Đề xuất dùng nơi cách ly dịch bệnh COVID-19 ngăn chặn Bạch hầu

Thứ Sáu, 03/07/2020, 13:50
Tính đến thời điểm này, trên địa bàn các tỉnh Đắk Nông, Kon Tum và TP Hồ Chí Minh đã có 21 người mắc bệnh bạch hầu, đã có một trường hợp tử vong tại tỉnh Đắk Nông. Cả nước đã có 35.624 trường hợp mắc sốt xuất huyết, có 3 ca tử vong tại Bình Định, Bình Phước và Tây Ninh.


Tại buổi tập huấn công tác điều trị dịch bệnh bạch hầu, sốt xuất huyết do Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) được tổ chức vào ngày 2/7 cho các bệnh viện khu vực Tây Nguyên, ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cho biết, bệnh bạch hầu có vaccine, gần như không còn xuất hiện. Việc không phát hiện sớm, điều trị kịp thời dẫn đến biến chứng, diễn biến nặng và có trường hợp tử vong. 

Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh lưu ý đây là bệnh lây theo đường hô hấp, vì vậy đề nghị các bệnh viện phải chuẩn bị khu vực cách ly (có thể sử dụng khu vực cách ly đã chuẩn bị cho dịch bệnh COVID-19 do dịch COVID-19 đã tạm lắng ở Việt Nam), rà roát các phương tiện phòng hộ, thuốc, vật tư, trang thiết bị để thu dung, điều trị ca bệnh hạn chế lây nhiễm và tử vong...

Các cơ sở y tế tăng cường công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe cho người dân trong cộng đồng và trong bệnh viện về các dấu hiệu và phương pháp phòng chống dịch. Bên cạnh đó tăng cường công tác tiêm chủng vaccine tăng độ bao phủ, tiêm vét, tiêm bổ sung; tổ chức uống thuốc dự phòng cho khu vực có dịch...

Cha mẹ cho trẻ đi tiêm chủng đủ mũi, đúng lịch để phòng ngừa bệnh tật

Ông Nguyễn Trọng Khoa mong muốn, sau khi tham dự lớp tập huấn, mỗi học viên trở thành tuyên truyền viên về triển khai tập huấn lại cho các cơ sở y tế của tỉnh để nâng cao năng lực cho các bác sĩ nhằm phát hiện sớm, điều trị kịp thời, giảm tối đa số tử vong.

Tính đến thời điểm này, trên địa bàn các tỉnh Đắk Nông, Kon Tum và TP Hồ Chí Minh đã có 21 người mắc bệnh bạch hầu, đã có 1 trường hợp tử vong tại tỉnh Đắk Nông. Trong đó từ đầu tháng 6/2020 đến nay, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông ghi nhận 12 trường hợp mắc bệnh bạch hầu tại huyện Krông Nô và huyện Đắk Glong. Tại huyện Krông Nô từ ngày 3 đến 8-6, ghi nhận 4 trường hợp mắc tại xã Đắk Sor; từ ngày 9-6 đến nay không có trường hợp mắc mới.

Tại Huyện Đắk Glong từ ngày 11 đến 20/6, ghi nhận 8 trường hợp mắc tại thôn 6, xã Quảng Hòa  và cụm 12 xã Đắk R’măng, trong đó có 1 trường hợp tử vong tại xã Quảng Hòa. Từ ngày 21/6 đến nay không có trường hợp mắc mới.

Chuyên gia trao đổi chuyên môn cho các học viên

Các ổ dịch trên không có mối liên quan dịch tễ với nhau; các trường hợp mắc bệnh chủ yếu là người đồng bào dân tộc Mông với độ tuổi bệnh tập trung chủ yếu từ 7-15 tuổi với chín trường hợp (75%), có 3 trường hợp hơn 40 tuổi (25%). Các trường hợp mắc bệnh đều không được tiêm vaccine phòng bạch hầu đủ mũi, đúng lịch.

Về bệnh sốt xuất huyết, đến nay cả nước đã có 35.624 trường hợp mắc sốt xuất huyết, có ba ca tử vong tại Bình Định, Bình Phước và Tây Ninh. Sốt xuất huyết hiện có ở 58/63 tỉnh, thành phố, chủ yếu tập trung ở các tỉnh thành phía nam, Miền Trung, Tây nguyên. Năm 2019 số mắc và tử vong cùng thời điểm là 81.628/9.

Để chủ động phòng chống dịch bạch hầu, sốt xuất huyết, đặc biệt là trong tình hình bệnh COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp trên thế giới, người dân cần tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng dịch, trẻ chưa tiêm vaccine ngừa bạch hầu thì cha mẹ phải cho con tiêm phòng ngay, tiêm đủ mũi, đúng lịch; người dân đi ngủ phải mắc màn, khơi thông cống rãnh, diệt loăng quăng, bọ gậy quanh khu vực mình sinh sống, lật úp các chum, vại, lu chứa nước để phòng muỗi, ngăn ngừa bệnh sốt xuất huyết.

Về trường hợp bệnh nhân nữ, 9 tuổi, dân tộc Mông tử vong, Sở Y tế Đắk Nông cho biết, bệnh nhân khởi bệnh ngày 11/6, khám tại Trạm Y tế xã Quảng Hòa được chẩn đoán viêm họng/giả mạc trắng và được tư vấn chuyển sang Trung tâm Y tế huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng khám và điều trị vào ngày 11/6. Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán trẻ bị viêm Amydam cấp và được cấp thuốc điều trị ngoại trú. Đến ngày 18/6 thấy trẻ không đỡ, gia đình đưa bệnh nhân lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông ngày 19/6, chẩn đoán theo dõi bạch hầu/viêm họng cấp có giả mạc, được lấy mẫu và xét nghiệm tại Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, kết quả dương tính với bạch hầu. 

Đến 22 giờ 30 phút ngày 19/6, bệnh nhân chuyển biến nặng, khó khở, rối loạn nhịp tim và được chuyển BV Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh vào lúc 3 giờ 59 phút ngày 20-6, được hồi sức tích cực nhưng trẻ không đỡ và tử vong vào lúc 6 giờ 5 phút cùng ngày tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh với chẩn đoán là bạch hầu ác tính biến chứng.



Trần Hằng
.
.
.