Vì sao dịch bạch hầu trở lại?

Thứ Tư, 24/06/2020, 08:33
Hai ổ dịch bạch hầu xuất hiện tại tỉnh Đắk Nông đã khiến 6 người mắc bệnh, trong đó có 1 người tử vong đang gây lo lắng khi nhiều người dân phải cách ly với ẩn họa tiềm tàng.


Bệnh bạch hầu hay xuất hiện ở vùng Tây Nguyên, miền Trung hằng năm, là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, dễ lây lan từ người sang người, gây tử vong cao. Nguyên nhân gây bệnh là vi khuẩn bạch hầu do tỉ lệ tiêm chủng phòng bạch hầu chưa bao phủ hết cộng đồng trẻ em, đặc biệt ở các nơi vùng sâu, vùng xa, miền núi.

Bệnh truyền nhiễm nguy hiểm

Hai ổ dịch bạch hầu xuất hiện tại địa bàn huyện Krông Nô và Đắk Glong đều là nơi vùng sâu, vùng xa của tỉnh Đắk Nông. Sau khi 2 ổ dịch xuất hiện, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Nông đã cách ly hơn 355 người có tiếp xúc và liên quan tới các bệnh nhân. 

Các bệnh nhân mắc bạch hầu đều là trẻ em từ 9-15 tuổi, trừ trường hợp 66 tuổi là bà nội có tiếp xúc với 3 bệnh nhân sống tại Trung tâm bảo trợ xã hội Nhà May Mắn ở xã Đắk Sor, huyện Krông Nô. Triệu chứng của các bệnh nhân là sốt, đau họng, biếng ăn, buồn nôn. Tất cả các trường hợp mắc bệnh đều được điều trị cách ly.

Trong 6 bệnh nhân có 1 bệnh nhi 9 tuổi là Sùng Thị H. (trú tại xã Quảng Hòa, huyện Đắk GLong) diễn biến bệnh nặng. Ngày 19/6 bệnh nhi được gia đình đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông trong tình trạng ho, đau họng, khó thở… 

Do bệnh tiến triển nặng nên cháu bé đã được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh điều trị. Chưa đầy 1 ngày sau, bệnh nhi đã tử vong do nguyên nhân “bạch hầu ác tính biến chứng tim”.

Theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga, Trưởng Khoa Y tế công cộng và Điều dưỡng, Trường Đại học Quang Trung, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), bệnh bạch hầu không phải đã gần như “biến mất” như một số người quan niệm, mà trong các năm gần đây, ở khu vực Tây Nguyên và miền Trung hằng năm đều xuất hiện những trường hợp mắc bạch hầu. Nguyên nhân là do trẻ em ở những nơi vùng sâu, vùng xa, miền núi chưa được tiêm chủng hoặc tiêm chủng không đầy đủ theo quy định.

Vào tháng 8-2019, một “ổ” bạch hầu được phát hiện ở Đắk Lắk khiến 11 người phải vào Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên điều trị, trong đó có 1 bệnh nhân tử vong. Bệnh nhân này nhập viện trong tình trạng thở khó, họng có nhiều giả hạc trắng, bóc ra chảy máu. Chỉ vài tiếng sau khi nhập viện, bệnh nhân chuyển nặng, tiên lượng xấu và tử vong ngay trong đêm. 

Theo các tài liệu y khoa, bạch hầu có nhiều biến chứng nguy hiểm gây tử vong cao. Đây là một bệnh nhiễm trùng do trực khuẩn bạch hầu gây ra, vi khuẩn tiết ra ngoại độc tố gây tổn thương nhiều tổ chức và cơ quan của cơ thể. Bệnh có thể lây truyền trực tiếp từ người bệnh sang người lành qua đường hô hấp hoặc gián tiếp qua đồ chơi, vật dụng. 

Vi khuẩn bạch hầu có thể xâm nhập qua da tổn thương gây bạch hầu da. Người bệnh có thể lây bệnh cho người khác ngay trong thời kỳ khởi phát, thậm chí vào cuối thời kỳ ủ bệnh và kéo dài sau khoảng 2 tuần, hiếm khi tới 4 tuần.

