Ca phẫu thuật nội soi “xuyên quốc gia” cứu sống bệnh nhân người Campuchia

Thứ Bảy, 31/10/2015, 11:49
Các BS đã ứng ứng dụng thành công kỹ thuật “nội soi mật tụy ngược dòng” (ERCP), lấy khỏi cơ thể cho một bệnh nhân nữ người Campuchia 15 viên sỏi mật đã và đang làm mủ, gây tổn thương nhiễm trùng.

Ngày 31/10, bác sĩ chuyên khoa II- Nguyễn Tri Thức, Giám đốc chuyên môn của bệnh viện  Chợ Rẫy Phnom Pênh cho biết, các bác sĩ chuyên phẫu thuật nội soi tại bệnh viện Chợ Rẫy Phnom Pênh vừa ứng dụng thành công kỹ thuật “nội soi mật tụy ngược dòng” (ERCP), lấy khỏi cơ thể cho một bệnh nhân nữ có tới 15 viên sỏi mật đã và đang làm mủ, gây tổn thương nhiễm trùng. Và đây là lần đầu tiên phương pháp kỹ thuật Y khoa này đã được áp dụng tại bệnh viện Chợ Rẫy Phnom Pênh.

Hình ảnh ống nội soi “gắp” sỏi trong ống  mật chủ cho bệnh nhân qua màn hình chiếu.

Theo bác sĩ Thức, trước đó ngày 25/10, bệnh nhân nữ người Campuchia (61 tuổi) được người thân đưa tới bệnh viện Chợ Rẫy Phnom Pênh với triệu chứng đau dữ dội vùng hạ sườn phải và sốt cao, ăn uống kém.

Sau khi thăm khám, các bác sĩ đã cho chụp CT – Scan bụng để kiểm tra. Kết quả CT- Scan bụng phát hiện rất nhiều sỏi ống mật chủ và đã trong tình trạng nhiễm trùng đường mật do sỏi ống mật chủ.

Ê kíp các bác sĩ trong phòng phẫu thuật tại bệnh viện Chợ Rẫy Phnom Pênh.

Sau khi hội chẩn phối hợp cùng các bác sĩ tại khoa Ngoại tiêu hóa từ bệnh viện Chợ Rẫy TP Hồ Chí Minh, ê kíp phẫu thuật tại bệnh viện Chợ  Rẫy Phnom Pênh đã quyết định thực hiện áp dụng kỹ thuật “nội soi mật tụy ngược dòng lấy sỏi”- (ERCP). Chụp hình đường mật còn cho thấy có rất nhiều sỏi ống mật chủ và tại hai nhánh gan, các bác sĩ đã dùng dụng cụ chuyên khoa lấy ra được trên 15 viên sỏi kích thước 4-12mm.

 Đây cũng là kỹ thuật mới và lần đầu tiên được áp dụng tại Campuchia, với sự tham gia hỗ trợ của các chuyên gia từ bệnh viện Chợ Rẫy TP. Hồ Chí Minh. Trước đây, đối với những trường hợp này các bác sĩ sẽ phải phẫu thuật mổ hở vùng bụng và phẫu thuật mở túi mật để lấy sỏi.

Với phương pháp mổ hở như vậy thường sau mổ bệnh nhân sẽ phải chịu nhiều đau đớn, bên cạnh đó, nguy cơ nhiễm trùng cao và thời gian hậu phẫu sẽ phải mất từ 7 tới 10 ngày. Ngoài ra bệnh nhân còn nhiều nguy cơ sẽ bị các biến chứng khác sau phẫu thuật.

Với việc triển khai thành công kỹ thuật ERCP thay thế phương pháp mổ hở trước đây sẽ giúp bệnh nhân mau hồi phục, giảm thời gian nằm viện, giảm biến chứng sau mổ và giảm chi phí điều trị vì đây là kỹ thuật ít xâm lấn. Sau thủ thuật, hiện, bệnh nhân này đã hết đau, hết sốt và đã được xuất viện chỉ sau có  2 ngày. 

Huyền Nga
.
.
.