQ.

     Chúng ta đều biết rằng thế giới đang đứng trước nhiều thách thức mới như biến đổi khí hậu, di cư ồ ạt và các cuộc xung đột. Nhưng HIV và AIDS cũng vẫn còn đó. Nếu không tiếp tục củng cố quan hệ đối tác hợp tác mạnh mẽ hơn, nhiều quốc gia sẽ bị rớt lại phía sau trong nỗ lực chung của toàn thế giới nhằm dồn tổng lực để đẩy nhanh tiến độ hướng tới kết thúc dịch AIDS, và khả năng dịch bùng phát lại, trở thành một mối nguy lớn cho toàn thế giới là có thật.

     Để kết thúc được dịch AIDS, chúng ta phải cùng nhau nỗ lực nhiều hơn nữa. Đây không chỉ là tiếng nói của Chính phủ Việt Nam, mà cũng là tiếng nói của những người dân Việt Nam dễ bị tổn thương nhất.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã giới thiệu với hội nghị chị Thanh-một phụ nữ nhiễm HIV được mời dự Hội nghị: Chị Thanh sống ở một vùng núi xa xôi và đang cùng với chồng mình được điều trị ARV. Khỏe mạnh trở lại, chị đã trở thành một giáo dục viên đồng đẳng và còn sinh được một bé gái kháu khỉnh, không bị nhiễm HIV. Điều kỳ diệu này đã có được nhờ sự giúp đỡ của một dự án do quốc tế tài trợ.

“Nếu không có sự trợ giúp này, Thanh và rất nhiều phụ nữ và trẻ em, đã bị nhiễm HIV, đã không thể đến trường, không thể lao động, không thể có gia đình và thậm chí không thể giữ được cuộc sống. Vậy chúng ta có nên cắt giảm sự hỗ trợ đó không? Không! Chúng ta không thể và không có quyền làm điều đó” - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Trong dịp này, LHQ ra Tuyên bố Chính trị năm 2016 về kết thúc dịch AIDS, khẳng định toàn thế giới sẽ dồn tổng lực để đạt được mục tiêu này vào năm 2030. Tuyên bố kêu gọi toàn thế giới nỗ lực để đạt được các mục tiêu như sau, trong nỗ lực chung thực hiện Chương trình nghị sự đến năm 2030 vì phát triển bền vững: Đến năm 2020, giảm số nhiễm HIV mới trên toàn thế giới xuống ít hơn 500 000 người; Đến năm 2020, giảm số tử vong do AIDS trên toàn thế giới xuống ít hơn 500 000 người; Đến năm 2020, xóa bỏ kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV. 

Tuyên bố Chính trị 2016 khẳng định rằng những mục tiêu này chỉ có thể đạt được khi có sự tham gia chủ động và mạnh mẽ của người nhiễm HIV, các nhóm cộng đồng và các tổ chức xã hội dân sự.

Các quốc gia cũng cam kết khẩn trương giải quyết tình trạng bao phủ điều trị ARV còn thấp trong trẻ em nhiễm HIV. Thực hiện mục tiêu 90-90-90 về điều trị để đảm bảođến năm 2020 sẽ có 30 triệu người nhiễm HIV được điều trị ARV. Bảo đảm rằng đến năm 2018 sẽ có 1,6 triệu trẻ em nhiễm HIV được điều trị ARV. 

Tuyên bố Chính trị 2016 khẳng định tầm quan trọng của việc phòng, chống dịch dựa trên đặc thù của từng địa bàn và nhóm dân cư, bởi dịch HIV ở mỗi quốc gia, mỗi khu vực đều có đặc điểm riêng; đồng thời khuyến khích hành động và đề cao tinh thần trách nhiệm ở cấp khu vực thông qua việc đặt ra các mục tiêu cho khu vực cả về dự phòng và điều trị cho trẻ em, thanh niên và người lớn, trong đó:

Tuyên bố Chính trị 2016 cam kết thực hiện bình đẳng giới, đầu tư nâng cao năng lực cho phụ nữ, và chấm dứt mọi hình thức bạo hành và phân biệt đối xử với phụ nữ và trẻ em gái, nhằm nâng cao năng lực tự bảo vệ mình của phụ nữ và trẻ em gái tránh khỏi bị lây nhiễm HIV.Sự tham gia của nam giới và các trẻ em trai trong những vấn đề này là không thể thiếu được vv…

Hữu Thủy –Thanh Hằng
.
.
.