Cấp cứu chuyên nghiệp, cứu sống hai ca bệnh nguy kịch

Thứ Tư, 17/05/2017, 17:00

Trong 2 ngày 15 và 16-5 vừa qua, tập thể các bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á- BVXA ( Củ Chi, TP. HCM) đã kịp thời phẫu thuật cấp cứu thành công 2 trường hợp bệnh nhân bị những bệnh lý rất nan giải và nguy kịch: một nam bệnh nhân bị đột quỵ do nhồi máu não; một nữ bệnh nhân được trả lại nụ cười sau 8 năm đi nhiều nơi mà không chữa trị được căn bệnh co giật không kiểm soát trên khuôn mặt.

Trước đó, trưa ngày 15-5, BVXA đã tiếp nhận điều trị cấp cứu bệnh nhân Đ.V.T. (57 tuổi, ngụ tại huyện Củ Chi, TP.Hồ Chí Minh) trong tình trạng chóng mặt, liệt nửa thân bên trái, méo miệng. Nhanh chóng đưa bệnh nhân vào cấp cứu và tích cực điều trị trong 1 ngày, các bác sĩ đã giúp ông T. khôi phục lại được hoạt động tay chân.


Bệnh nhân Đ.V.T. thoát chứng đột quỵ, không để lại di chứng, hoạt động cơ thể trở lại bình thường.

Người nhà cho biết, khi đang dùng tiệc tại nhà thì ông T. đột ngột thấy lả người, vã mồ hôi, nôn ói... Người nhà đã đưa bệnh nhân đến Trạm Cấp Cứu 115-BVXA. Các bác sĩ cấp cứu cùng với các bác sĩ chuyên khoa Nội Thần Kinh cùng phối hợp khám, chẩn bệnh và cho chỉ định lâm sàng cần thiết. Ghi nhận, bệnh nhân có chỉ số 12 điểm trên bảng đánh giá đột quỵ (NISSH) với các biểu hiện rối loạn cảm giác nửa thân trái, tay trái sức cơ 3/5, nói chuyện khó khăn. Được biết ông T. có tiền căn tăng huyết áp nhưng không điều trị liên tục.

Qua các kết quả kiểm tra, các bác sĩ xác định bệnh nhân bị đột quỵ, nhồi mạch máu não cấp. Bệnh nhân được đã truyền thuốc tiêu sợi huyết (Actilyse). Sau 1 ngày, bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, tay trái phục hồi hoàn toàn, chân trái được cải thiện, giảm liệt mặt.

Hiện, bệnh nhân đã có thể nói chuyện, ăn uống bình thường trở lại. Điều này cho thấy, sự chẩn đoán của ê kíp là chính xác cũng như sự nhạy bén khi ra chỉ định thuốc cho bệnh nhân, tận dụng được “thời gian vàng” trong chẩn đoán nhồi máu não giúp bệnh nhân có thể tránh được các di chứng đáng tiếc.

Bệnh nhân P.T.P đang được chăm sóc hậu phẫu tại BVXA.

Trường hợp thứ 2 là cấp cứu cho nữ bệnh nhân mắc bệnh co giật khuôn mặt kéo dài nhiều năm. Bệnh nhân tên: P.T.P. (52 tuổi, ngụ tại Hóc Môn, TP. Hồ Chí Minh được đưa vào viện ngày 16-5 với chẩn đoán mắc chứng co giật nửa mặt trái từ hơn 8 năm nay. Bệnh nhân này đã được các bác sĩ Ngoại Thần Kinh BVXA áp dụng biện pháp phẫu thuật "giải áp vi mạch" thành công.

Trước đây, chị P. đã đi khám, châm cứu, uống thuốc điều trị nhiều nơi nhưng không thuyên giảm. Tình trạng co giật ngày càng nhiều làm biến dạng khuôn mặt, gây ảnh hưởng đến tâm lý và tinh thần, cản trở trong giao tiếp xã hội, sinh hoạt và hạn chế cả tầm nhìn. Qua các kết quả lâm sàng và hình chụp cộng hưởng từ MRI, bác sĩ đã chẩn đoán, bệnh nhân bị co giật nửa mặt do dây thần kinh VII bị chèn ép, và cần được phẫu thuật giải áp vi mạch. 

Ca phẫu thuật được các bác sĩ Ngoại Thần Kinh nhiều kinh nghiệm trực tiếp thực hiện. Bệnh nhân được gây mê nội khí quản. Đồng thời, với sự hỗ trợ của hệ thống kính hiển vi phẫu thuật hiện đại, các bác sĩ tiến hành khoan sọ, rạch màng cứng vén tiểu não, bộc lộ dây thần kinh VII bị động mạch đốt sống chèn ép. Sau khi tách động mạch khỏi dây thần kinh bị chèn ép, các bác sĩ tiếp tục chèn một mảnh teflon vào giữa... Ca phẫu thuật rất khó nhưng đã thành công ngoạn mục, chấm dứt hoàn toàn tình trạng co giật nửa mặt của bệnh nhân.

Theo giải thích của các bác sĩ, bệnh co giật nửa mặt là một tình trạng co giật không tự ý, ngắt quãng, của các nhóm cơ chi phối bởi dây thần kinh VII ở một bên mặt và không gây đau, không đe dọa tính mạng. Tuy nhiên, nó gây ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống, tâm lý và tinh thần của người bệnh. 

Huyền Nga
.
.
.