Thanh tra an toàn thực phẩm cần phải thực tế hơn

Thứ Sáu, 10/03/2017, 17:46
Sáng 10-3, Bộ Y tế đã tổng kết thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm (ATTP) cấp quận, cấp phường ở TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.


Thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP được triển khai tại 10 quận, huyện và 20 xã, phường của TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh từ 15-11-2015 đến 15-11-2016. Trong thời gian thí điểm, TP. Hà Nội thành lập 65 đòan và tiến hành thanh tra, kiểm tra 3.536 cơ sở; xử lý vi phạm 786 cơ sở, phạt tiền 371 cơ sở với tổng số tiền phạt là hơn 1 tỉ đồng. 

Theo ông Trần Văn Chung- Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, lỗi vi phạm tại địa bàn Hà Nội chủ yếu là không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP; khám sức khỏe định kỳ, nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm, không đảm bảo ATTP trong quá trình sản xuất, chế biến thực phẩm…

Tại TP Hồ Chí Minh, 29 đòan đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 3.968 cơ sở; xử lý vi phạm 2.163 cơ sở, phạt tiền 923 cơ sở với tổng số tiền hơn 4 tỉ đồng. Như vậy, trong thời gian thí điểm tăng 580 cơ sở bị phạt tiền (tương đương 269,1%) với số tiền phạt tăng hơn 2 tỉ đồng, tương đương tăng 212,5%. Tỷ lệ mẫu thực phẩm không đạt ATTP (không đạt chỉ tiêu về hàn che, vi sinh, phụ gia vượt ngưỡng, độ sạch chén đĩa, dầu mỡ… ) là 74/680 mẫu, chiếm 10,9%.

Đại biểu các Sở Y tế các tỉnh đánh giá kết quả thí điểm

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết, hiện nay pháp luật chưa quy định thanh tra chuyên ngành ở xã, phường trong khi lực lượng thanh tra ở tỉnh, trung ương rất mỏng. Việc thí điểm cho thấy, thanh tra chuyên ngành ATTP tại quận, huyện, xã đã góp phần tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước; huy động được nguồn lực trong công tác thanh, kiểm tra và xử lý nghiêm sai phạm trong lĩnh vực ATTP, khi đã tăng về số vụ phát hiện sai phạm và số tiền phạt; ý thức chấp hành pháp luật của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm tốt hơn.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng, hiện chưa rõ kết quả trên do nguyên nhân nào, nên để có kết quả bền vững, hiệu quả hơn, cần phải bàn luận giữa liên Bộ NN&PTNN, Bộ Công Thương, Bộ Y tế và các đơn vị quận, huyện, xã, phường để tìm nguyên nhân đạt được. Từ đó sẽ tiếp tục thí điểm hay ban hành Chỉ thị để thực thi luôn, tránh lãng phí nhân lực nếu tiếp tục thí điểm.

Các địa phương cần thanh, kiểm tra thực tế hơn, không chỉ dừng lại ở việc kiểm tra giấy phép sản xuất kinh doanh. Các địa phương phải báo cáo nội dung kiểm tra như dư lượng thuốc thú y trong thực phẩm, chất cấm, số đơn vị cơ sở vi phạm vệ sinh ATTP; kiểm tra những nơi hay xảy ra ngộ độc; cơ sở sản xuất rượu để làm giảm tình trạng ngộ độc rượu, tác nhân gây ung thư...

Thứ trưởng Bộ Y tế lưu ý: Gần đây tình trạng uống rượu gây tử vong 7, 8 người mà không tìm ra nơi chịu trách nhiệm để xử lý theo pháp luật, chứng tỏ việc phối hợp có vấn đề. Vì thế, nếu muốn tiếp tục triển khai thí điểm, cần báo cáo thực tiễn để thực sự công tác thanh kiểm tra ATTP hiệu quả với xã hội.

Bộ Y tế đề xuất thời gian tới tiếp tục thí điểm một năm ở 100% quận/huyện và phường/xã/thị trấn tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh; triển khai thêm tại ba thành phố khác trực thuộc Trung ương  là Hải Phòng, Cần Thơ, Đà Nẵng. Hiện nay, cũng có thêm ba tỉnh đề nghị được thí điểm là Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Gia Lai.

Thanh Hằng
.
.
.