Chủ quan phòng dịch sốt xuất huyết, là cơ hội cho lây lan Zika
- Hai chị em ruột ở Bà Rịa - Vũng Tàu cùng nhiễm virus Zika/ Virus Zika liệu có gây vô sinh ở nam giới?/ Zika khiến WHO họp trực tuyến lần thứ 5/ Đã có 35 trường hợp nhiễm Zika TP Hồ Chí Minh/ Phụ nữ mang thai cần siêu âm đầy đủ để phát hiện sớm Zika
Điều đáng lưu ý là chỉ sau 1 ngày, từ 19 tới 20-11, ghi nhận tại Q.Bình Thạnh đã có thêm 2 ca được xác định, nâng số ca từ 11 lên 13 ca mắc; huyện Hóc Môn xuất hiện 3 ca mới và Q.Phú Nhuận phát hiện 1 ca. Các quận huyện còn lại trong số nơi có ca dương tính cũng có từ 2-3 ca. Như vậy, dù ở mức dịch còn đang lưu hành, nhưng số ca nhiễm virus Zika trên địa bàn thành phố đã tăng theo từng tuần.
Giám đốc TTYTDP , TP Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Trí Dũng cũng cho hay, trong số 62 ca mắc thì có 41 nữ, 09 người đang mang thai. Trong số 09 phụ nữ mang thai có 01 người có kết quả xét nghiệm thai lưu(thai nhi tháng thứ 3); 01 người đã sinh con vào tuần trước. Còn lại 7 người đang tiếp tục được giám sát, theo dõi theo qui trình giám sát bệnh Zika trên thai phụ được phối hợp giữa các Bệnh viện Sản trong thành phố và Trung tâm Chăm sóc Sức khoẻ Sinh sản TP Hồ Chí Minh.
Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Thu nhắc nhở bà con quận 12 thực hiện diệt lăng quăng. |
Vào ngày 17-11 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thị Thu cũng đã trực tiếp dẫn đầu đoàn công tác giám sát đã có mặt tại khu vực phường Hiệp Thành (Q.12, TP.Hồ Chí Minh), nơi ghi nhận có 04 ca được xác định nhiễm virus Zika đều ở phường Hiệp Thành (khu phố 4 và khu phố 7). Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Thu đã rất không hài lòng khi thấy, hầu như hộ dân nào mà đoàn công tác ghé thăm đều có vật dụng đọng nước, các vật phế thải chứa lăng quăng qua. Phó Chủ tịch UBND thành phố đã góp ý trực tiếp với từng hộ dân cũng như đưa ra hướng dẫn cách diệt lăng quăng. Đồng thời, cũng góp ý thẳng với cán bộ, lãnh đạo địa phương rằng: "Muốn chặn dịch bệnh do virus Zika phải diệt lăng quăng nhưng đừng tuyên truyền suông mà phải trực tiếp đến từng hộ dân hướng dẫn".
Thực tế kiểm tra như trên cũng chứng tỏ một điều, công tác tuyên truyền của các địa phương là chưa hiệu quả. Qua bảng giám sát các điểm, ổ nguy cơ về Zika vào ngày 19-11 do TTYTDP thành phố cung cấp, thì cũng trên địa bàn Q. 12 trong ngày 20-11, đã tăng thêm 2 ca, nâng số ca mắc lên 6 ca Zika.
Giám đốc TTYTDP TP Hồ Chí Minh Nguyễn Trí Dũng cũng cho biết, về trường hợp 01 bà mẹ có virus Zika đã sinh con, qua thăm khám các bác sĩ không ghi nhận tật đầu nhỏ ở em bé. Hiện trường hợp này vẫn đang được giám sát, theo dõi theo chỉ đạo của ngành.
Trước tình hình dự báo dịch có thể lan rộng trên địa bàn, nhiều người dân nhất đều rất lo lắng. Đặc biệt, thắc mắc, virus Zika sau khi điều trị có hết hẳn không hay vẫn tồn tại trong cơ thể. Xung quanh vấn đề trên, theo PGS-TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, cho biết, bệnh do virus Zika vẫn đang được tiếp tục nghiên cứu. Y văn cho biết, Virus Zika có trong máu người, tinh dịch tùy theo giới, đối tượng, thời điểm nhiễm bệnh và biểu hiện lâm sàng có khác nhau. Tuy nhiên, người bình thường sau khi phơi nhiễm, virus tồn tại trong máu đến 14 ngày (đặc biệt trong 7 ngày đầu khởi phát là thời gian dễ nhiễm sang muỗi, từ đây nguy cơ lây qua người khác), trong nước tiểu là 30 ngày và trong tinh dịch đến 6 tháng. Đặc biệt phụ nữ mang thai khi nhiễm virus Zika không có triệu chứng, virus tồn tại trong máu đến 53 ngày sau phơi nhiễm. Người nhiễm virus Zika dù có hay không có triệu chứng đều có nguy cơ lây nhiễm cho muỗi và cho người khác. Các biểu hiện thường gặp như: phát ban, sốt nhẹ, viêm kết mạc, đau đầu, đau cơ, đau khớp.
Cũng theo PGS.TS. Phan Trọng Lân, tại khu vực phía Nam, Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh đã thực hiện lấy hàng ngàn mẫu xét nghiệm giám sát dịch tại cộng đồng, ngoài những ca tại địa bàn thành phố đã được xác định, cũng đã phát hiện ca dương tính thuộc khu vực ở Bình Dương, Long An, Bà Rịa-Vũng Tàu. Điều tra dịch tễ cho biết, ở nơi nào có dịch sốt xuất huyết (SXH) tăng cao thì nơi đó sẽ xuất hiện ca nhiễm Zika nhiều. Phương pháp phòng ngừa hiệu quả là diệt lăng quăng, nên rất cần ý thức người dân cùng chung tay để ngăn chặn dịch không lây lan.
Cũng theo ý kiến của ông Trí Dũng, biện pháp trọng tâm là cần phun thuốc diệt muỗi, diệt lăng quăng, phun thuốc diệt muỗi trên diện rộng nếu có thể. Tầm soát kĩ số trường hợp nghi ngờ mắc Zika trên địa bàn để giám sát. Công tác phòng chống nhất thiết phải kết hợp lồng ghép phòng chống dịch Zika với phòng chống dịch SXH tại các địa phương mới đem lại hiệu quả. SXH đang ở mức cao nhất trong năm với số ca tích luỹ (15.274 ca) từ đầu năm tới nay. Tỉ lệ số ca mắc đã cao hơn 13% so với cùng kì. Thành phố Hồ Chí Minh vốn là một địa bàn "nhạy cảm" với dịch bệnh, số ca mắc SXH tại thành phố luôn chiếm tỉ lệ cao trên số ca của cả nước.
Do đó, việc tăng cường năng lực giám sát, phát hiện và chỉ đạo kịp thời các biện pháp để khống chế dịch bệnh SXH và cả Zika là việc cấp thiết. Trong đó, chú trọng công tác tăng cường cảnh báo toàn xã hội, mọi cơ quan, ban ngành, mọi cá nhân đều phải có ý thức phòng chống. Ngay sau khi nghi ngờ bệnh nhân có nhiễm vi rus Zika thì cần xử lý ổ dịch tại địa phương ngay. Chậm xử lý ổ dịch nguy cơ sẽ tạo cơ hội cho dịch lây lan.