Hệ thống pháp luật về an toàn thực phẩm nhiều, nhưng mâu thuẫn, chồng chéo

Thứ Sáu, 03/03/2017, 07:55
Trong chương trình của chuyên đề giám sát về an toàn thực phẩm của Quốc hội, sau khi thị sát thực tế tại biên giới và một số địa điểm khác, hội thảo đánh giá việc thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011 – 2016 cũng đã được đoàn giám sát tổ chức tại Quảng Ninh.

Theo ông Phan Xuân Dũng – Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội: Mỗi năm, Việt Nam sản xuất trên 45 triệu tấn lúa gạo; trên 5 triệu tấn thịt lợn, trâu bò; 12 tỷ quả trứng; 795 ngàn tấn sữa; 3,3 triệu tấn thuỷ sản; 375 ngàn tấn rau quả các loại... không chỉ đáp ứng cho tiêu dùng của hơn 90 triệu dân trong nước mà còn xuất khẩu đi rất nhiều nước trên thế giới. 

Trước hết, giữ được an toàn thực phẩm (ATTP) nhằm bảo đảm cho phát triển sản xuất, phát triển kinh tế; thứ hai là bảo đảm cho sức khoẻ, thể chất và tầm vóc người Việt Nam, hạn chế các bệnh truyền qua thực phẩm; thứ ba, ATTP bảo đảm cho một môi trường sống trong lành, thu hút đầu tư, khách du lịch. 

Với ý nghĩa hết sức quan trọng như vậy, thời gian qua, công tác quản lý ATTP đã nhận được sự quan tâm của toàn xã hội, nhưng vẫn bộc lộ nhiều bất cập, kể cả chủ quan và khách quan, có nơi đã tiến đến “báo động đỏ”.

Thực phẩm thiếu an toàn hiện đang thực sự trở thành một nỗi ám ảnh với người dân.

Thực hiện chuyên đề giám sát về ATTP, thời gian qua, đoàn giám sát của Quốc hội đã tiến hành giám sát tại 19/21 tỉnh thành được chọn. Ông Phùng Đức Tiến - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho biết: Dù chương trình giám sát mới đi được non nửa hành trình, nhưng cũng đã nổi lên nhiều thông tin rất đáng chú ý.

Đó là, mỗi năm Việt Nam sử dụng trên 110 ngàn tấn thuốc kháng sinh cho chăn nuôi, thuỷ sản. Đáng lo là việc sử dụng còn khá tự do, hoóc môn tăng trưởng cho cây trồng, vật nuôi còn chưa được kiểm soát chặt chẽ... gây ảnh hưởng lớn tới chất lượng thực phẩm. 

Bên cạnh đó, tình trạng giết mổ nhỏ lẻ còn phổ biến ở các địa phương, trừ TP Hồ Chí Minh có hệ thống và quản lý tương đối chặt chẽ. Điều này thể hiện qua con số thống kê: cả nước còn 29.557 cơ sở giết mổ, đa số là nhỏ lẻ. Kết quả giám sát cũng cho thấy, nguyên liệu đầu vào chưa được kiểm soát chặt chẽ, quản lý thị trường phân phối thực phẩm còn rất nhiều bất cập, dẫn đến còn nhiều thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ lưu thông trên thị trường. 

Có thể kể đến một số vụ đã được phát hiện như: Lạng Sơn thu giữ 416 tấn chân gà và phủ tạng, Nghệ An thu giữ 202 tấn thực phẩm, TP Hồ Chí Minh xử phạt tới 45 tỷ với thực phẩm không rõ nguồn gốc... Tình trạng vi phạm về ATTP còn phức tạp, số lượng vụ ngộ độc ở nhiều tỉnh cũng còn lớn, trong khi việc xử lý vi phạm còn chưa nghiêm, mức xử phạt chưa đủ sức răn đe... là nhận định của đoàn giám sát.

Với quan điểm trước hết phải tìm lỗi ở bản thân, ông Nguyễn Tử Cương – Nguyên Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản cho rằng, hệ thống pháp luật về ATTP nhiều nhưng chồng chéo, mâu thuẫn và không hiệu quả. “Luật An toàn thực phẩm đã có nhiều vấn đề rồi, nhưng thông tư, nghị định trong lĩnh vực này quá nhiều, một bộ khoảng hơn 100 văn bản, đến nỗi quan chức đi kiểm tra cũng chẳng nhớ hết. Văn bản cấp dưới vi phạm luật của cấp trên và cơ quan kiểm tra cứ chọn cái nào thuận cho mình nhất mà làm” - ông Cương đánh giá. 

Cùng với đó, ông cũng chỉ ra việc trái với những than phiền của cơ quan chức năng về thiếu trang thiết bị kiểm nghiệm, “Rất nhiều thiết bị đang đắp chiếu, nhưng quản lý kém, Quốc hội cứ đi kiểm tra, tôi chỉ chỗ”. T.S Trần Đáng, nguyên Cục trưởng Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm (Bộ Y tế) lại cho rằng, chính Luật An toàn thực phẩm đã làm chững lại công tác này “Khi mà luật đã không thể làm nền tảng cho sản xuất kinh doanh thực phẩm và là niềm tin cho người tiêu dùng”. 

“Luật An toàn thực phẩm có 28 định nghĩa thì 26 định nghĩa không chuẩn, bao gồm cả định nghĩa về ngộ độc thực phẩm; ngôn ngữ thì luẩn quẩn, lủng củng, không có tính thực tiễn và hội nhập... vừa thừa lại vừa thiếu”. Một số chuyên gia khác lại cho rằng: Văn bản không đến nỗi thiếu, chỉ vấn đề thực thi chưa nghiêm. 

“An toàn thực phẩm đang ở mức độ nào là câu hỏi đoàn giám sát phải trả lời trước Quốc hội” – Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh. “Hiện nhiều ý kiến cho rằng ATTP ở mức đáng báo động, có chỗ đến giới hạn đỏ; nhưng lại có ý kiến cho rằng nếu như vậy, tại sao sức khoẻ của người dân lại nâng lên, rồi nông sản xuất khẩu đạt trên 31 tỷ USD? Nhiều vấn đề cần tiếp tục có câu trả lời thấu đáo như nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng ATTP như hiện nay, hệ thống pháp luật đã đủ chưa, có tình trạng buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm hay không...” – ông Phùng Quốc Hiển nêu rõ. 

Phó Chủ tịch Phùng Quốc Hiển cũng nhắc đến vấn đề được Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đặt ra, đó là tâm lý "thương người nghèo" đôi khi tạo thành dư luận làm chùn tay cơ quan quản lý. “Nếu thương người nghèo mà cứ để họ sử dụng chất cấm thì lại làm hại người tiêu dùng”. Ông Hiển cho biết sẽ tiếp thu nhiều ý kiến tại hội thảo, trong đó có việc sửa Luật An toàn thực phẩm.

PV
.
.
.