PGS. TS Nguyễn Huy Nga nhấn mạnh: Người mắc bệnh bạch hầu nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến viêm cơ tim, tổn thương hệ thần kinh dẫn truyền cơ tim, tử vong do đột ngột trụy tim mạch. Bệnh cũng có thể dẫn đến thoái hóa thận, hoại tử ống thận, chảy máu lớp tủy và vỏ thượng thận.

Trẻ em ở xã Đoàn Kết, huyện Vân Đồn, Quảng Ninh tiêm chủng mũi 5 trong 1 phòng bệnh bạch hầu.

Tiêm phòng đầy đủ là cách phòng bệnh duy nhất

Nhận định về việc xuất hiện ổ dịch bạch hầu ở Đắk Nông, PGS.TS Nguyễn Huy Nga cho biết, có khả năng các cháu mắc bệnh chưa được tiêm phòng vaccine, hoặc có tiêm chủng nhưng chưa tiêm nhắc lại. 

Để phòng chống dịch ở Đắk Nông, theo PGS Nga, tỉnh cần thành lập Ban Chỉ đạo chống dịch, truyền thông phòng chống dịch, cách ly người bệnh và gia đình, những người tiếp xúc với các bệnh nhân và nguồn bệnh phải tiêm chủng. 

Đồng thời xử lý môi trường, tẩy uế, diệt khuẩn trong gia đình người bệnh. Người bệnh được điều trị theo phác đồ, điều trị dự phòng bằng kháng sinh và xét nghiệm những người tiếp xúc, nghi ngờ. 

“Để phòng bệnh, ngoài tiêm phòng, làm sạch nhà cửa thì phải làm sạch cả vật dụng cá nhân, không dùng chung dụng cụ để ăn uống”, PGS.TS Nguyễn Huy Nga cho hay.

Không chỉ riêng bạch hầu, hiện nay có nhiều trường hợp không tiêm chủng hoặc tiêm chủng không đúng lịch, không tiêm nhắc lại đã khiến trẻ mắc bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là bệnh sởi, viêm não Nhật Bản… 

Bài học về dịch sởi năm 2014 là một ví dụ điển hình về việc cha mẹ không tiêm phòng cho con hoặc tiêm không đầy đủ. Để phòng tránh bệnh bạch hầu, biện pháp tốt nhất là tiêm vaccine. 

“Hiện nay, trong chương trình tiêm chủng mở rộng, 100% trẻ sinh ra được tiêm đủ 3 mũi vaccine phòng bệnh bạch hầu – ho gà – uốn ván (DPT) hoặc vaccine DPT - viêm gan B - Hib 2-3-4 tháng tuổi và tiêm nhắc lại từ 18 tháng tuổi. Do vậy, cha mẹ phải đặc biệt lưu ý tiêm phòng đầy đủ cho con. Nếu khu vực có dịch phải tiêm nhắc lại khi trẻ lên 11, 12 tuổi”, ông Nga nhấn mạnh.

Thực tế cho thấy từ trước đến nay chưa ghi nhận trường hợp nào tiêm chủng đầy đủ các mũi vaccine bạch hầu mà lại mắc bệnh. Do vậy, các trạm y tế địa phương, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa phải nắm rõ lịch tiêm chủng của trẻ để đôn đốc, vận động trẻ chưa tiêm đến tiêm chủng đầy đủ. 

“Ổ dịch ở Đắk Nông là lời cảnh báo chúng ta phải rà soát lại lịch tiêm chủng ở địa phương, nếu cháu nào chưa tiêm phải vận động đến tiêm ngay. Việc trì hoãn tiêm chủng vì bất cứ lý do gì sẽ khiến trẻ có nguy cơ mắc bệnh”, ông Nga nói.

Biểu hiện của bệnh bạch hầu là sốt nhẹ, đau họng, chán ăn, sau 2 - 3 ngày xuất hiện giả mạc mặt sau hoặc hai bên thành họng, có màu trắng ngà, xám hoặc đen. Giả mạc dai, dính, dễ chảy máu. Đây là dấu hiệu quan trọng nhất để phát hiện bệnh.

Bệnh nhân có dấu hiệu khó thở, khó nuốt, có thể qua khỏi hoặc trở nên trầm trọng và tử vong trong vòng 6-10 ngày. Trường hợp bệnh nặng không có biểu hiện sốt cao nhưng có dấu hiệu sưng to cổ, khàn tiếng, thở khó, rối loạn nhịp tim, liệt.
Trần Hằng
.
.
.